Thứ năm, 09 Tháng 5 2013 08:58

Tìm về khu Linh địa cổ

Toàn bộ các kiến trúc thuộc khu Linh địa Mẫu Sơn được phân bố trên một sườn núi ở độ cao 1190m so với mực nước biển, trên diện tích 24.400m2, thuộc địa phận thôn Lặp Pịa nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao, với những ngôi nhà trình tường truyền thống và nhiều phong tục tập quán độc đáo ở xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Khi giải thích về sự hình thành núi Mẫu Sơn, Patte.E (1927) cho rằng ở đây có hiện tượng nghịch đảo kiến tạo thực sự mà nguyên nhân chính tác động của những lực ép ngang làm cho các đá trầm tích Trias bị vò nhàu, uốn nếp và tạo thành: “Nếp vồng đảo ngược Mẫu Sơn”. Còn Lantenois (1907) lại mô tả núi Mẫu Sơn như sau: “Được cấu tạo khá đặc biệt bởi cát kết Trias với nhiều mạch thạch anh xuyên qua, núi này được dâng đột ngột ở chiều cao 1540m...”. (vào đầu nguyên đại trung sinh, kỷ Trias cách ngày nay khoảng 225 triệu năm). Để đi đến khu Linh địa Mẫu Sơn, từ thành phố Lạng Sơn chúng ta đi trên quốc lộ 4A tuyến Lạng Sơn - Quảng Ninh, đến km24 thì rẽ trái đi tiếp khoảng trên 4km đến trường tiểu học thôn Lặp Pịa, từ đây chúng ta tiếp tục cuộc hành trình đi bộ theo đường mòn, leo núi vượt khe dưới tán rừng già, dốc núi cheo leo hiểm trở. Đi trên dưới 2 tiếng đồng hồ mới đến khu Linh địa. Khu di tích cách thành phố Lạng Sơn trên 30km về phía đông bắc, trên một sườn núi với hai bên về phía đông và tây là khe sâu và đại ngàn, gối lên phía bắc là đỉnh núi Mẹ - Mẫu Sơn cao 1541m so mực nước biển, nhìn về phía nam dưới chân núi trải dài muôn trùng nước non, những thôn bản tô điểm bên cánh đồng màu mỡ tốt tươi. Các bộ phận của các kiến trúc trong di tích bao gồm: một đền thờ ở trung tâm, 02 ngôi mộ chôn cất kiểu mộ “cự thạch” ở phía tây bắc, 02 đập chặn nước dồn ở phía bắc để bảo vệ khu Linh địa mùa mưa lũ, ở phía tây nam có một kiến trúc gỗ lợp mái lá? vào địa thế núi rừng và khe nước bao bọc như vậy, ta thấy người xưa lựa chọn thế đất rất công phu để có được khu đất “đắc địa”, xây dựng các thành phần kiến trúc của di tích nằm trong thế “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”, thoải dốc theo thế núi trục trung tâm hướng bắc nam, đã tôn khu Linh địa thành một lãnh địa linh thiêng, huyền bí và tôn nghiêm.

1- Khu Linh địa - vùng đất linh thiêng, trong đó các kiến trúc được xây dựng lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng nguyên sinh với những cổ thụ sồi, dẻ, thông, đào, đỗ quyên... với thảm thực vật và hệ động vật đa dạng về loài. Có thể nói một trong những đặc điểm quan trọng làm cho Mẫu Sơn nổi tiếng và được sử dụng làm khu du lịch chính là do hệ khí hậu đặc biệt ở đây, Mẫu Sơn được thiên nhiên ưu ái cho khí hậu mùa hè thật là mát mẻ dễ chịu - là một trong vài ba điểm trong toàn quốc - nhiệt độ thường là 21 độ, không mấy khi vượt ngưỡng 27 độ. Khí hậu lạnh ở Mẫu Sơn cũng là một tài nguyên môi trường cho du lịch và hoàn toàn có thể phát huy tốt về mùa hè, còn về mùa đông lại được thưởng ngoạn cảnh băng tuyết trắng xoá, mù sương, ẩn hiện trong rừng hoa đào là một ưu thế vượt trội về khí hậu của Mẫu Sơn. Trong khu Linh địa cổ có hai kiến trúc khác lạ bằng đá - dạng “cự thạch”, theo cách phân loại của học giả Heine Gelderm thì kiến trúc đó là “mộ đá trác thạch” - là  những kiến trúc sử dụng đá có kích thước lớn là những tảng hoặc khối đá lớn.

