Thứ hai, 04 Tháng 11 2024 01:36

Dấu ấn cách mạng qua bản “Truyền đơn” của đồng chí Hoàng Văn Thụ lưu giữ tại Bảo tàng

          Đồng chí Hoàng Văn Thụ là nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương, người có đóng góp lớn vào phong trào cộng sản Việt Nam và là nhà thơ cách mạng Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Người con ưu tú của mảnh đất Xứ Lạng đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc. Năm 1929, ông được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, sau đó được bổ sung vào Xứ uỷ Bắc Kỳ, được bầu làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ Trung ương, phụ trách công tác công - binh vận.

 Những năm qua, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn luôn là “địa chỉ đỏ” của hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Tại đây hiện đang lưu giữ và trưng bày khoảng 25 hiện vật tư trang, đồ dùng sinh hoạt của đồng chí đã được người thân giữ gìn và trao tặng cho Bảo tàng. Mỗi hiện là một câu chuyện cảm động, đầy kỷ niệm gắn đồng chí Hoàng Văn Thụ trong quá trình hoạt động cách mạng của mình. Nổi bật trong những kỷ vật đó là tờ  truyền đơn ghi bằng chữ quốc ngữ in  li-tô (in trên đá) với tiêu đề “ Kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga Xô viết ”.

TRUYEN DON

Truyền đơn được đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp soạn thảo và ấn hành ngày 07/11/1940

Trong bối cảnh Việt Nam đầu thế kỉ XX đang lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối khi con đường cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, dân chủ tư sản đều không thành công. Yêu cầu lịch sử đặt ra là phải tìm kiếm một con đường cứu nước mới. Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một khả năng mới, một con đường mới - con đường cách mạng vô sản cho việc giải quyết sự bế tắc của bài toán độc lập tự do ở Việt Nam. Trước tình hình  đó để vận động, giác ngộ được quần chúng cách mạng  đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tự tay soạn thảo bản truyền đơn với nội dung kêu gọi quần chúng đấu tranh giành thắng lợi, xóa bỏ giai cấp bóc lột, tư sản, địa chủ và chế độ người bóc lột người, đưa giai cấp vô sản bị áp bức, bóc lột nặng nề thành giai cấp đứng đầu và làm chủ xã hội, giải phóng nhân dân lao động, đưa người lao động từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước... Trong tờ truyền đơn đồng chí nhấn mạnh: “Hỡi những ai không muốn làm nô lệ ! Hỡi tất cả các giới đồng bào yêu nước ! Hỡi tất cả các dân tộc áp bức ở Đông Dương ! Hãy nhìn nhận sự sống còn của dân tộc, sự tồn vong của tổ quốc, chúng tôi thiết tha kêu gọi các bạn mau tỉnh giấc, đứng vào hàng ngũ mặt trận cứu quốc…”. Những lời kêu gọi của đồng chí tuy ngắn gọn nhưng đanh thép đã thôi thúc, làm bùng lên trong lòng quần chúng cách mạng ý chí quyết tâm sắt đá, khơi dậy sức mạnh, truyền thống anh hùng bất khuất của cả dân tộc. Ngày 7/11/1940, đồng chí cũng là người người trực tiếp chỉ đạo ấn hành tờ truyền đơn này.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           Ông Nông Đức Kiên – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn cho biết  “Nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ. Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn sẽ tổ chức triển lãm trưng bày một số tài liệu, hiện vật hình ảnh tiêu biểu gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Trong đó tờ truyền đơn là một hiện vật có giá trị lần đầu tiên được đưa ra giới thiệu tới công chúng. Hiện vật này cũng là một trong số những bằng chứng lịch sử chân thực và quý giá góp phần tuyên truyền, lan tỏa tới công chúng trong và ngoài tỉnh hiểu rõ hơn về một thời kỳ đấu tranh gian lao mà anh dũng của thế hệ đi trước ”.

        Bản truyền đơn của đồng chí Hoàng Văn Thụ tuy mỏng manh, nhỏ bé nhưng qua đó đã phản ánh quá trình hoạt động, những cống hiến, đóng góp lớn lao của đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng đồng đội đối với cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào cách mạng Lạng Sơn nói riêng. Đây là một trong những tài liệu hữu ích có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, khơi gợi lòng tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của quê hương, đất nước cho mọi tầng lớp Nhân dân, qua đó khơi dậy ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

 

Bùi Thị Thủy – Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 33

Tất cả 2857403

Videos

Liên kết website