Thứ hai, 11 Tháng 3 2019 08:30

MÚA SƯ TỬ TÀY NÙNG TỈNH LẠNG SƠN

Lạng Sơn là một trong những tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có bề dày lịch sử văn hóa truyền thống lâu đời, mảnh đất hội tụ và sinh tồn của 7 dân tộc anh em như: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông và các dân tộc ít người khác. Trong số các dân tộc cùng sinh sống thì dân tộc Tày, Nùng chiếm số lượng khá đông với khoảng gần 80% dân số, phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh.

 Trải qua quá trình xây dựng, hình thành, phát triển cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn vẫn gìn giữ, bảo lưu, trao truyền được những nét đặc trưng văn hoá, mang đậm bản sắc dân tộc. Một trong những nét đặc sắc ấy không thể không nhắc đến múa sư tử. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thốngthường được biểu diễn trong các dịp lễ, tết của người Tày, Nùng Lạng Sơn. Với quan niệm sư tử là tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, sư tử đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đi đến đó. Trong các ngày hội đầu năm, múa sư tử không chỉ là hoạt động làm nên sức sống của ngày hội, tạo không khí sôi động, lôi cuốn mà còn là một hoạt động thể hiện khát vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mặt khác cùng với những vũ điệu khỏe khoắn, thì múa sư tử là một hoạt động vui khỏe có tính chất truyền thống phù hợp với tinh thần thượng võ của người miền núi.

Múa sư tử có nhiều tên gọi khác nhau phù hợp với ngôn ngữ, giọng điệu của từng vùng. Tiếng Tày gọi là: Ky Lằn, Kỳ Lằn, tiếng Nùng gọi là Phụ, Loòng Phụ…Nhưngtên gọi chung nhất theo tiếng của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn là múa sư tử mèo. Múa sư tử là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống trong đó múa là chủ đạo, nhưng không tách rời khỏi nhạc và trò diễn. Đi đôi với múa là biểu diễn các bài quyền, kiếm, binh khí trong võ thuật dân tộc. Một trong những vật dụng, đạo cụ không thể thiếu trong múa sư tử là: sư tử, mặt báo đông, mặt Nả Lình (mặt khỉ); bộ gõ gồm: Trống (tổng, choong), chiêng (là), Chũm chọe (xụp xè, xấp xóa, nghé xả); bộ võ gồm: Đinh ba chạc (Sam xa), gậy, đoản đao (pàn tao), kiếm, dao nhọn …và các vật dụng liên quan khác.

Một con sử tử được cấu thành từ 3 bộ phận: Đầu Sư tử (đầu Phụ), cổ sư tử (cổ phụ), thân sư tử (thân Phụ).

Xuất phát từ tâm linh “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, “đất có thổ công, sông có hà bá” vì vậy thông thường trước khi muốn múa sư tử các đội sư tử phải làm lễ mở mắt (đón) sư tử (khay Kỳ lằn, Khai quang, Khay choong nào) để trình diện, xin phép các vị Thần, Thổ công, Thổ địa tại những bãi đất gần bờ sông, bờ suối, nơi có nguồn nước hoặc Đình, Miếu (Thỏ Tỳ). Đây là một trong những hoạt động không thể thiếu của các đội khi trình diễn múa sư tử bởi người Tày – Nùng quan niệm rằng nếu không trình diện và xin phép thì thổ công, thổ địa sẽ phạt vạ đồng thời đây cũng là hành động thể hiện sự biết ơn đối với những người đã khai lập nên làng, bản đó. Sau khi đã mời, nhờ thầy xem, lựa chọn được ngày tốt các thành viên đội múa sư tử và nhân dân trong thôn, bản tập trung chuẩn bị lễ vật để các thầy làm nghi thức mở mắt (đón sư tử).