 

phía tây bắc khu Linh địa là một kiến trúc khá nguyên vẹn, đây là một ngôi mộ cổ được táng trong hẻm đá, hai mặt và đáy mộ lợi dụng phần nhô cao của tảng đá tự nhiên được gọt đẽo nhắn phẳng công phu, mặt phía nam được che chắn bằng ba khối đá lớn (có khối kích thước D2,8m x R1m x H0,53m), mộ đá được cấu trúc hình hộp dạng bàn, có cửa ra vào. Phía trên nóc mộ được đậy một tấm đá lớn gần hình vuông, đậy khít trên các phiến đá tạo thành bốn bên thành mộ. Cách đó trên mười mét về phía tây là mộ “cự thạch” cổ khác, được tạo bởi hai khối đá lớn song song gia cố cẩn thận, đẽo gọt bằng phẳng tạo thành hai bên thành mộ phía đông và tây trên nền đá gốc, các góc của hầm mộ vuông thành sắc cạnh, mặt phía bắc có một phiến đá chốt khít cứng hai khối đá bên thành mộ, mặt phía nam cấu tạo như kiến trúc đã nêu trên tạo thành “cửa” mộ, phần nóc được che khít bởi những thanh đá cho ta đoán định hầm mộ dạng phòng có mái che từ 2 tầng trở lên. Hai kiến trúc này có đầy đủ các yếu tố của một di tích cự thạch dạng Dolmen, so sánh với các kiến trúc cự thạch khác cho ta nhận định hai kiến trúc này có niên đại TK X đến TK XII.

Cự thạch được dựng ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới từ thời tiền sơ sử đến nay, những di tích cự thạch sớm nhất tìm thấy ở Tây Âu có niên đại tới 7000 năm cách ngày nay. Đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á thì “cự thạch” được dựng lên với chức năng là các di tích mộ táng. Theo các tài liệu khoa học trên thế giới và đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, cho chúng ta biết về “cự thạch” có ba loại là: Mộ đá; Đá đơn; Các công trình dựng bằng đá là những cấu trúc được làm từ một số đá tảng hay thanh đá có liên quan đến ý tưởng cự thạch (Megalithic Ideas) - hiểu theo nghĩa thông thường là thờ cúng tổ tiên.

Xem xét kỹ những phiến đá xây dựng hầm mộ này đều là đá cát kết có nguồn gốc từ trầm tích biển và đây cũng là thành phần thạch học chủ yếu của vùng Linh địa Mẫu Sơn. Đá này có nguồn gốc biển và các tài liệu địa chất học cho biết chúng có tuổi Triad. khu rừng phía tây gần khu Linh địa còn một số phiến đá lớn đẽo gọt dở dang, người xưa đã tận dụng hình dạng những tảng đá gốc bị nước chảy mạnh xẻ ra thành những tấm đá dày từ 20-30cm có dạng như tấm phản dựng dọc trên bề mặt con suối cạn, trên một số phiến đá vẫn còn dấu vết đục đẽo, đem xây dựng các kiến trúc cự thạch trong khu Linh địa. Hai di tích kiến trúc cự thạch - đá lớn ở đây, với kỹ thuật chế tác cao, người xưa lại còn biết tận dụng lợi thế địa hình xắp xếp một cách khoa học để tạo nên di tích hầm mộ. Một đặc điểm nnổi trội của di tích hầm mộ đá khu Linh địa là mộ đá dạng hình hộp, có nền đá và vách đá, có mái che và cửa ra vào, di tích cự thạch kiểu Dolmen này hoàn toàn phân biệt với các di tích cùng loại hiện biết ở nơi khác trên đất nước ta và trong khu vực Đông Nam Á.

Linh Dia 2

 

