Ảnh: Di tích Đền Tả Phủ
Cửa chính đền quay hướng Tây, nằm trên thế đất cao, tạo nên vẻ uy nghi, linh thiêng. Kiến trúc của đền theo lối chữ I “Công”, gồm hai tòa nhà Đại bái và Hậu cung, nối với nhau theo kiểu ống muống. Các kết cấu cột, vì kèo đều được làm bằng gỗ, tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói âm dương, không trang trí hoa văn, họa tiết cầu kỳ.
Hiện vật có giá trị nhất trong đền là tấm bia đá được dựng vào năm Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1683). Bia có tiêu đề là “Tôn sự phụ bi” nghĩa là tôn Tả Đô đốc Thân Công Tài làm thầy, làm cha; mặt bên ghi dòng chữ “Lưỡng quốc khách nhân”. Nội dung bia nói về việc nhân dân hai nước ghi tạc công lao của Hán Quận công Thân Công Tài với Lạng Sơn, với thương nhân hai nước Việt Nam - Trung Quốc và việc mở mang thương trường buôn bán tại phố chợ Kỳ Lừa. Bia đá được đặt trong nhà bia phía trong đền, bia được tạo tác theo hình khối, thân bia hình trụ vuông, cao 2,1m; đế bia có hai tầng, tầng trên có kích thước 0,97mx0,97m, được chạm khắc theo kiểu sập gụ chân quỳ đỡ thân bia, tầng dưới kích thước 1,3mx1,3m, chạm khắc các cánh sen chồng ba lớp chạy xung quanh. Đỉnh bia được thu dần lên phía trên, có một bông sen hai tầng cánh cách điệu ôm lấy đỉnh chóp; hiện nay bia chỉ còn ba mặt đọc được, một mặt đã bị mờ. Có thể nói đây là một bia đá được tạo tác cân đối, đẹp về mỹ thuật; có giá trị sử liệu về nhân vật Hán Quận công Thân Công Tài được thờ tại đền và công lao của ông.
Ảnh: Lễ hội Đền Tả Phủ - Kỳ Lừa
Năm 1993, đền Tả Phủ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Lễ hội của đền được tổ chức từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng hằng năm, thu hút đông đảo du khách tham dự đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2015.
Tổng hợp: Vy Thị Bích Hạnh