Xẻng đá là loại hình di vật đặc sắc của Văn hóa hậu kỳ đá mới vùng cực nam Trung Quốc, phân bố chủ yếu ở các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, đảo Hải Nam. Các nhà khảo cổ học cho rằng, đó là công cụ sản xuất, đồng thời là vật dùng trong nghi lễ cầu mùa và tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp cổ. Những chiếc xẻng đá được phát hiện tại huyện Bình Gia, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn (niên đại hậu kỳ đá mới 5000 – 4000 năm cách ngày nay). Tất cả đều được chế tác bằng đá phiến kết cấu hạt mềm, bên ngoài có màu trắng xám, mài nhẵn toàn thân. Bốn chiếc xẻng đá có kích thước lớn: dài từ 30cm đến 40cm; Rộng vai từ 16cm đến 24cm; dày từ 1,8cm đến 2,2 cm. Bốn chiếc xẻng đều có kiểu dáng tương đối giống nhau: có chuôi nhỏ và ngắn hình vuông, thân lượn cong hơi lõm và phình ra ở giữa. Từ đó thu lại tạo thành lưỡi cong tròn kiểu chữ U. Lưỡi xẻng khá dày, mài vát ở đầu, không sắc. Tuy nhiên 4 chiếc xẻng có sự khác nhau ở phần vai. Có 2 chiếc xẻng (ký hiệu BTLS 1464/2 và BTLS 1464/4) tại chuôi và vai có một đoạn ngắn vuông góc, tiếp đó là vai xuôi lượn hơi cong và thu lại thành một góc vuông, hai chiếc xẻng đá này thuộc nhóm xẻng loại III. Hai chiếc còn lại (ký hiệu BTLS 1464/3 và BTLS 1801) có vai ngang vuông góc với chuôi, hai chiếc xẻng đá này thuộc nhóm xẻng loại II. |