Đây là phần trưng bày chiếm toàn bộ không gian tầng II của nhà trưng bày. Với giải pháp trưng bày theo chuyên đề và các tổ hợp hình ảnh, hiện vật, Bảo tàng Lạng Sơn giới thiệu với người xem những nét đặc trưng cơ bản về địa lý tự nhiên và văn hóa, dân tộc của tỉnh Lạng Sơn.
Về địa lý tự nhiên, hệ thống trưng bày tập trung giới thiệu các loài động vật, mẫu tài nguyên khoáng sản tiêu biểu ở các địa phương trong tỉnh: sắt, mănggan ở Mai Sao (Chi Lăng); nhôm, chì, kẽm ở huyện Bắc Sơn; than nâu Na Dương, thạch anh Mẫu Sơn (Lộc Bình). Kết hợp với các hình ảnh, tài liệu khoa học phụ (bản đồ, biểu đồ bản trích), giúp người xem hình dung một cách khái quát về miền đất nơi địa đầu Tổ Quốc: Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, có 253 km đường biên giới với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đây là vùng đất có quá trình kiến tạo địa chất lâu đời, địa hình phức tạp và bị chia cắt mạnh, 80% diện tích của tỉnh là đồi núi. Khí hậu Lạng Sơn mang những nét đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa miền Bắc Việt Nam: nóng ẩm, mưa nhiều, mùa hè mát mẻ, mùa đông lạnh và kéo dài. Thảm động - thực vật phát triển rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là sự xuất hiện các loài cây cận nhiệt đới, ôn đới. Nguồn tài nguyên khoáng sản của Lạng Sơn rất dồi dào, phong phú, có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế của tỉnh. Trong suốt quá trình lịch sử, Lạng Sơn vừa là phên dậu trấn giữ, vừa là cửa ngõ bang giao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc
Phần trưng bày mô phỏng rừng nguyên sinh của Lạng Sơn
Phần trưng bày về văn hóa các dân tộc tỉnh Lạng Sơn hướng người xem về với vùng văn hóa đặc sắc Xứ Lạng - nơi sinh tụ của các dân tộc anh em: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, HMông. Trải qua hàng ngàn năm dựng làng, giữ nước, đồng bào các dân tộc Lạng Sơn sáng tạo nên văn hóa truyền thống rất phong phú và giàu bản sắc - thể hiện rõ nét qua đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của các dân tộc cư trú nơi đây.
Ở phần này, Bảo tàng Lạng Sơn đã chọn lọc, trưng bày, giới thiệu các sưu tập hiện vật dân tộc học về các dân tộc sinh sống trên vùng đất Lạng Sơn, trọng tâm là văn hóa Tày và Nùng - hai dân tộc chiếm gần 80% dân số của tỉnh. Bao gồm các sưu tập: trang phục, trang sức các dân tộc; công cụ lao động sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ hành lễ tâm linh tín ngưỡng; hình ảnh các lễ hội dân gian, chợ phiên, đám cưới, tang ma, văn hóa ẩm thực... Qua đó giúp người xem hiểu một cách toàn diện, sâu sắc những đặc trưng cơ bản về dân cư, dân tộc; bản sắc văn hóa của các dân tộc sinh sống trên vùng đất Lạng Sơn từ truyền thống đến hiện đại.
Nội dung trưng bày Địa lý nhân văn, văn hóa truyền thống
Đây là phần trưng bày chiếm một nửa không gian trưng bày tại tầng III, xuyên suốt quá trình lịch sử từ giai đoạn tiền - sơ sử cho đến trước thời kỳ đổi mới của đất nước (1986) .
1. Lạng Sơn thời kỳ tiền - sơ sử:
Lạng Sơn là vùng đất cổ có lịch sử hình thành và phát triển rất sớm ở Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước đã minh chứng Lạng Sơn là nơi xuất hiện người tối cổ sớm nhất ở khu vực Đông Nam Á. Khắc họa thời kỳ xa xưa nhất của lịch sử loài người trên vùng đất Lạng Sơn, hệ thống trưng bày của Bảo tàng chọn lọc, giới thiệu các hóa thạch người vượn (Homo Erectus), người khôn ngoan (Homo sapiens), di cốt các loài động vật: voi răng kiếm, gấu tre, khỉ, bò rừng, dúi... phát hiện tại di chỉ Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (huyện Bình Gia) - niên đại khoảng 475000 năm cách ngày nay. Đây cũng chính là những bằng chứng thuyết phục về sự xuất hiện đầu tiên của con người trên đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó là các mẫu hóa thạch cổ sinh có niên đại Hậu kỳ cánh Tân phát hiện tại Tú Đoạn, Na Dương (Lộc Bình), Lý Lân (Hữu Lũng)...
