Thứ hai, 11 Tháng 3 2019 08:09

LỄ HỘI PHÀI LỪA XÃ HỒNG PHONG HUYỆN BÌNH GIA TỈNH LẠNG SƠN

Lễ hội Phài Lừa là một lễ hội truyền thống vùng sông nước Bắc Giang, xã Hồng Phong, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Lễ hội gắn liền với truyền thuyết liên quan đến tục thờ Thần Rắn, Thần Sông. Thần Rắn trong truyền thuyết, là con nuôi của ông bà đánh cá, đã giúp dân diệt thuồng luồng trên sông để cuộc sống yên bình. Dân làng nhớ ơn nên lập đình Ông thờ cha Thần Rắn, đình Bà thờ mẹ Thần Rắn và lập gian thờ nhỏ thờ Thần Rắn. Để ghi nhớ công ơn của Thần, cứ 3 năm 1 lần (năm nhuận), vào ngày 4 tháng Tư Âm lịch, thời điểm thần Rắn về thăm cha mẹ, dân làng lại long trọng tổ chức lễ hội Phài Lừa.

 Để tổ chức lễ hội, từ đầu tháng 3, đại diện thôn bản, các cụ bô lão của 3 dòng họ: Vy, Đỗ, Nông (3 dòng họ lâu đời ở xã, có công xây dựng và quản lý Đình thay phiên nhau đứng ra tổ chức) họp bàn, thống nhất công tác tổ chức lễ hội. Ban nghi thức, nghi lễ gồm có: 1 pú mo (thầy cúng), 1 pú hội (phụ giúp pú mo), 3 pú đình (đại diện 3 dòng họ cai quản đình, cùng pú mo thực hành nghi lễ tại đình Ông, đình Bà), các trai đinh bê rước bát hương, khênh kiệu, cầm cờ, 4 - 6 người chuẩn bị lễ vật.

Lễ hội Phài Lừa còn có đội sư tử (12 - 16 người) với các thành phần: người cầm đầu sư tử (căm bẩu); người đánh trống (căm choong); người đánh chiêng hoặc thanh la (căm là); người cầm chũm chọe (căm xả); người diễn mặt đười ươi (báo đông - loòng nả báo đông); người diễn mặt khỉ (loòng nả lình) và các thành viên múa võ tay không, múa đinh ba, đoản đao, múa gậy, nhảy bàn...

Lễ vật dâng cúng đặc biệt có xôi vang (khẩu nhuốm sa mộc), bánh ngải (pẻng xì ngải), được tập kết tại đình Ông và bờ sông Văn Mịch trước thời điểm diễn ra lễ hội.

Lễ hội Phài Lừa diễn ra trong phạm vi các thôn: Nà Ven, Nà Nát và phố Văn Mịch, xã Hồng Phong. Sáng ngày mùng 4, các bô lão và nhân dân 9 thôn dọc bờ sông trong xã gồm: Nà Ven, Khuổi Khuy, Nà Buổn, Nà Nát, Nà Háng, Nà Kít, Vằng Phja, Kim Đồng và phố Văn Mịch mang lễ vật, tập trung tại đình Ông, đình Bà để làm lễ. Đồ lễ được sắp xếp trước bàn thờ theo quy định gồm lễ vật của làng xã, thôn bản, Pú Mo đứng trước bàn thờ, chỉnh đốn trang phục và làm lễ tế Thần Rắn, mời Thần về dự hội, thăm bố mẹ nuôi và dân bản; với nghĩa khai thông sông nước, cầu mong Thần Rắn phù hộ cho mọi người được mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, thuyền bè được đầy tôm, đầy cá...

Tiếp đó là nghi thức rước kiệu Thần Rắn. Một trai đinh đại diện dân làng lên thắp hương, hành lễ tại đình, ban thờ Thần Rắn, sau đó rước bát hương thờ Thần đặt vào kiệu. Đoàn rước đi đầu là các đội sư tử, tiếp đến là nhóm rước cờ hội, kiệu Thần Rắn, đại diện 03 dòng họ Vy, Đỗ, Nông, cuối cùng là nhân dân trong xã và các du khách tham dự lễ hội. Đoàn rước xuất phát từ đình Ông đến miếu Thổ Công, phố Văn Mịch để trình diện và xin phép Thổ Công. Sau đó, đoàn đi quanh khu chợ và phố Văn Mịch ngược chiều kim đồng hồ. Mỗi gia đình trên tuyến đường đoàn rước đi qua và khu chợ Văn Mịch đều làm một mâm cỗ chay để chào mừng Thần Rắn, cầu mong Thần ban phước, ban lộc, phù hộ được mạnh khỏe, bình an. Khi đi qua các gia đình, đội sư tử đều làm nghi thức chào Thần Nông trước mâm lễ với động tác múa lúc ngẩng cao đầu, lúc cúi thấp, bái lạy mâm lễ với mong muốn cầu mong tài lộc, hạnh phúc, may mắn, làm ăn buôn bán ngày càng phát đạt đến với mọi người, mọi nhà. Khi đoàn đến bờ sông, kiệu Thần Rắn và bàn thờ được hạ, đặt xuống lều tạm (Đình tượng trưng) được chuẩn bị trước, theo hướng quay ra mặt sông Pác Lọ Đảng - nơi em trai Thần bị thuồng luồng bắt năm xưa và cũng là nơi Thần Rắn từ đó ra đi. Tại đây người ta chuẩn bị một mâm cỗ gồm: thịt lợn, xôi, gà, rượu và các loại bánh kẹo truyền thống của dân tộc. Pú Mo tiếp tục làm lễ lần thứ hai, cầu khấn Thần Rắn phù hộ tổ chức các trò chơi vui khỏe nhân ngày đón và mời Thần cùng vui hội với dân bản.

