Thứ ba, 08 Tháng 2 2022 17:17

NÉT ĐẸP MÙA XUÂN XỨ LẠNG QUA MỘT SỐ TỤC LỆ CỔ THỜI NGUYỄN

Mỗi khi mùa xuân đến, năm mới bắt đầu, đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn có rất nhiều phong tục, tục lệ truyền thống cầu mong một năm tốt đẹp sẽ đến với bản thân, gia đình và cộng đồng. Bên cạnh những tục lệquen thuộc ở làng xã: Thờ cúng tổ tiên, Tết Nguyên đán, cúng Thổ Công, lệ xuống đồng, lễ tế xuân... có một số tục lệ cổít người biết đến do từ lâu đã không còn duy trì; thư tịch, sách địa phương chí viết về Lạng Sơn lạikhông ghi chép cụ thể. Tuy nhiên, qua nhiều bộ Quốc chí, các tấm bản đồ cổ cho thấy trong lịch sử, Lạng Sơn từng có những phong tục mùa xuân rất giàu ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thốngcủa dân tộcViệt Nam.Dưới đây là một số tục lệ tiêu biểu do chính quyền cấp tỉnh của Lạng Sơn từng tổ chức dưới thời Nguyễn.

z3165498312665 1cc720c11b84d0757e6e3f8cda7b1289

Vị trí của đàn Xã Tắc, đàn Tiên Nông, đàn Sơn Xuyên   trên bản đồ tỉnh Lạng Sơn thời Đồng Khánh – nhà Nguyễn (1885-1888).

1. Lệ đón xuân: Đón xuân là tục lệcó ở nước tatừ rất lâu đời, đến thờivua Minh Mệnh, triều đình và các tỉnh thực hiện quy củ hơntheo định lệ của nhà vua. Sách Đại Nam Thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn) viết: “Nhâm Thìn, năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), mùa thu, tháng 9, đặt lệ về lễ đón xuân ở các địa phương”. Tục lệ này được quy định rất cụ thể, thống nhất đối với các tỉnh trong cả nước. Qua đó giúp chúng ta hình dung rõ nét diễn trình của nghi lễ này ở Lạng Sơn xưa. Theo đó, hàng năm, cứ sau tiết Đông chí, vị quan đầu tỉnh (Tuần phủ hoặc Tổng đốc) saichọn đất, nước để nặn một con trâu đất và một vị Mang thần (thần Cây cối) theo đúng thể thức để làm vật cúng tế.Đất và nước phải được lấy ở phương Tuế đức – nơi có vị thần tốt, hợp với phong thủy của từng năm. Trước kỳ lập xuân, tỉnh chọn nơi lập đàn tế. Địa điểm này nằm ở bên ngoài,phía Đông tỉnh thành Lạng Sơn. Mặt đàn tế quay về hướngĐông. Trước Lập xuân một ngày, đem trâu đất, Mang thần để ởsảnh của dinh thự quan Tuần phủ, Tổng đốc. Đúng ngày Lập xuân, nghi lễ đón xuân được tổ chức rất trang trọng với sự tham gia của đông đủ các vị quan chức cấp tỉnh. Tất cả đều mặc lễ phục với mũ, áo thường triều. Quan Tuần phủ, Tổng đốc dẫn các quan văn, võ thuộc quyền đem trâu đất và Mang thần tới đàn cúng tế, rồi lại mang trở về dinh thự. Tại khoảng sân trước dinh, họ cầm roi quất con trâu đất ba cái để tỏ ý khuyến khích việc cày ruộng. Sau đó để yên ở trong công đường. Kết thúc nghi lễ,họ đem trâu đất và Mang thần của năm trước chôn ở chỗ đất được coi là thanh sạch để hóa.

2. Lệ tế thần:

Đây là nghi lễ cúng tế các vị thần bảo trợ cho nông nghiệp bao gồm: thần Núi, thần Sông, thần Đất, thần Nông. Các nghi thức này đều đã có từ lâu đời. Đếnnăm 1833, vua Minh Mệnh định lệ tế thần Đất, thần Nôngthống nhất trong cả nước. Ngay trong năm đó, tỉnh Lạng Sơn đã chọn một địa điểmở phía Tây, bên ngoài tỉnh thành (thuộc xã Mai Pha, châu Ôn) để xây đàn Xã Tắc làm nơi cúng tế. Đàn xây bằng gạch, có hình vuông,gồm hai tầng, mặt quay về phía Bắc, có lan can bao quanh.Đến năm 1851, vua Tự Đức đặt thêm lệ tế núi sông. Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) cho biết, vào năm Tự Đức thứ 6 (1852), tỉnh Lạng Sơn đã lập đàn Sơn Xuyên tại vị trí phía Tây Nam tỉnh thành để làm nơi tế lễ. Theo quy định lúc đó, hình thức của đàn Sơn Xuyên gần giống đàn Xã Tắc. Hàng năm, vàođầu tháng Haivà tháng tháng Tám âm lịch, cácquan đầu tỉnh định ngày tổ chức cúng tế ở hai đàn này, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, thiên hạ thái bình... Lễ vật dâng cúng gồm trâu, lợn, xôi, rượu, hoa quả.Việc cúng tếdiễn ra rất trang trọng, bởi ngoài nghi thức cầu mùa, Xã Tắc còn mang ý nghĩa biểu tượng là hình ảnh thiêng liêng của quê hương, đất nước.  

