Thứ tư, 24 Tháng 7 2013 14:17

Khẳng định chủ quyền biển, đảo qua Trưng bày chuyên đề “Di sản Văn hóa Biển Việt Nam”

                                 

Tiến sĩ Nguyễn Cường, giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết Trưng bày chuyên đề”Di sản văn hoá Biển Việt Nam” thành công vang dội, không chỉ trong nước mà còn cả trên trường quốc tế.”Di sản văn hoá Biển Việt Nam”sẽ được trưng bày tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canađa... Trưng bày chuyên đề”Di sản văn hoá Biển Việt Nam”minh chứng chủ quyền biển đảo Việt Nam trong quá trình lịch sử từ xưa đến nay.

 

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn tổ chức Trưng bày chuyên đề Di sản Văn hóa Biển Việt Nam” tại Phòng Trưng bày chuyên đề Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, từ 24/6 đến 24/8/2013, hưởng ứng “Tuần lễ Biển, Hải đảo Việt Nam” năm 2013. Với gần 200 tài liệu, hình ảnh và hiện vật tiêu biểu, điển hình và có niên đại kéo dài từ thời Tiền Sơ Sử đến ngày nay. Trong đó, có các bản đồ vẽ Quần đảo Paracel (tức Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Đàng Trong, của Đại Việt (nay là Việt Nam); Bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ, triều Minh Mạng (1820-1841) có ghi tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, có Châu bản Triều Nguyễn ghi chép về giao thương hàng hải và chủ quyền biển đảo Việt Nam....\

 

Trưng bày chuyên đề Di sản Văn hóa Biển Việt Nam” với 5 chủ đề:

1- Các hiện vật khảo cổ học thời Tiền Sơ Sử được phát hiện tại các di chỉ thuộc duyên hải Việt Nam như Hạ Long, Xóm Cồn, Cái Bèo, Bình Châu, Hòa Diêm, Giồng Cá Vồ… và một số đảo, quần đảo như Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu… cho thấy cư dân ở những nơi này không những chỉ có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, họ còn tiến hành giao lưu, trao đổi hàng hoá với những nơi xa hơn tới các nhóm cư dân đồng đại khác ở Nam Trung Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

ban do 1

Bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ, triều Minh Mạng (1820-1841) ghi tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam

 

Trưng bày giới thiệu một số cổ vật được tìm thấy ở một số đảo, quần đảo và vùng duyên hải Việt Nam :


 dia gom  dia gom 2
 
 

Đĩa gốm hoa lam, thời Minh - Vạn Lịch 1573-1620, ( trên tàu cổ Bình Thuận)

 

Ang xám hoạ Hoa phù dung, thời Lê Sơ TK XV (trên tàu cổ Cù Lao Chàm)


 

3

Dấu Hoa Lộc (phát hiện ở Hậu Lộc, Thanh Hoá), 4.000 đến 3.000 năm cách ngày nay.


di san bien

Chân đền Hoà Diêm (Cam Ranh, Khánh Hoà), 2.500-1.800 năm cách ngày nay.


2- Di sản văn hóa Biển Việt Nam từ TK III trCN đến TK X sau CN: Việt Nam đã dự nhập mạnh mẽ vào giao thương hàng hải quốc tế, từ lưu vực sông Hồng, Luy Lâu (Bắc Ninh), Hội An, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Óc Eo (An Giang) ở ba miền Bắc, Trung, Nam từng là các trung tâm, cảng thị sầm uất, quan trọng và nổi tiếng trên hải trình thương mại thời cổ đại. Trong một vài thế kỷ trước và sau công nguyên, lưu vực sông Hồng ở Miền Bắc nước ta còn đóng vai trò là nơi đón tiếp các sứ bộ ngoại giao, phái đoàn thương mại nước ngoài vàlà trạm cuối của hải trình giao thương từ Tây sang Đông.

3. Di sản văn hóa Biển Việt Nam từ TK XI đến TK XV: Ngay sau khi giành được độc lập, các vương triều Đinh - Lê - Lý - Trần - Lê Sơ đã ra sức củng cố và phát triển quốc gia Đại Việt thành một thể chế mạnh và quan trọng ở Đông Nam Á. Với những chính sách khuyến khích phát triển ngoại thương phù hợp của các vương triều phong kiến, Việt Nam thời kỳ này tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn đối với thuyền buôn nước ngoài thông qua hai thương cảng quan trọng là Vân Đồn, Quảng Ninh và Thị Nại - Bình Định. Đặc biệt, việc sản xuất và xuất khẩu gốm sứ thương mại đáp ứng nhu cầu khắp các thị trường Nhật Bản, Đông Nam Á và Tây Á, đánh dấu sự dự nhập mạnh mẽ vào hải thương quốc tế của quốc gia Đại Việt.