Sau nghi thức tế lễ và rước kiệu Thần Rắn là phần tranh tài của các chàng trai đại diện cho các thôn, bản trong xã. Trước cuộc thi, đại diện các đội tập trung thắp hương trước ban thờ Thần Rắn trước khi tham gia một số môn thể thao truyền thống như: thi chèo Bè (Phài Lừa), bơi sải (vải và), thi lặn (mửn), thi lặn bắt chân vịt (mửn cặp kha pất), múa sư tử (loỏng phụ), hát sli và các trò chơi, trò diễn dân gian khác. Cụ thể là:

- Chèo bè (Phài Lừa): để tưởng nhớ ngày Thần Rắn xuống sông diệt thuồng luồng trả thù cho em và mang lại cuộc sống bình yên cho dân bản. Mỗi lượt chèo có 3 đội tham gia, các tay chèo phải quỳ gối chèo, không được ngồi, đứng hoặc chống tay trên bè. Mỗi đội chèo 3 vòng, ở vòng thứ 3, khi chèo đến trước cửa đình, các tay chèo lật bè ba lần thể hiện sự vặn mình của Thần Rắn năm xưa lúc đi diệt thuồng luồng, mà người không rơi xuống nước, đầu không ướt.

- Thi bơi sải, thi lặn và thi lặn bắt chân vịt được tổ chức thành 3 lượt đua, mỗi lượt đua có 3 đội tham gia.

- Múa sư tử tượng trưng cho sức mạnh, sự thịnh vượng, phát đạt, thuận lợi và hạnh phúc.

- Hát sli trong lễ hội Phài Lừa của người Nùng, họ tập trung thành từng nhóm nam, nữ dọc bờ sông và xung quanh khu vực lễ hội để hát với nhau. Có 2 loại sli: đơn sli và song sli, nghĩa là hát đơn 1 nam 1 nữ và hát từ 2 đôi nam nữ trở lên. Hát sli trong lễ hội Phài Lừa giúp các chàng trai, cô gái có thể kết bạn, hiểu biết lẫn nhau, tạo nên sự vui vẻ, đoàn kết trong cộng đồng.

Kết thúc lễ hội, Pú Mo cùng đại diện 3 dòng họ Nông, Đỗ, Vy và đội sư tử tiến hành các nghi thức, nghi lễ rước bát hương Thần Rắn về đình Ông, đình Bà, báo cáo kết quả lễ hội, tiễn Thần Rắn về nhà và kết thúc lễ hội bằng bài múa bái lạy của đội sư tử.

Lễ hội Phài Lừa mang tính nghi lễ nông nghiệp cổ xưa gắn liền với lễ thức cầu mưa, cầu nước, cầu mùa để nhân dân cày cấy thuận lợi, mưa thuận, gió hòa, vận vật sinh sôi nảy nở; một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian chứa đựng sắc thái tộc người, giữ được những nét đặc trưng của cư dân bản địa. Lễ hội là dịp thể hiện niềm tin và ước vọng của nhân dân cầu mong mọi người, mọi nhà được mạnh khỏe, bình an, sông nước hiền hòa, mùa màng tươi tốt, trâu bò, lợn, gà đầy chuồng, thuyền bè đầy tôm cá. Lễ hội Phài Lừa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự tôn kính, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, những người có công lập bản, lập làng…, là sự kiện văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa gắn với “đầu sóng ngọn gió”, xem “sông nước là nhà”. Các trò chơi, trò diễn góp phần khẳng định và tôn vinh những giá trị đạo đức, tinh thần, tư tưởng, tình cảm, khát vọng; thể hiện tinh thần đoàn kết, kiên cường bất khuất trong khắc chế, chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên với khát khao, ước vọng hướng về một tương lai tươi sáng tốt đẹp hơn. Lễ hội Phài Lừa góp phần tạo sự liên kết cộng đồng làng bản, dân tộc; là cơ hội để biểu dương sức mạnh, sự đồng thuận trong tư duy nhận thức của cư dân bản địa; phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, đáp ứng nhu cầu giao lưu, giải trí, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của cộng đồng.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Phài Lừa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL ngày 30/01/2018.

Một số hình ảnh của Lễ hội :

Ảnh 32. Toàn cảnh lễ hội

Toàn cảnh Lễ Hội

Ảnh 29. Đội khiêng kiệu

Rước kiệu thần rắn

IMG 3950

Múa sư tử trong lễ hội

Ảnh 33. Thi đua bè mảng

Đua bè mảng trên sông

Ảnh 34. Lật bè mảng

Lật bè mảng ba lần trên sông


Last modified on Thứ hai, 11 Tháng 3 2019 08:10

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 37

Tất cả 2857407

Videos

Liên kết website