                                            Mộ đá trác thạch trong khu Linh Địa

2- Chính giữa khu Linh địa theo trục bắc nam, còn lại nhiều dấu tích kiến trúc của một ngôi đền: tường xây gạch, bậu cửa, cánh cửa và cối cửa bằng đá, bệ thờ với tượng nghê và bát hương, đá tảng kê chân cột... Từ dưới lên theo trục nam bắc là sân đền, tiếp đến là bậc ngũ cấp dẫn lên chính điện. Sân được kè đá cao trên 1m so nền đá gốc, mặt sân lát toàn đá tự nhiên tương đối bằng phẳng, diện tích sân D9,2m x R4, 5m. Bậc lên xuống ngũ cấp, tượng cho “ngũ phúc lâm môn” dẫn lên chính điện, cao hơn sân đền 2m. Chính điện là kiến trúc được thiết kế hình chữ “nhị” phân ra toà tiền tế và toà chính điện, diện tích D13m x R8,4m, móng kè đá, tường xây gạch. Toà tiền tế nối với  toà chính điện bằng những hàng gạch chỉ, trên nền còn 16 đá tảng kê chân cột được gia công khá công phu, toà tiền tế có kiến trúc 3 gian bít đốc với gian giữa rộng hơn hai gian bên. Chính điện có diện tích nhỏ hơn toà tiền tế và còn khá nguyên vẹn từ tường bao, bệ thờ và đá tảng chân cột, tạo lên kiến trúc ba gian bít đốc. Trong toà chính điện có 4 ban thờ: ban thờ thứ nhất nằm chính gian giữa cao nhất sát với tường phía bắc, rộng 2, 5m giật ba cấp; ở hai bên có hai ban thờ nhỏ; cuối cùng là ban thờ ở gian bên phải sát tường phía tây. Các di vật tìm được trong ngôi đền này gồm: ngói âm dương, cửa đá và cối cửa, bát hương và lư hương, giá kê đồ thờ, chân đèn và đĩa đèn, tượng nghê... Dựa vào các dấu tích kiến trúc còn lại và những di vật đã phát hiện để so sánh đối chiếu với những di tích khác, đồng thời tham khảo các tư liệu thành văn cho ta nhận định khu Linh địa có niên đại từ TK X đến đầu TK XX. Cụ thể ta thấy toà chính điện việc xây dựng và tu sửa phân làm hai giai đoạn khác nhau: Giai đoạn 1: chỉ là kiến trúc nền và móng được tôn kè bằng đá tự nhiên, có các chân tảng kê cột gỗ, với cấu trúc nhà 3 gian 2 chái, mái lá có niên đại TK XVIII; Giai đoạn 2: nhà được tu sửa với hệ thống đá gia cố móng, xây gạch xung quanh, cột gỗ mái lợp ngói, nhà 3 gian bít đốc, niên đại TK XIX.

Linh Dia 3

Nền móng và tường bao toà Chính điện trong khu Linh địa

3- Nằm ở góc đông nam nơi thấp nhất khu Linh địa, là nền móng của một kiến trúc gỗ lợp mái lá, toàn bộ trên phần nền không có loại vật liệu xây dựng nào khác ngoài hệ thống đá kê chân tảng (có 4 hàng, mỗi hàng 4 chiếc) được đẽo gọt công phu. Diện tích kiến trúc này D12m x R6,8m, quay hướng chính nam, đây là ngôi nhà 3 gian 2 trái, một kiến trúc có các cột gỗ, ván bưng và lợp lá. Có thể đây là nơi ở của những người trông coi đền hoặc là nơi tế lễ ngoài trời, kiến trúc này có niên đại cùng toà chính điện.

4- phía bắc khu Linh địa, các khối đá tự nhiên đã được người xưa xẻ nhỏ đắp thành một con đập theo chiều cắt ngang khe cạn theo hướng đông tây. Kích thước D14m x R10m x H4m. Đây là đập chắn nước dồn từ đỉnh núi xuống để dẫn vào hai bên khe suối phía đông và phía tây, bảo vệ di tích vào mùa mưa lũ.

Cách đó trên 30m về phía bắc còn một đập chắn nước nữa, có quy mô lớn hơn D20m x R17m x H5m. Bên dưới sườn đập là những đường xẻ rãnh để thoát nước vào hai khe suối ở hai bên. Như vậy là do địa hình có độ dốc cao nên về mùa mưa lũ lưu lượng nước từ đỉnh núi dồn về rất lớn, hai đập chắn nước này là rất quan trọng, đảm bảo che chắn an toàn cho các toàn bộ các kiến trúc trong khu Linh địa.

Hai đập chắn nước này cho ta thấy trình độ hiểu biết về thuỷ lợi và ý thức bảo vệ khu di tích linh thiêng này của chủ nhân văn hoá Mẫu Sơn và cũng là truyền thống của cư dân nơi đây.

Vượt qua khe về phía đông bắc khoảng 300m, trên sườn quả đồi nhỏ tựa thung lũng hẹp ở phía dưới còn có hai nền kiến trúc: Nền thứ nhất diện tích D8m x R6,8m, từ các phiến đá làm bậc lên xuống và kè mống cho ta biết kiến trúc quay hướng đông nam; Nền thứ hai cách nền thứ nhất 20m về phía đông bắc, có D10m x R7, 2m. Dựa vào kết cấu nền mống của hai kiến trúc này ta có thể nhận định đó là nhà cột gỗ bưng ván và lợp mái lá của những người trông coi phục vụ việc tế lễ trong khu Linh địa, đồng thời vừa trồng trọt hoa màu vì gần đó là thung lũng rộng phẳng và đập nước, rất thuận lợi cho việc gieo trồng hoa màu và cây lương thực.