Phần trưng bầy hiện vật cổ sinh
Tiếp đó là phần trưng bày về Văn hóa Bắc Sơn thuộc giai đoạn sơ kỳ đá mới (khoảng 11.000 đến 7.000 năm cách ngày nay). Văn hóa Bắc Sơn là một trong số các nền văn hóa tiêu biểu của thời đại đá mới Việt Nam, phân bố chủ yếu ở vùng sơn khối đá vôi Bắc Sơn của tỉnh. Chủ nhân Văn hóa Bắc Sơn là những người đã sáng tạo nên chiếc rìu mài lưỡi (còn gọi là rìu Bắc Sơn) vào loại sớm nhất Châu Á. Với sự ra đời của rìu mài lưỡi, cư dân Bắc Sơn đã thực hiện một bước nhảy vọt trong quá trình chinh phục thiên nhiên - làm tăng năng suất lao động và giảm bớt sự tiêu hao công sức con người trong quá trình lao động. Văn hóa Bắc Sơn đã được ví như một cuộc "cách mạng đá mới" làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế, xã hội thời nguyên thủy.
Nhằm khái quát những đặc trưng cơ bản của Văn hóa Bắc Sơn, hệ thống trưng bày tập trung giới thiệu hình ảnh các di chỉ khảo cổ, quang cảnh khai quật khảo cổ học và loại hình di vật chính của văn hóa Bắc Sơn: Công cụ lao động sản xuất bằng đá (rìu mài lưỡi, dấu Bắc Sơn, bàn mài, hòn ghè, mảnh tước); di cốt người cổ... Trong đó nhấn mạnh ba loại di vật đặc trưng của Văn hóa này: rìu mài lưỡi, dấu Bắc Sơn, công cụ cuội ghè đẽo (hình chữ nhật, hình hạnh nhân, hình bán nguyệt, hình mu rùa...).
Di chỉ khảo cổ Hang Dơi
Dấu Bắc Sơn, rìu mài lưỡi - Những di vật đặc trưng của Văn hóa Bắc Sơn
Tiếp nối phần trưng bày về Văn hóa Bắc Sơn là Văn hóa Mai Pha. Văn hóa Mai Pha là văn hóa khảo cổ thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí, có niên đại khoảng 4000 - 3000 năm cách ngày nay phân bố chủ yếu ở Lạng Sơn. Hiện vật trưng bày về Văn hóa Mai Pha trong Bảo tàng rất phong phú và đa dạng - bao gồm nhiều loại hình, kiểu dáng, chất liệu khác nhau. Thuộc nhóm công cụ lao động sản xuất có: rìu có vai, rìu bôn tứ giác, cưa, bàn đập, bàn mài, chày nghiền, bàn nghiền bằng đá; rìu, bôn có vai bằng vỏ trai; chì lưới, dọi xe chỉ, bi bằng gốm; dùi, đục vũm, bằng xương...Đồ trang sức có: vòng đeo tay, khuyên tai, hạt chuỗi bằng đá, vỏ nhuyễn thể. Bên cạnh đó là các mảnh di cốt người và động vật. Những di vật đá được chế tác đẹp và quy chuẩn cho thấy đây chính là giai đoạn phát triển cực thịnh của thời đại đá. Đặc biệt, đồ gốm Mai Pha với loại hình phong phú, hoa văn trang trí đẹp và độc đáo (văn thừng, hoa văn khắc vạch hình hoa thị kết hợp trổ lỗ, các đồ án hoa văn khắc vạch hình học, hình sóng nước và cả hoa văn khắc vạch hình thú...) được coi là nét đặc trưng tiêu biểu nhất của Văn hóa hậu kỳ đá mới trên vùng đất Lạng Sơn.
Sự đa dạng, phong phú của các sưu tập hiện vật trưng bày giúp người xem hiểu một cách toàn diện, sâu sắc những đặc trưng cơ bản của Văn hóa Bắc Sơn và Văn hóa Mai Pha - niềm tự hào của quê hương Xứ Lạng, những điểm sáng trong tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á .
