Súng thần công thế kỷ XIX, đây là loại vũ khí tự tạo của nhân dân Lạng Sơn đã sử dụng trong thời kỳ chống Pháp và bọn thổ phỉ biên giới. Súng được chế tác bằng đồng, dài 100cm. Thân súng có hình trụ tròn, hai đầu và thân có các đường gờ nổi. Gần một đầu của nòng súng có chân chống hình chữ Y ngược gắn vào thân tại 2 chiếc tai có thiết diện tròn. Trên thân súng có chữ Hán ghi trọng lượng của súng (106 kg) |
Sưu tập đồ gia dụng gốm sứ hoa lam, Trung Quốc, gồm có các loại như: bát, ống bút, chén, lọ, bình, khay, nậm, liễn, bộ bát trà, ca có nắp.
1- Bát sứ hoa lam: có niên đại TK 17 đời Minh, Trung Quốc. Bát sứ men trắng vẽ lam hai mặt, hình tròn, thành cong, chân đế hơi cao. Lòng bát và thành ngoài vẽ lam trang trí hình tùng dây, hoa lá. Đáy có chữ "Trường xuân giai khí" (ghi tên lò gốm)
2 - Ống bút sứ hoa lam, năm 1690 đời Khang Hy nhà Thanh Trung Quốc. Ống bút có hình trụ tròn, đường kính miệng: 7,5 cm; cao 10 cm; đáy bằng, tráng men trắng ở cả hai mặt. Mặt ngoài vẽ lam nhạt đề tài phong cảnh sơn thủy. Đáy có chữ hán "Khang Hy niên chế" (chế tạo đời vua Khang Hy)
3- Chén sứ hoa lam, đời Ung Chính (1723-1725), chén có kích thước nhỏ: đường kính miệng 6,8cm, đường kính đáy 3,1 cm. Chén sứ men trắng vẽ lam, miệng chén hơi loe cong, cốt mỏng. Lòng chén phẳng được giới hạn bằng một đường tròn đơn. Mặt trong (gần miệng chén) trang trí hồi văn hoa dây. Mặt ngoài vẽ tích "Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài"
- Chén sứ hoa lam, là đồ gia dụng thời nhà Thanh, Trung Quốc , niên đại 1723 – 1735. Chén có kích thước đường kính miệng 6,5cm, đường kính đáy 3,3 cm. Chén sứ men trắng vẽ lam, thành chén mỏng, vát, miệng chén hơi loe, vẽ trang trí ở cả hai mặt. Mặt ngoài bổ ô hình cánh sen (gồm 6 cánh), trong mỗi cánh vẽ hình 1 con tôm, cua, cá xen giữa các cánh sen. Sát miệng chén là hình nửa bông cúc. Mặt trong vẽ một băng hồi văn vòng quanh miệng chén, đáy chén vẽ hình tiên cô đứng trên đài sen.
4- Lọ sứ hình trúc (lọ rượu), niên đại cuối TK 19 đời Thanh, Trung Quốc. Lọ có kích thước cao 25cm, đường kính 12 cm. Lọ rượu hình ống chia làm 3 phần hình ngấn trúc, mỗi ngấn trúc trang trí phong cảnh của một điển tích khác nhau. Lọ rượu có nắp bằng, núm hình búp sen, phía trên gần miệng có 3 đầu động vật gắn vào. Lọ rượu có vòi (nhưng đã bị gãy).
5- Bát sứ hoa lam, thế kỷ 17 đời Minh, Trung Quốc. Bát có kích thước đường kính miệng 15 cm, đường kính đáy 6,5 cm, cao 7,5 cm. Bát có lòng rộng, sâu thành cong, trôn cao và thống nhất ở đồ án hoa văn trang trí. Lòng bát có 2 đường chỉ xanh khoanh tròn sát miệng bát đồng thời có một vài nét trang trí đơn giản. Chính giữa lòng bát được khoanh tròn 2 đường chỉ nửa vẽ hình 1 bông hoa lớn (cúc - sen) và các hình lá. Phía ngoài trang trí theo các lối hình hoa lá nối tiếp nhau vòng quanh bát. Dưới trôn vẽ 1 số ký hiệu chữ triện và hình "bức tranh" trong bát bảo.
