Trống đồng Na Dương thuộc nền văn hóa Đông Sơn, phát hiện năm 1970 tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn (niên đại 2500-2000 năm cách ngày nay) thuộc nhóm trống loại I (theo cách phân loại của Heger).Trống Na Dương mang những nét rất đặc trưng của dòng trống Đông Sơn. Dáng trống hài hòa, cân đối với ba phần rõ rệt: tang phình, thân thon, đế choãi. - Chính giữa mặt trống là hình ngôi sao 13 cánh tượng trưng cho mặt trời. Xen giữa các cánh sao là văn lông công hình tim với biểu tượng sinh nam thực khí gắn với ý nghĩa phồn thực. Tiếp đó, các vành hoa văn (có 11 vành hoa văn) được bố trí theo kiểu đồng tâm từ trong ra ngoài, trang trí các hoa văn: văn răng lược, vòng tròn kép có chấm giữa, các đường gấp khúc cắt nhau tạo thành hình trám, hình người trang sức lông chim nhưng mang tính cách điệu cao - biến thành hình văn cờ. Ngoài ra trên mặt trống còn có 4 khối tượng cóc bố trí từng cặp đối xứng qua tâm trống, cách đều nhau. - Phần tang và phần thân trống: trang trí hoa văn đơn giản giống trên mặt trống (văn răng lược và vòng tròn kép có chấm giữa), song tuỳ từng phần mà có bố cục hợp lý. Thân và chân trống được phân cách bởi một đường chỉ lớn nhô hẳn lên chứng tỏ sự phân biệt rõ rệt giữa các phần của trống. Chân trống có hình nón cụt với độ choãi vừa phải, được trang trí các băng hoa văn ngang. Phần thân trống có hai đôi quai kép bố trí đối nhau. Quai trống có dạng hình chữ C, trang trí văn thừng tết. Trống được đúc bằng khuôn ba mang (2 mang thân và 1 mang mặt), đây là kỹ thuật đúc rất phổ biến của văn hóa Đông Sơn. Như các trống Đông Sơn khác, trống Na Dương là sản phẩm ra đời xuất phát từ nhu cầu văn hoá tinh thần của cư dân Lạc Việt. Trống có rất nhiều công dụng: dùng để thờ cúng, là nhạc khí dùng trong lễ hội truyền thống, nghi thức tế lễ... |