Như đã trình bày trên đây, khu Linh địa Mấu Sơn có nhiều loại hình di tích của nhiều thời kỳ khác nhau, trong đó đặc biệt là sự hiện hữu của hai di tích kiến trúc “trác thạch” - Dolmem, là một loại hình di tích khảo cổ mới, lần đầu tiên được biết đến ở Lạng Sơn, còn khá hiếm ở Việt Nam và Đông Nam Á. Nghiên cứu loại hình di tích “cự thạch” này cho chúng ta hướng tiếp cận tìm hiểu diễn trình văn hoá độc đáo của cư dân trong vùng. Việc thu gom được nhiều tư liệu hiện vật quý hiếm, có giá trị minh chứng cho một giai đoạn lịch sử văn hoá của địa phương, đồng thời định hướng và tư vấn cho các nhà xây dựng chiến lược phát triển kinh tế văn hoá xã hội và khai thác du lịch sinh thái, khảo cổ, dưỡng bệnh... trong tương lai của tỉnh. Về chủ nhân khu Linh địa, thời kỳ đầu là người Tày cổ, sau này có sự tham gia của người Nùng và người Dao cùng cư trú. Vậy khu Linh địa thờ vị thần nào? Tổng hợp các tài liệu thành văn và điền dã có thể nhận định vị thần được thờ ở khu Linh địa có tên là Lê Hùng Trần (đã có 3 đạo sắc phong), tên chữ của vị thần là: “Đức tôn thần công Tịnh, Quang Mậu Hùng Trấn Đại vương Thượng đẳng phúc Thần”, là thần trấn giữ núi Mẫu Sơn - một vị Thần Núi. Cư dân sinh sống ở quanh vùng núi Mẫu Sơn hàng năm vẫn hành hương về khu Linh địa tế lễ và đến những năm đầu TK XX thì khu Linh địa Mẫu Sơn vẫn tồn tại với đầy đủ ý nghĩa là nơi thờ cúng tôn nghiêm của đồng bào địa phương. Tuy nhiên thời kỳ đầu việc xây dựng và thờ cúng tại khu Linh địa còn sơ khai, cùng với việc thờ tự hành lễ là việc xây dựng chôn cất các thủ lĩnh cao quý của tộc người Tày cổ, nhưng không chỉ đơn thuần là nơi thờ tự, lăng mộ, hành lễ mà còn là biểu tượng của sức mạnh văn hoá của tộc người Tày cổ nơi đây, đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, chủ quyền văn hoá và tinh thần đoàn kết, độc lập của tộc người bản địa. Sự ảnh hưởng về văn hoá của khu Linh địa rất rộng, tác động tích cực đến đời sống văn hoá tinh thần và lòng tự hào dân tộc đối với toàn thể cư dân cư trú trên địa bàn.

Núi Nẫu Sơn nằm trên tuyến giao thông của vùng đông bắc, chỉ cách thành phố Lạng Sơn 30km, trên tuyến giao thông quan trọng qua nhiều vùng có phong cảnh đẹp nối liền từ Móng Cái - Quảng Ninh, rất gần mỏ than Na Dương nơi có nhiều hoá thạch động thực vật tuổi hàng chục triệu năm. Ngay khu Linh địa dưới chân núi là thác Rồng là điểm du lịch được nhiều người biết đến và cũng là trên đường đến khu Linh địa. Du khách có thể tới thăm cửa khẩu Chi Ma trên biên giới Việt - Trung cách đó 4km về phía bắc. Vị trí này rất thuận lợi cho việc mở các tuyến du lịch liên khu vực. Đi đến được khu Linh địa Mấu Sơn, mọi người còn đang say xưa trong khung cảnh lung linh mờ ảo của sương gió và không khí mát lạnh của đại ngàn, trong một không gian linh thiêng huyền bí, ta nghe đâu đây tiếng “thì thầm” của quá khứ vọng về, tiếng vọng từ ngàn xưa của khu Linh địa cổ, còn nhiều huyền bí cần được giải mã. Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới vùng đông bắc của Tổ quốc, có nhiều lợi thế về du lịch, văn hoá khảo cổ, văn hoá tộc người và du lịch sinh thái, nhưng cho đến nay chưa được khai thác có hiệu quả các giá trị vốn có của chúng, có thể do chưa xây dựng được lộ trình thích hợp cho việc đầu tư khai thác chăng? Thì đây, khu Linh địa cổ Mẫu Sơn có đủ các điều kiện cần thiết bao gồm vùng sinh thái nghỉ ngơi, vùng dân tộc học độc đáo, tộc người đặc sắc và đặc biệt lại có thêm một quần thể di tích khảo cổ với nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn sẽ là những tour du lịch hấp dẫn du khách mọi miền. Khu Linh địa Mẫu Sơn một vùng đầy tiềm năng và thách thức. /.

 

Trần Hữu Tính, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn.


Last modified on Thứ năm, 09 Tháng 5 2013 09:05

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 46

Tất cả 2857416

Videos

Liên kết website