6- Bình sứ hoa lam, niên đại thế kỷ 19 đời Thanh, Trung Quốc. Bình sứ có miệng, thân và đế có thiết diện hình vuông, kích thước: cao 25,5 cm, Cạnh trên: 9cm, Cạnh dưới 4,5 cm. Cổ bình vẽ hoa lá, vai vẽ 2 băng gạch chéo tam giác và hoa mai. Bốn mặt quanh thân hình lá đề, rồng mây và hình tròn (viên long)
7- Khay sứ hoa lam, niên đại thế kỷ 19 đời Thanh. Trung Quốc, khay có kích thước đường kính miệng 17 cm, đường kính đáy 12,6 cm, cao 2 cm. Khay hình tròn, lòng phẳng, vẽ lam phong cảnh, lâu đài, người qua cầu, người chèo thuyền... Trôn có chữ Hán "Ngoạn Ngọc"
8- Nậm sứ hoa lam, niên đại thế kỷ 19 đời Thanh. Trung Quốc, có kích thước đường kính thân 8,2 cm, đường kính đáy 12,6 cm, cao 17,5 cm. Nậm sứ có hình củ tỏi, cổ nhỏ, hình tròn, cao; đáy bằng, không có chân đế. Thân hình bầu tròn, vẽ lam lâu đài, phong cảnh, nhân vật (hình người ngồi câu cá). Sát miệng và đáy có 2 đường chỉ lam song song.
9- Liễn sứ, niên đại thế kỷ 19 đời Thanh, Trung Quốc, có kích thước đường kính miệng 18 cm, đường kính nắp: 20,5cm, cao 15 cm. Liễn có miệng đứng thấp, thân phình tròn và thót về phía đáy. Liễn được tráng men trắng xanh ở cả hai mặt, đáy để mộc. Gần mép miệng liễn có một băng hoa văn hình chữ S. Thân vẽ đề tài "Long ẩn" (rồng ẩn trong mây) và sóng nước. Trên thân có 4 quai hình mặt thú, có chữ "Vương" hoặc chữ "Nhâm" bố trí theo từng cặp đối xứng nhau. Chỏm nắp có hình sư tử quỳ, xung quanh vẽ hình rồng mây, sóng nước.
10- Bộ bát trà, đồ gia dung thời triều vua Ung Chính, nhà Thanh, Trung Quốc, niên đạị thế kỷ 18 (1723-1725) Bộ bát trà gồm có: bát và đĩa úp bát.
- Bát có kích thước nhỏ: đường kính miệng 8 cm; ĐK trôn 3,7cm; Cao 3,5 cm. Bát sứ men trắng xanh vẽ lam cả 2 mặt; mặt ngoài trang trí hình cánh sen nổi ôm lấy thành bát, trong mỗi cánh sen vẽ trang trí đề tài hoa tứ quý: sen, cúc, tùng, mẫu đơn, cảnh bến nước sơn thủy hữu tình , ngư ông… mặt trong sát vành miệng chén là một băng hoa văn cúc dây, gạch chữ “vạn” chạy vòng quanh, chính giữa lòng bát là hình chim công , cúc dây
- Đĩa hình tròn, đường kính miệng 12,8 cm; ĐK trôn 7,5cm. Đĩa bằng sứ, men trắng xanh mỏng vẽ lam cả 2 mặt, mặt trong trang trí giống mặt ngoài của bát trà nhưng 8 cánh sen ở dạng chìm. Mặt ngoài của đĩa trang trí 2 cánh hoa sen và 2 đoạn hoa dây đối nhau
11- Ca có nắp, là đồ gia dụng thời nhà Thanh ( Trung Quốc) năm 1690. Ca bằng sứ trắng vẽ lam. Thân hình tròn có nắp đậy và một quai. Chân đế cao và thắt hình con tiện ở phần trên . Miệng nhỏ, trên nắp có một núm tròn nhỏ. Ca vẽ trang trí đề tài bến nước, núi đồi, ngư ông.
