Thứ tư, 27 Tháng 4 2016 01:58

Chiếc đài bán dẫn Sony xác nhận thông tin “miền Nam hoàn toàn giải phóng” – đưa đến quyết định giải phóng Côn Đảo ngày 1/5/1975

Vào khoảng cuối năm 2011, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đón tiếp một vị khách người Pháp cùng đoàn làm phim của Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương. Qua giấy giới thiệu được biết vị khách người Pháp đó tên là André Menras, một người đã gắn bó với đất nước Việt Nam từ rất lâu, và từ đây bên cạnh các thông tin ghi trong hồ sơ hiện vật tại kho lưu giữ của bảo tàng, một số thông tin về chiếc radio hiệu Sony được dần hé mở thêm.

Ông là một trong những người Pháp yêu chuộng hòa bình và phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam. Chính ông và người bạn Jean Pierre Debris (một giáo sư người Pháp) vào năm 1970 đã in mấy nghìn tờ truyền đơn kêu gọi hòa bình cho Việt Nam, may một lá cờ giải phóng cỡ lớn, dựng một ống sắt dài làm cán, ngày 25/7/1970 hai ông đã leo lên đầu hai pho tượng Thủy quân lục chiến ngụy trước Tòa nhà Hạ viện Sài Gòn, một người tung truyền đơn, một người phất cao cờ giải phóng vào đúng lúc người dân thành phố ra đường. Hai ông bị bắt, tòa xử Debris 4 năm tù, Menras 3 năm tù, đến tháng 12/1972 mới được thả và trục xuất về nước.

Theo lời kể của ông Menras, khi bị giam ở khám Chí Hòa ông làm quen với một thường phạm người Pháp và biết rằng người bạn này có chiếc radio Sony do người vợ mang vào qua đường công khai. Ông thường xuyên sang chơi cờ với người bạn trên tại khu ID và trong một lần người bạn Pháp đó “tảng lờ” để ông lấy chiếc radio trên. Ông chuyển giao chiếc radio đó cho đồng chí Trần Văn Ba là tù nhân tại Côn Đảo nhưng được về đất liền chữa bệnh và đang chờ ra lại đảo (đồng chí Trần Văn Ba hiện đã mất tại Đà Nẵng, thọ 93 tuổi). Đồng chí Ba và hơn 60 đồng chí của mình ở phòng giam OB1 đã lập kỳ tích trong việc giữ gìn chiếc radio an toàn cho đến khi đặt chân lên Côn Đảo. Và kể từ đó, nhờ các thông tin được truyền tải qua chiếc radio, anh em tù nhân tại Côn Đảo đã nắm bắt kịp thời và nhanh chóng định hướng nhiệm vụ trong các cuộc đấu tranh của mình.

Còn ông André Menras trong gần 40 năm qua vẫn thường xuyên trở lại Việt Nam tham gia giúp đỡ trong các hoạt động xã hội, đặc biệt là chú trọng nhiều đến cuộc sống của người nghèo và trẻ em nhiễm chất độc màu da cam… Đầu tháng12/2009, sau khi xem xét và đánh giá đơn xin gia nhập quốc tịch Việt Nam, tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước (đương nhiệm) Nguyễn Minh Triết đã trao quyết định quốc tịch Việt Nam cho ông André Menras, với cái tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết.

         Chiếc đài Sony, tù nhân nhà tù Côn Đảo dùng để nghe tin Sài Gòn giải phóng, năm 1975

Chiếc đài bán dẫn có ký hiệu: 6943/ KL 856, hiện đang trưng bày và giới thiệu tại phòng số 24 của Bảo tàng Lịch sử quốc gia 216 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đài mang nhãn hiệu Sony, số 51693, có 9 bóng bán dẫn, 3 băng tần (FM, MW và MS), cần Anten dài 75cm, kích thước 24,5 x 17cm. Đài có vỏ bọc bảo vệ ngoài bằng da, màu nâu. Vỏ đài làm bằng nhựa cứng, phía trước màu trắng, phía sau màu đen, mặt phía sau có dán một mảnh giấy trắng ghi các dòng chữ “Giữ chiếc máy thu thanh này để kỷ niệm và sau này mang vào viện bảo tàng, vì chiếc máy này lấy bản tin đầu tiên để thông báo phát động cuộc khởi nghĩa ở Côn Đảo”.

Trại VII là trại biệt giam khắc nghiệt nhất Côn Đảo với những “chuồng cọp” nổi tiếng thế giới, tập trung tất cả những người tù án mà chúng gọi là “nguy hiểm” về trại VII, là những người chống chào cờ Ngụy, chống học tố cộng, chống nội qui nhà tù nhiều năm trước. Trại có 484 chuồng cọp Mỹ, có 8 khu A-B-C-D...H. Mỗi khu có 48 chuồng cọp. Một loại chuồng cọp mới do hãng thầu xây dựng Mỹ RMK làm xong năm 1972 để thay thế cho chuồng cọp cũ bị dư luận quốc tế lên án gay gắt phải phá bỏ, 5 người trong một cái chuồng cọp với kích thước khoảng 2m x 1,6m cao 1,8m nên tù nhân phải nằm nghiêng mới đủ chỗ.

 Mảnh giấy nhỏ ghi lời nhắn dán phía sau đài..

Khoảng 8 giờ tối, ngày 30-4-1975, Linh mục Phạm Gia Thụy cùng một số người được giác ngộ tìm vào chuồng cọp! Trong đó có cả Trưởng trại Hai Rồng. Hai Rồng dẫn ông Thụy vào thẳng tới chỗ đồng chí Năm Câu báo tin “Quân ta đã giải phóng hoàn toàn Sài Gòn” là đúng sự thật. Các đồng chí ta cảnh giác, chưa tin ngay vì có thể đó là âm mưu mới của địch. Để có bằng chứng cụ thể, ông Phạm Gia Thụy đã đưa chiếc đài này vào khu H trại VII cho đồng chí Năm Câu, có đài các đồng chí ta nghe tin từ Sài Gòn, biết được chính xác chúng ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam và yêu cầu Hai Rồng trao toàn bộ chìa khoá của khu H cho Năm Câu, vì Hai Rồng là trưởng trại và cũng chỉ giữ chìa khoá của khu này mà thôi. Anh em tập trung lại ngay trong sân của khu H tận tai nghe đài truyền tin Sài Gòn giải phóng, tất cả sung sướng và reo lên, có người bị bại liệt phải bò ra để nghe tin, có người vẫn ở trong chuồng cọp mặc dù cửa chuồng cọp đã mở, nhưng sức yếu quá chưa bò ra kịp, có người thì khóc, có người thì cười, cười khóc la hét một cảnh tượng náo động mà xung quanh không ai nghe được. Từ khu H trại VII các tù chính trị loan báo cho các khu khác, khởi đầu là khu F gần nhất reo lên, rồi đến tất cả các khu khác. Các chiến sĩ tù chính trị đã vùng lên phá nhà tù, giải phóng hoàn toàn Côn Đảo vào lúc 7h15p ngày 1-5-1975.  

 

Nguồn: Baotanglichsu.vn
Last modified on Thứ năm, 12 Tháng 5 2016 07:01

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 1

Tất cả 2839323

Videos

Liên kết website