Di chỉ Mai Pha Hiện vật văn hóa Mai Pha
Văn hóa Đông Sơn thuộc thời đại kim khí là sự phát triển tiếp nối của thời đại đá. Niên đại khoảng 2500 - 2000 năm cách ngày nay. Hiện vật về văn hóa Đông Sơn phát hiện ở Lạng Sơn không nhiều nhưng khá tiêu biểu và đặc trưng. Ởphần trưng bày này, người xem sẽ được tiếp cận với một số hiện vật: trống đồng Na Dương phát hiện năm 1970 tại làng Na Dương, xã Đồng Quan (nay là thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình), rìu xòe cân phát hiện ở Bắc Sơn trong những năm gần đây...
Trống đồng Na Dương
Trống Na Dương và các di vật Văn hóa Đông Sơn được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm trong hệ thống trưng bày tầng III với ý nghĩa biểu trưng cho thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc trên vùng đất Lạng Sơn.
Các sưu tập hiện vật khảo cổ được trưng bày theo hệ thống phân kỳ khảo cổ học cho thấy tính thống nhất và sự phát triển liên tục của các nền văn hóa khảo cổ tại Lạng Sơn thời kỳ tiền - sơ sử.
2. Lạng Sơn thời kỳ phong kiến:
Với vị trí địa lý tự nhiên giáp với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, thời kỳ Bắc thuộc và phong kiến tự chủ, Lạng Sơn là nơi in đậm dấu ấn các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Đây là con đường các đoàn sứ bộ nước ta đi sang Trung Quốc và cũng là nơi các đoàn sứ bộ của Trung Quốc vào Việt Nam. Theo số liệu thống kê thì từ năm 972 đến năm 1848 có 310 đoàn sứ bộ qua lại Lạng Sơn.
Trong các cuộc chiến tranh chống giặc phương Bắc xâm lược, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã cùng nhân dân cả nước anh dũng, kiên cường chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước nhà, lập nên nhiều chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử những trang vàng chói lọi. Vùng đất Chi Lăng lịch sử là nơi đã diễn ra nhiều trận đánh lớn nhỏ dưới thời Đinh, Tiền Lê, Lý - Trần.... Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh thế kỷ XV, Chi Lăng là chiến trường ghi dấu chiến công vang dội giết chết chủ tướng Liễu Thăng dưới chân núi Mã Yên cùng hàng vạn tên giặc ngày 10/10/1427, làm tan rã đội quân xâm lược 10 vạn tên do Liễu Thăng chỉ huy. Chiến thắng Chi Lăng năm 1427 đã giáng một đòn quyết định quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước ta, giành độc lập tự do cho dân tộc. Các sưu tập hiện vật vũ khí chiến đấu của nhân dân Lạng Sơn thế kỷ XV; kết hợp với sơ đồ, bản trích về chiến thắng Chi Lăng được trưng bày tại Bảo tàng đã góp phần làm sáng tỏ giai đoạn lịch sử này
Sưu tập vũ khí thế kỷ XV |
Sơ đồ chiến thắng quân Minh |
3. Lạng Sơn trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc:
Cuối thế kỷ XIX thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta. Sau khi đánh chiếm Hà Nội, năm 1885 quân Pháp tổ chức tấn công lên Lạng Sơn. Ngay từ khi mới đặt chân lên đất Lạng Sơn, chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn. Tiêu biểu là phong trào chống Pháp của nghĩa quân Hoàng Đình Kinh - một thủ lĩnh người dân tộc Tày, quê ở Hữu Lũng. Ông đã chỉ huy nghĩa quân đánh Pháp ở nhiều nơi trong tỉnh như: Hữu Lũng, cầu Quan Âm, Sông Hóa, đồn Bắc Lệ... gây cho địch nhiều tổn thất và làm chậm kế hoạch tiến công của chúng. Sau khi ông hi sinh, nhân dân lấy tên ông đặt cho dãy núi - nơi ông đã lập căn cứ địa chống Pháp là núi Cai Kinh.
Hình ảnh các điểm di tích ghi dấu địa bàn hoạt động, các địa điểm diễn ra các trận chiến chống Pháp của nghĩa quân, cùng các loại vũ khí chiến đấu nghĩa quân Hoàng Đình Kinh đã sử dụng: Nỏ, súng hỏa mai... trưng bày tại Bảo tàng cho thấy phong trào chống Pháp anh dũng, kiên cường, bất khuất của nhân dân Lạng Sơn thời kỳ cận đại.