Trống đồng Na Dương thuộc nền văn hóa Đông Sơn, phát hiện năm 1970 tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn (niên đại 2500-2000 năm cách ngày nay) thuộc nhóm trống loại I (theo cách phân loại của Heger).Trống Na Dương mang những nét rất đặc trưng của dòng trống Đông Sơn. Dáng trống hài hòa, cân đối với ba phần rõ rệt: tang phình, thân thon, đế choãi. - Chính giữa mặt trống là hình ngôi sao 13 cánh tượng trưng cho mặt trời. Xen giữa các cánh sao là văn lông công hình tim với biểu tượng sinh nam thực khí gắn với ý nghĩa phồn thực. Tiếp đó, các vành hoa văn (có 11 vành hoa văn) được bố trí theo kiểu đồng tâm từ trong ra ngoài, trang trí các hoa văn: văn răng lược, vòng tròn kép có chấm giữa, các đường gấp khúc cắt nhau tạo thành hình trám, hình người trang sức lông chim nhưng mang tính cách điệu cao - biến thành hình văn cờ. Ngoài ra trên mặt trống còn có 4 khối tượng cóc bố trí từng cặp đối xứng qua tâm trống, cách đều nhau. - Phần tang và phần thân trống: trang trí hoa văn đơn giản giống trên mặt trống (văn răng lược và vòng tròn kép có chấm giữa), song tuỳ từng phần mà có bố cục hợp lý. Thân và chân trống được phân cách bởi một đường chỉ lớn nhô hẳn lên chứng tỏ sự phân biệt rõ rệt giữa các phần của trống. Chân trống có hình nón cụt với độ choãi vừa phải, được trang trí các băng hoa văn ngang. Phần thân trống có hai đôi quai kép bố trí đối nhau. Quai trống có dạng hình chữ C, trang trí văn thừng tết. Trống được đúc bằng khuôn ba mang (2 mang thân và 1 mang mặt), đây là kỹ thuật đúc rất phổ biến của văn hóa Đông Sơn. Như các trống Đông Sơn khác, trống Na Dương là sản phẩm ra đời xuất phát từ nhu cầu văn hoá tinh thần của cư dân Lạc Việt. Trống có rất nhiều công dụng: dùng để thờ cúng, là nhạc khí dùng trong lễ hội truyền thống, nghi thức tế lễ... |
Đồ trang sức của phụ nữ dân tộc Dao thường dùng trong các ngày lễ tết, hội hè, cưới xin.
Bộ trang sức bao gồm: hoa tai, vòng cổ, vòng tay, chất liệu bằng bạc
-Hoa tai có thiết diện tròn, to ở giữa và thuôn nhỏ dần về phía 2 đầu. Phần chót hai đầu xoắn cuộn tròn lại với nhau, phía trên có 1 móc nhỏ để đeo.
-Vòng cổ có thiết diện tròn, phình to ở giữa và thuôn dần về hai đầu, phần chót hai đầu xoắn cuộn ngược lại. Ở hai đầu tạo thành khe hở để đeo dễ dàng hơn. Vòng có đường kính 16,5 cm
-Vòng tay có hình tròn, thiết diện tròn thuôn nhỏ dần về 2 đầu và gập lại cuốn tròn theo thân vòng. Vòng có đường kính: 7,3 cm
Đồ trang sức của phụ nữ dân tộc Nùng thường dùng trong các ngày lễ tết, hội hè, cưới xin.
- Bộ trang sức gồm có: 01 vòng cổ, 01 vòng tay, 02 vòng chân, 02 khuyên tai, chế tác bằng chất liệu đồng
- Vòng cổ có đường kính 15 cm. Vòng chân 10 cm. Vòng tay 7 cm. Vòng cổ, vòng tay, vòng chân đều có kiểu dáng như nhau: Ở giữa xoắn kiểu quấn thừng, hai đầu chót quấn vòng quanh thân vòng thành 9 vòng. Riêng vòng cổ ở hai đầu uốn cong.
- Khuyên tai có đường kính 2,5 cm, Khuyên tai uốn cong như hình móc câu, một đầu có núm tròn.
- Khuyên tai được chế tác bằng chất liệu bạc, khuyên tai hình tròn, ở giữa to và thuôn nhỏ dần về phía 2 đầu. Phần chót hai đầu xoắn cuộn tròn lại.
