Thứ tư, 04 Tháng 5 2022 03:01

NHỮNG HIỆN VẬT ĐI CÙNG NĂM THÁNG

          Trong số hàng ngàn tài liệu hiện vật lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng tỉnh, hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Mỹ có một vị trí hết sức quan trọng đối với công tác giáo dục truyền thống lịch sử. Trong đó có nhiều hiện vật quý liên quan đến các sự kiện lịch sử quan trọng, các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước được bảo tàng dày công sưu tầm, các cựu chiến binh và gia đình tự nguyện hiến tặng.

n1

Những kỷ vật chiến trường thời kỳ chống Mỹ của các cựu chiến binh Lạng Sơn đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

          Có thể thấy, trong số gần 300 tài liệu hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của Lạng Sơn, nổi bật nhất là những hiện vật gắn với các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của tỉnh. Thời kỳ 1954-1975, Lạng Sơn vừa tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa ra sức chi viện sức người, sức của cho miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước. Từ các phong trào thi đua đó, đã xuất hiện những tấm gương yêu nước, anh hùng lực lượng vũ trang trên nhiều lĩnh vực. Họ là những người đã lập công xuất sắc trên chiến trường Nam Bộ hoặc ngay chính trên mảnh đất quê hương mình, được nhiều người biết tiếng. Hiện vật về họ ở trong bảo tàng không chỉ nói lên thành tích xuất sắc của họ mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử. Đó là những mảnh xác máy bay Mỹ bị tiểu đội nữ dân quân Quang Lang (Chi Lăng) bắn rơi bằng súng bộ binh ngày 17/10/1965 khi đến bắn phá khu vực ga Lạng Giai, Sông Hoá; là mảnh xác máy bay Mỹ F4-H bị du kích Tân Thành bắn rơi tại Hữu Lũng ngày 15/10/1965; mảnh xác máy bay Mỹ F101 do đại đội phòng không 101 (Tỉnh đội) anh dũng bắn rơi ở Hữu Lũng ngày 5/10/1965 khi đang đi thám thính căn cứ quân sự của ta... Bên cạnh đó là các loại vũ khí, vật dụng bộ đội ta đã sử dụng trong chiến đấu như vỏ đạn pháo các cỡ đơn vị C4 (pháo cao xạ) đóng tại đồi Táng Mật (thôn Yên Thịnh, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng) đã sử dụng để bắn máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Chi Lăng và bảo vệ các cây cầu: Sông Hóa, Suối Lân, cầu Giáp, Cầu Mó năm 1972; cát tút đạn đại liên dân quân xã Tân Thành (huyện Hữu Lũng) đã dùng bắn rơi máy bay Mỹ tháng 6 năm 1972. Đặc biệt trong số này có một sưu tập hiện vật liên quan đến anh hùng Nông Văn Nghi – người đã không quản ngại gian khó, hiểm nguy dũng cảm, tháo gỡ hàng chục quả bom mìn do máy bay Mỹ ném xuống khu vực ga, đường sắt, cầu đường hòng phá hoại giao thông, ngăn cản sự chi viện của các nước XHCN cho chiến trường miền Nam. Nhóm hiện vật này bao gồm một số vật dụng cá nhân đồng chí đã sử dụng thời kỳ đi rà phá bom mìn ở Chi Lăng, Hữu Lũng thời kỳ 1965-1972, những phương tiện thô sơ người anh hùng đã dùng để phá bom khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn như: đinh bù loong, búa đinh, đục sắt, cuộn dây dù...

n3

Vật dụng anh hùng Nông Văn Nghi đã dùng để tháo gỡ bom mìn tại Chi Lăng, Hữu Lũng từ năm 1965 đến năm 1972