Nỏ- vũ khí chiến đấu của nghĩa quân Hoàng Đình Kinh
Từ năm 1925 đến năm1929, nhiều tổ chức yêu nước xuất hiện tại Lạng Sơn. Một số thanh niên yêu nước như Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri đã tìm đến với các tổ chức Cách mạng Việt Nam. Ngày 3/2/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, vùng biên giới Việt - Trung tại Lạng Sơn trở thành một trong những địa bàn hoạt động trọng yếu của Đảng, phong trào Cách mạng ở đây phát triển rất mạnh mẽ.
Một số hiện vật về đồng chí Hoàng Văn Thụ
Minh họa cho giai đoạn lịch sử này, hệ thống trưng bày tập trung giới thiệu một số hình ảnh và hiện vật về các đảng viên tiên phong: Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri - những người con ưu tú của Xứ Lạng đã hiến dâng cả tuối thanh xuân của mình để gieo những hạt giống đỏ đầu tiên trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Một số vật dụng, đồ dùng của các chiến sỹ Cách mạng thời kỳ hoạt động tại Lạng Sơn. Qua đó giúp người xem hiểu về phong trào cách mạng Lạng Sơn thời kỳ trước khi có Đảng, quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Lạng Sơn và bước phát triển mạnh mẽ của phong trào Cách mạng Lạng Sơn từ khi có Đảng.
Tiếp đó là những hình ảnh và hiện vật về khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940. Khởi nghĩa Bắc Sơn là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên do Đảng lãnh đạo diễn ra ở Lạng Sơn. Tuy chưa giành được thắng lợi triệt để nhưng khởi nghĩa Bắc Sơn đã giúp Đảng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu về phương pháp lãnh đạo và khởi nghĩa vũ trang. Tinh thần khởi nghĩa Bắc Sơn đã góp phần thúc đẩy phong trào cứu nước toàn quốc, tạo nên cao trào Cách mạng, tiến tới giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Phần trưng bày Khởi nghĩa Bắc Sơn
Tổ hợp trưng bày về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bao gồm các hiện vật là đồ dùng sinh hoạt các chiến sĩ du kích đã dùng khi hoạt động ở căn cứ, vật dụng nhân dân Bắc Sơn đã dùng để nuôi giấu, bảo vệ cán bộ Cách mạng, vũ khí chiến đấu đã dùng trong khởi nghĩa Bắc Sơn, chiến lợi phẩm thu được trong chiến đấu, vật chứng về sự đàn áp nhân dân Bắc Sơn và phong trào Cách mạng sau khởi nghĩa... Bên cạnh đó là ảnh các địa điểm di tích về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, cán bộ Trung ương trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, các chiến sỹ du kích Bắc Sơn tiêu biểu... Qua đó giúp người xem hiểu một cách tường tận về nguyên nhân, diễn biến, kết quả và ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa; sự lãnh đạo của TW Đảng với phong trào Cách mạng ở Bắc Sơn và tấm lòng ân nghĩa, thủy chung của nhân dân Bắc Sơn đối với Cách mạng.
Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, phong trào cách mạng ở Lạng Sơn tiếp tục phát triển ngày càng cao. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các Chi bộ Đảng, nhân dân ở các địa phương trong tỉnh lần lượt đứng lên giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cùng với nhân dân cả nước, Lạng Sơn nỗ lực bắt tay vào xây dựng chính quyền Cách mạng non trẻ và bảo vệ thành quả Cách mạng.
Minh họa cho thời kỳ lịch sử này là các hình ảnh, hiện vật: các khu căn cứ, địa bàn hoạt động Cách mạng; thẻ thuế thân, đồ dùng sinh hoạt của nông dân Lạng Sơn, của cán bộ TW Đảng hoạt động tại Lạng Sơn; vật dụng nhân dân Lạng Sơn đã dùng để tiếp tế, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ Cách mạng, cờ Tổ quốc đã dùng trong các cuộc mittinh mừng Cách mạng tháng Tám thành công, phiếu bầu cử, thẻ cử tri.... Qua đó giúp người xem hình dung được cuộc sống vô cùng cực khổ của nhân dân Lạng Sơn dưới ách đô hộ của bọn Thực dân, phong kiến trước Cách mạng tháng Tám, sự phát triển của phong trào cách mạng Lạng Sơn thời kỳ tiền khởi nghĩa và những thành quả lớn lao mà Cách mạng đã đem lại cho nhân dân.
Năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Hồ Chủ Tịch, nhân dân Lạng Sơn anh dũng bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến với quyết tâm sắt đá "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ:". Chiến khu Việt Bắc - trong đó có Lạng Sơn trở thành căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống Pháp. Một số căn cứ du kích của tỉnh như: khu du kích Ba Sơn (Cao Lộc), Chi Lăng (Lộc Bình), Nà Thuộc (Đình Lập) đã trở thành biểu trưng cho tinh thần chống Pháp của nhân dân Lạng Sơn.
Trong kháng chiến chống Pháp, quân dân Lạng Sơn lập nhiều chiến công vang dội, tiêu biểu là chiến dịch đường số 4, chiến thắng Biên giới Thu - Đông (1947-1950). Những cái tên Bông Lau, Lũng Phầy, Đèo Khách, Ba Sơn, Bản Nằm... đã mãi đi vào lịch sử vẻ vang của đất nước. Ngày 17/10/1950, Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng, trở thành hậu phương vững mạnh cùng nhân dân cả nước tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến ngày thắng lợi (năm 1954).
Những hiện vật được trưng bày trong thời kỳ lịch sử này bao gồm: Sưu tập vũ khí đánh Pháp của quân và dân ta, chiến lợi phẩm ta thu được trong chiến đấu, đồ dùng của các chiến sĩ du kích. Bên cạnh đó một số tài liệu: Chỉ thị, truyền đơn, báo cáo, biên lai ghi đóng góp, ủng hộ Cách mạng của nhân dân...
Hiện vật thời kỳ chống Pháp(1946-1954)
Năm 1954, Thực dân Pháp rút khỏi miền Bắc nước ta. Đất nước tạm chia làm 2 miền, vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến tạm thời. Nhân dân Lạng Sơn bắt tay vào xây dựng CNXH và chi viện cho miền Nam đánh Mỹ.
Hàng ngàn con em các dân tộc Lạng Sơn theo các đoàn quân lên đường vào Nam chiến đấu. Năm 1965, khi đế quốc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, phong tỏa cảng Hải Phòng bằng thủy lôi, thì Lạng Sơn trở thành "cảng nổi" tiếp nhận, chuyển tiếp hàng hóa của các nước bạn chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Ngày 20/9/1965, không quân Mỹ bắt đầu đánh phá Lạng Sơn. Đồng Mỏ, Sông Hóa, Mẹt trở thành những mục tiêu đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Cầu cống, đường giao thông, nhà ga, trường học, bản làng bị phá hủy nghiêm trọng. Quân dân Lạng Sơn đã anh dũng bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. Trong chiến đấu, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng về tinh thần quyết tâm đánh giặc: pháo thủ Hồ Văn Tài mặc dù bị thương hai lần vẫn không chịu rời trận địa; anh hùng Nông Văn Nghi dũng cảm tháo bom, du kích xã Tân Thành (Hữu Lũng), tiểu đội nữ dân quân Quang Lang (Chi Lăng) bắn rơi nhiều máy bay Mỹ... Thành tích chống chiến tranh phá hoại của quân dân Lạng Sơn đã góp phần tô thắm truyền thống anh hùng của quê hương Cách mạng.
Hiện vật thời kỳ chống Mỹ (1954-1975)
Ở phần này trưng bày các hiện vật: Xác máy bay Mỹ, ổ súng 6 nòng trên máy bay Mỹ bị bắn rơi, vỏ bom bi, pháo sáng, súng các loại, quần áo phi công Mỹ, vũ khí dùng bắt giặc lái Mỹ, đơn tình nguyện nhập ngũ ký bằng máu của thanh niên, hình ảnh tiểu đoàn Bắc Sơn 1, Bắc Sơn 2 hăng hái lên đường vào Nam chống Mỹ. Qua các hình ảnh, tài liệu hiện vật chân xác giúp người xem thấy được tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Lạng Sơn, tinh thần quyết chiến, quyết thắng và những chiến công của quân và dân Lạng Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bên cạnh đó là một số sản phẩm tiểu - thủ - công nghiệp minh chứng cho thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Lạng Sơn giai đoạn 1954 -1975.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đất nước ta thống nhất, liền một dải từ Lạng Sơn tới Cà Mau. Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn bắt tay vào thời kỳ khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng quê hương.