- Xà tích là đồ trang sức đeo bên thắt lưng của phụ nữ dân tộc Nùng, được chế tác bằng chất liệu bạc. Xà tích là một đoạn dây gồm những vòng tròn nối dài, hai đầu dây được móc vào 1 vòng tròn nhỏ . Tiếp đến là đồng 10 cent, nối tiếp là đồng 20 cent, tiếp theo bên dưới là 2 đồng 10 cent, tất cả được gắn với nhau bằng những vòng tròn nhỏ. Cuối cùng là 4 que được gắn liền với 2 đồng 10 cent bởi các vòng tròn; (2 que đầu nhọn, 2 que đầu dẹt) có những đường chạm khắc dọc hoặc ngang.
Đồ trang sức của phụ nữ dân tộc Tày bao gồm: vòng cổ, vòng tay và xà tích, đồ trang sức thường dùng trong các ngày lễ tết, hội hè, cưới xin. - Vòng cổ: được làm bằng chất liệu đồng pha bạc. đường kính 20,5 cm. 2/3 chiếc vòng có thiết diện tròn, nhỏ dần về 2 đầu, 2 đầu chiếc vòng tiếp giáp với nhau 1 khoảng cách dài 3,7cm và được xoắn lại ở 2 bên bằng những vòng tròn nhỏ quấn quanh; đoạn giữa của vòng có thiết diện hình thoi, to dần về phía giữa vòng, 2 mặt của hình thoi trang trí hoa cúc dây, 1 mặt trang trí đường gấp khúc hình chữ V được khắc chìm bằng 2 đường song song ở giữa hình chữ V có trang trí hình 1 nửa bông hoa đào; mặt còn lại của hình thoi được khắc chìm 4 chữ Hán “Trường, sinh, mệnh, bảo" khoảng cách của từng chữ được trang trí hoa văn dây được khắc bằng các chấm. - Vòng tay có hình tròn, mặt ngoài hình sống trâu ( nhô lên ở chính giữa mặt ngoài). Có trang trí hình hoa cúc và các đường trang trí theo kiểu chạm chìm, có một khe hở ngang khi đeo. Vòng có đường kính 5,7cm, rộng 2cm - Xà tích là đồ trang sức thường đeo ở bên thắt lưng. Chất liệu bạc, xà tích là 1 đoạn dây dài 43 cm quấn theo kiểu vặn thừng, hai đầu dây được móc vào 1 vòng to gần bằng đồng xu. Có 1 bộ tua gồm 3 sợi dây xích nhỏ ( 2 dây đính vuốt hổ và 1 dây đính 1 hộp hình quả tim) được đính vào vòng tròn. Hình hộp trái tim được chạm hình hoa đào 4 mặt. |
Bộ đồ mộc và đồ rèn Bác Hồ tặng nhân dân xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng năm 1969 vì đã có thành tích trồng rừng và làm nghề rừng giỏi. Bộ đồ mộc và đồ rèn được rèn và đúc theo kiểu thông thường, không có hoa văn trang trí. Bộ đồ bao gồm lưỡi cưa mộc, thân khoan, lười bào, đục bướm, dũa 3 cạnh ... những hiện vật này đã được sử dụng trong nhiều năm để làm đồ gỗ, đóng bàn ghế cho trường học của xã, chế tác công cụ lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là những hiện vật vô cùng quý giá thể hiện tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng sơn.
1. Cưa mộc
2. Thân khoan
3. Lưỡi bào
4. Đục bướm
5. Giũa 3 cạnh
Hiện vật là chiếc máy cán bông đạp chân dùng để tách riêng hạt bông trong quá trình xe sợi dệt vải. Đây là một trong những dụng cụ được dùng phổ biến trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Nùng ở Lạng Sơn. Hiện vật được chế tác bằng thủ công bằng chất liệu gỗ. Bàn máy đóng theo hình chiếc ghế vuông 4 chân. Bộ phận chính là cần đạp tạo bởi 1 thanh gỗ tròn phía dưới bở 1 sợi dây chắc chắn. Phía trên bàn máy là là bộ phận dùng để cho bông vào cán tạo bởi các thanh gỗ tròn có khả năng chuyển động dưới tác động của lực đạp chân để cán, tách hạt bông. Kích thước Dài 1m07, Rộng 40cm, Cao 1m30. Hiện vật sưu tầm tại thôn Tằm Riềng, xã Hoà Cư - Cao Lộc, năm 2001. |
Giờ tham quan
+ Sáng 7h30 – 11h30
+ Chiều 13h30 – 17h
Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)
Hôm nay 46
Tất cả 2857416