Những năm đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, Lạng Sơn là tỉnh lập rất nhiều thành tích trong bắn máy bay Mỹ, nhiều lần được Bác Hồ, quân khu Việt Bắc tặng cờ thi đua luân lưu. Liên quan đến thành tích bắn máy bay Mỹ của quân dân Lạng Sơn, trong bảo tàng có một ổ súng sáu nòng từ chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Vạn Linh (Chi Lăng) ngày 12/9/1972, mảnh của chiếc máy bay bị quân dân Lạng Sơn bắn rơi – đó cũng chính là mảnh của chiếc máy bay thứ 3900 bị bắn rơi trên miền Bắc. Bên cạnh đó là những vật dụng nhân dân Lạng Sơn đã dùng khi tham gia bắt phi công Mỹ như: khẩu súng sốp anh Lương Văn Sở đã dùng bắt sống giặc lái Mỹ ở Vạn Linh (Chi Lăng) ngày 14/9/1972, cuộn dây thừng đồng chí Lộc Quốc Phong - dân quân Lộc Bình đã dùng trói hai tên phi công Mỹ trên chiếc máy bay bị ta bắn rơi ngày 17/10/1965, dao phát nương ông Nông Văn Như ở Sông Hoá, huyện Chi Lăng đã dùng bắt giặc lái Mỹ ngày 29/7/1972, giấy khen Tỉnh đội Lạng Sơn tặng chiến sỹ Vi Văn Đắc, quê ở xã Mai Sao, huyện Chi Lăng vì đã có thành tích dũng cảm, mưu trí bắt sống phi công Mỹ ngày 22/4/1966... Dấu ấn lịch sử về cuộc kháng chống Mỹ cứu nước trên quê hương xứ Lạng còn thể hiện rõ nét qua các các hiện vật về đường ống dẫn xăng dầu nối từ Lạng Sơn đến Bình Phước cung cấp nhiên liệu cho chiến trường miền Nam, những lá cờ kết nghĩa giữa phụ nữ, thanh niên hai tỉnh Lạng Sơn – Đắk Lắk năm 1961 tượng trưng cho tình cảm Bắc Nam ruột thịt, keo sơn gắn bó, cùng nhiều hiện vật quý khác.

          Những năm tháng chống Mỹ cứu nước, hàng vạn thanh niên Lạng Sơn đã xung phong lên đường vào Nam chiến đấu với lý tưởng, hoài bão cao đẹp. Tinh thần đó đã được thể hiện rất rõ nét qua những lá đơn tình nguyện được viết từ trái tim yêu nước và bầu nhiệt huyết sôi nổi của họ. Từ Hữu Lũng, anh Đoàn Duy Liêm - công nhân trại 66, chị Đặng Thị Lệ Thi ở phòng lương thực huyện đã tự tay viết đơn, ký bằng máu xung phong vào Nam chiến đấu. Không trực tiếp ra chiến trường, năm 1966, Chi đoàn Kỹ thuật điện Lạng Sơn, chị Phạm Thị Cam - công nhân công trường B15, Cục Kiến thiết cơ bản, Bộ Công nghiệp nhẹ đóng tại Lạng Sơn đã viết Quyết tâm thư hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, nguyện góp sức mình vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước chung của cả dân tộc. Những ngày tháng ở mặt trận của họ được tái hiện rất rõ nét qua nhóm kỷ vật chiến trường. Đó là quân trang, quân dụng do quân đội cấp phát đã theo bước chân người chiến sỹ trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ: quân phục, võng dù, ba lô, ăng gô, bi đông, hộp cứu thương; là những bức thư tâm tình từ tiền tuyến gửi về cho gia đình, những cuốn nhật ký được viết ngay trong khói lửa đạn bom... Những kỷ vật đơn sơ nhưng đầy biểu cảm nói lên cuộc sống khó khăn, gian khổ của người lính ở mặt trận, tình cảm sâu nặng của họ đối với hậu phương, đồng đội; niềm lạc quan, tin tưởng sắt son vào ngày chiến thắng. Cuộc sống của người lính ở chiến trường còn được thể hiện sinh động qua các đồ dùng sinh hoạt tự chế. Ở đó thường ghi rõ thời gian, địa điểm chế tác để ghi dấu kỷ niệm. Hình ảnh chim bồ câu, hoa hồng, phong cảnh làng quê khắc trên những chiếc lược chải đầu, hộp đựng thuốc đánh răng, khay đựng ấm chén chế từ mảnh xác máy bay Mỹ, ống phóng bom bi không chỉ nói lên tình cảm yêu thương, gắn bó với quê hương miền Nam mà còn thể hiện ước vọng hòa bình, thống nhất đất nước cao đẹp của những người chiến sỹ Giải phóng quân.

n2

Nhật ký liệt sĩ Phạm Quang Sơn (phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) viết tại chiến trường Quảng Trị, năm 1972

Chiến tranh đã lùi xa, những hiện vật đơn sơ trong bảo tàng luôn gợi nhớ một thời đạn bom, những năm tháng hào hùng của quê hương, đất nước. Đằng sau mỗi hiện vật còn là những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng, những cống hiến, đóng góp lớn lao của các thế hệ cha anh vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Những hiện vật đó đã trở thành một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa đất nước và sẽ còn mãi với thời gian, sống mãi trong lòng ký ức dân tộc ./.

Chu Quế Ngân

Last modified on Thứ năm, 02 Tháng 6 2022 10:00

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 71

Tất cả 2837151

Videos

Liên kết website