Đây là phần trưng bày minh họa lịch sử Lạng Sơn từ thời kỳ bước vào công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo (1986) cho đến nay.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh - công cuộc đổi mới của tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: sản xuất nông - lâm - công nghiệp, văn hóa xã hội... Thành phố Lạng Sơn trở thành trung tâm giao thương quan trọng, sầm uất ở vùng biên giới phía Bắc Tổ quốc. Các công trình công cộng được mở mang, tu sửa, nâng cấp. Đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh Quốc phòng được giữ vững, ổn định. Ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã và đang nỗ lực, quyết tâm phấn đấu xây dựng Lạng Sơn trở thành một tỉnh giàu đẹp, văn minh và phát triển bền vững. Xứng đáng với vị thế của một tỉnh ở nơi địa đầu Tổ quốc, một cửa ngõ quan trọng của đất nước.
Tổ hợp trưng bày thời kỳ đổi mới và phát triển bao gồm các hình ảnh, hiện vật về thành tựu trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Đó là ảnh các khu kinh tế cửa khẩu, các nhà máy, khu công nghiệp quy mô mới được xây dựng, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn... Các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, tiểu - thủ công nghiệp tiêu biểu. Qua đó giúp cho người xem thấy được những nỗ lực của Lạng Sơn đối với công cuộc đổi mới đất nước, những chuyển biến tích cực và thành quả của công cuộc đổi mới trên quê hương xứ Lạng.
Phần trưng bày Lạng Sơn thời kỳ đổi mới và phát triển
Với hàng ngàn hiện vật gốc và tài liệu khoa học phụ, hệ thống trưng bày của Bảo tàng đã nêu bật những chặng đường lịch sử, các mốc son quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc của nhân dân Lạng Sơn. Có thể ví hệ thống trưng bày của Bảo tàng Lạng Sơn giống như những trang sử bằng hiện vật giúp người xem khám phá, nhận thức lịch sử một cách chân thực, sinh động và có hệ thống. Từ nhiều năm nay, Bảo tàng Lạng Sơn đã trở thành địa chỉ tin cậy cho công tác giáo dục truyền thống, học tập, nghiên cứu lịch sử địa phương.
1. Trung tâm Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam:
Được bố trí tại tầng I của nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh. Đây là một trong số tám trạm vệ tinh do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đầu tư xây dựng mới ở các địa phương trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa; là "cánh tay nối dài" của Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam. Đến với Ngân hàng dữ liệu, khách tham quan, nghiên cứu sẽ được tiếp cận với kho tàng kiến thức vô cùng phong phú: băng ghi âm, ảnh, phim video về các lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghi lễ tang ma, cưới xin; phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống... của tỉnh Lạng Sơn và đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam là nơi cung cấp tư liệu tin cậy phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên,cứu, cũng như việc tuyên truyền quảng bá
Phòng truy cập, tra cứu dữ liệu
2. Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn:
Nằm ngay cạnh đường quốc lộ 1B (Lạng Sơn - Thái Nguyên), thuộc thôn Long Hưng, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn - cách trung tâm thị trấn Bắc Sơn khoảng 2 km. Với dáng dấp mô phỏng kiến trúc một ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn giống như một không gian văn hóa - ở đó tái hiện một cách sinh động toàn bộ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Thông qua những hình ảnh, di vật lịch sử chân thực, giúp người xem nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa.
Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn
3. Nhà trưng bày chiến tích Chi Lăng:
Nằm ngay cạnh đường quốc lộ 1A (Lạng Sơn – Hà Nội), thuộc thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng - cách trung tâm huyện Chi Lăng 7km. Nhà trưng bày được xây dựng và khánh thành năm 2004. Nơi đây trưng bày các tài liệu, hiện vật, hình ảnh giúp người xem hiểu một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống về chiến thắng Chi Lăng năm 1427. Nhà trưng bày chiến tích Chi Lăng còn có ý nghĩa như một nhà trưng bày bổ xung cho Khu di tích Lịch sử Chi Lăng.
Tượng đài Chiến thắng Chi Lăng trước nhà trưng bày
Giờ tham quan
+ Sáng 7h30 – 11h30
+ Chiều 13h30 – 17h
Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)
Hôm nay 17
Tất cả 2857387