Tùy vào không gian, địa điểm, mục đích, yêu cầu múa sư tử có nhiều nghi thức, điệu múa và các trò diễn cho phù hợp như: Múa chào thần thánh; Múa chúc mừng năm mới các nhà trong làng (pai hờn, pái lờn); múa đi đường, Múa tại hội lồng tồng…và các trò diễn như: báo đông, trò vui của khỉ, Múa võ (oóc quyền)… Tương ứng với các điệu múa, trò diễn là các kiểu gõ tương ứng như: Mở màn bắt đầu (Tấn choong); Đánh đi đường (Pây lò); Bái lạy thần thánh (Giọng pái); Bái lạy xong (Gắp nào), Đánh lên nhà (Khưởn lườn); Đánh tại chỗ (Cọn tại chỗ); Sư tử ra (Óoc tải sam), Óoc lòong (sư tử múa), Con báo đông ra (Cọn báo đông); Con khỉ ra (Cọn óoc nả lình)… Động tác của các điệu múa, trò diễn nhanh hay chậm là do sự điều khiển của dàn nhạc đệm cho múa sư tử. Dàn nhạc đệm cho múa sư tử là các nhạc cụ gõ có cường độ lớn như: trống, chiêng, chũm chọe, trong đó trống và chum chọe giữ nhịp chính để điều khiển người múa sư tử, có lúc trống cầm trịch nhưng cũng có lúc là chũm chọe, nhưng thông thường là trống cầm trịch nhiều hơn. Để phục vụ các trò diễn, sự ngẫu hứng của dàn nhạc khi diễn tấu là vô cùng quan trọng. Người đánh trống phải nắm bắt nhanh sự chuyển động của động tác múa để sáng tạo kịp thời những tiết tấu phù hợp. Người đánh trống càng giỏi, sự hoà theo của chiêng, chũm chọe … càng nhịp nhàng thì trò múa càng hấp dẫn và thu hút người xem.

Sau khi múa sư tử xong các đội múa sư tử chuyển sang biểu diễn các bài võ cổ truyền và các trò diễn như: Múa tay không, Múa gậy, Múa đoản đao (Pàn tao) ; Múa đinh ba (Slam sa); Nhảy bốn góc bàn (dết xoòng, dết xoòng tài); Nhảy qua ống cót (bua tẹm, vòng tẹm); Nhảy qua cửa dao (quá tu pjạ); Nhảy qua vòng lửa ( quá tu phầy)…Đây là những trò diễn thể hiện tinh thần thượng võ, sức mạnh, sự khéo léo, dẻo dai và bản lĩnh, khí phách hiên ngang của cộng đồng các dân tộc miền núi.

Là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa đựng nhiều thành tố: âm nhạc, mỹ thuật, múa…có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và nhiều giá trị khác thể hiện một cách sinh động và hấp dẫn về nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng, tình cảm, khát vọng của đồng bào Tày, Nùng; phản ánh nếp sống, lối sống chân thành, mộc mạc, giản dị giàu lòng yêu thương, nhân ái, biết sẻ chia, biết kính trên nhường dưới, tôn kính thánh thần; sống hài hòa với thiên nhiên, luôn làm điều thiện, tránh xa điều ác. Đồng thời chứa đựng những giá trị nhân bản mang tính hướng thiện, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” gắn liền với những ý thức và đạo lý cơ bản như : ý thức về cội nguồn, ý thức về đồng loại, về tinh thần thượng võ, về đạo lý đối nhân xử thế giữa người với người, người với thiên nhiên và con người với xã hội… thông qua lối ứng xử tôn quý nhau, hướng tới vẻ đẹp hoàn thiện như: mặc đẹp, đi đứng đẹp, nói năng, trình diễn đẹp…Những giá trị này đã tạo nên bản sắc văn hóa được cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng bảo lưu, trao truyền từ thế hệ này, sang thế hệ khác.

Một số hình ảnh :

Ảnh 6. Đầu sư tử

Đầu sư tử

Ảnh 18. Thầy Mo và các thành viên đội sư tử làm nghi thức nghi lễ đón sư tử Khay Kỳ Lằn tại bờ suối

Thầy Mo và các thành viên đội sư tử làm nghi thức, nghi lễ đón sư tử (Khay Kỳ Lằn) tại bờ suối

Ảnh 22. Múa chào Thần Nông trong Lễ hội Lồng Bủng Kham xã Đại Đồng huyện Tràng Định

Múa chào Thần Nông trong Lễ hội Lồng Bủng Kham xã Đại Đồng, huyện Tràng Định

Ảnh 34. Trò Nhảy qua vòng lửa - Một trong những trò diễn độc đáo trong múa sư tử dân tộc Tày Nùng

Trò Nhảy qua vòng lửa - Một trong những trò diễn độc đáo trong múa sư tử dân tộc Tày, Nùng

          Bảo tàng Lạng Sơn

Last modified on Thứ hai, 11 Tháng 3 2019 08:30

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 41

Tất cả 2857411

Videos

Liên kết website