 

nuoc hoa

Lọ nước hoa có nắp (trên tàu cổ Hòn Dàm), TK XIX - XX.

vong co

Xâu chuỗi hạt trang sức, thế kỷ I (Sa Huỳnh, Quảng Ngãi).

 

4- Di sản văn hóa Biển Việt Nam từ TK XVI đến TK XVIII:Những phát kiến địa lý thông qua thám hiểm thế giới đã mở ra một cuộc “Cách mạng thương mại” thực sự ở châu Âu dẫn đến việc thiết lập một mạng lưới mậu dịch hàng hải xuyên đại dương nối liền các châu lục. Giai đoạn này, thương nhân Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… đua nhau thâm nhập, buôn bán trực tiếp với Đại Việt. Đáp lại, chính quyền Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đều mở cửa rộng rãi và dự nhập mạnh mẽ vào giao thương hàng hải quốc tế. Kẻ Chợ, Phố Hiến, Domea ở Đàng Ngoài và Hội An ở Đàng Trong là những mắt xích không thể thiếu trong hệ thống hải thương toàn cầu.

Với chủ trương trọng thương, vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, Đàng Trong đã trở thành một Thể chế biển triệt để phát huy truyền thống khai thác biển. Việc thành lập và biến Hải đội Hoàng Sa và Hải đội Bắc Hải thành một tổ chức của Nhà nước để khai thác sản vật trên các đảo và quần đảo gần bờ, xa bờ, quyền làm chủ lãnh hải ở nước ta đã được xác định chính thức dưới thời Chúa Nguyễn.

          5- Di sản văn hóa Biển Việt Nam từ TK XIX đến hiện đại: Thời Nguyễn, hải khẩu thông thương với nước ngoài được thiết lập dọc theo bờ biển Việt Nam từ Bắc chí Nam, trong đó có nhiều hải cảng lớn như Hải Phòng, Thuận Hóa, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Gia Định, Hà Tiên… Ngoài ra, các vua triều Nguyễn cũng thường xuyên chăm lo khai thác kinh tế biển và tiến hành các hoạt động thực thi chủ quyền của quốc gia, dân tộc trên Biển Đông như tổ chức vãng thám, trồng cây, xây chùa, dựng bia, cắm mốc, đo đạc, vẽ bản đồ các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền. Cuối triều vua Minh Mệnh, bản đồ nước Việt Nam với tên gọi Đại Nam nhất thống toàn đồ đã được lập và công bố, trên bản đồ có ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

 

Việt Nam nằm bên bờ Biển Đông, có vùng biển rộng lớn với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ gần bờ, xa bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc Việt Nam. Từ lâu đời, Biển Đông luôn giữ vai trò là cầu nối văn minh, là ngã tư tuyến đường huyết mạch giao lưu văn hóa và thương mại quốc tế giữa phương Đông với phương Tây, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bằng nhiều chất liệu, loại hình các tài liệu khác nhau, hình ảnh và hiện vật được sử dụng trong trưng bày chuyên đề là những bằng chứng hùng hồn, minh chứng nước Việt Nam ta từ xa xưa đã dự nhập mạnh mẽ và có những đóng góp quan trọng vào lịch sử hình thành và hoạt động của hệ thống giao thương hàng hải quốc tế. Đồng thời, đó cũng là những thông điệp lịch sử về chủ quyền từ lâu đời và liên tục của Việt Nam trên Biển Đông. Trưng bày chuyên đề Di sản Văn hóa Biển Việt Nam” nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi tới đông đảo công chúng và nhân dân tỉnh Lạng Sơn về biển đảo Việt Nam trong lịch sử, cùng những thông điệp khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc và nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước./.

ban do hoang sa

Quốc thư, niên hiệu Quang Hưng thứ 14(1591), Chúa Nguyễn Hoàng gửi chính quyền Hideyo, Nhật Bản trao đổi việc giao thương.

buc thu

4 trang trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn, 1776, chép về việc Thành lập và tổ chức hoạt động của Hải đội Hoàng Sa, Hải đội Bắc Hải


                                                   Trần Hữu Tính, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

 

 

           

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Last modified on Thứ hai, 05 Tháng 5 2014 07:56

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 58

Tất cả 2857428

Videos

Liên kết website