3. Lệ chăn tằm: Lệ này được nhà vua cho thực hiện thống nhất ở các địa phương trong toàn quốc từ năm Minh Mệnh thứ 12 (1833) để khuyến khích nhân dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Theo quy định chung, các quan đầu tỉnh đều phải dựng một nhà chăn tằm ở trong dinh của mình. Đồng thời chọn đất trồng dâu, thuê người chuyênđảm nhiệm việc nuôi tằm đó. Mỗi năm đến tháng Giêng (tháng Mạnh Xuân) chọn ngày tốt, sai người làm lễ tế Tiên tằm ở chính giữa nhà tằm. Lễ vật cúng ở đàn thờ Tiên tằm gồm lợn, xôi, rượu, hoa quả. Cùng lúc đó, người dân nuôi tằm nô nức rủ nhau ra ruộng hái dâu. Cuối năm, việc tằm đã xong, mọi người kiểm số tơ đã thu được, phái người đem lên nộp bộ. Số tơ phải nộp dotriều đình quy định riêng cho từng tỉnh. Dưới thời Minh Mệnh, tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng nằm trong một hạt (tỉnh lớn), mỗi năm nộp khoảng trên dưới 40, 50 cân tơ để chi dùng vào việc chung.

4. Lệ cày ruộng tịch điền: Nghi lễ nàybắt đầu có ở nước ta năm 987, dưới triều vua Lê Đại Hành và được duy trì qua nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Lệ cày tịch điền thường được tổ chứcvào trung tuần tháng Giêng (tức 10 ngày giữa tháng đó) - ngay sau Tết Nguyên Đán. Đến đời vua Minh Mệnh, nghi lễ này được khôi phục và đưa vào thành nếp. Năm 1833, nhà vua quy định thực hiện đối với các địa phương trong cả nước. Như tất cả các tỉnh khác, ruộng tịch điền tại Lạng Sơn gồm ba mẫu ở phía ngoài tỉnh thành, xung quanh được đắp tường đất. Khu ruộng này có ba cửa: phía trước, bên tả (trái), bên hữu (phải). Tại phía tây, chọn ba sào đất, xung quanh trồng tre,mở các cửa giống vị trí của ruộng tịch điền. Chính giữa xây đàn Tiên Nông, có hướng quay về phía Nam. Sách Đại Nam Nhất thống chí cho biết, đàn Tiên Nông của Lạng Sơn được xây dựng năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) tại phía đông tỉnh thành (thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng). Phía Đông Bắc đàn Tiên Nông đặt kho Thần thương dùng để chứa thóc. Trước cửa kho có đình thu thóc. Trâu chuẩn bị cho việc cày ruộng là một con trâu đen, to khỏe và đẹp. Vào ngày cày tịch điền, quan Tuần phủ, Tổng đốc và các quan tỉnh mặc triều phục, tới đàn Tiên Nông làm lễ. Lễ phẩm bao gồm trâu, lợn, xôi, rượu, hoa quả... Sau nghi thức cúng tế, các quan thay triều phục, đội mũ văn công, mặc áo bào thắt dây lưng, quần ngắn, đi giày và bít tất tới chỗ tịch điền. Quan đầu tỉnh thân hành cầm cày, cày 9 luống, một người thực hiện nghi thức gieo hạt thóc nếp. Ruộng tịch điền do một số nông phu được cắt cử riêng để làm. Đến mùa thu hoạch, lúa mang về chứa ở kho Thần thương, chuyên dùng làm xôi cúng tế.

Các tục lệ trên đây đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa cộng đồng giàu tính nhân văn, nét đẹp văn hóa truyền thống của nước ta nói chung và của Lạng Sơn nói riêng. Qua đó thể hiện quan điểm của Nhà nước, chính quyền phong kiến xưa kia - luôn coi Nông nghiệp là gốc rễ “Dĩ nông vi bản”, lương thực là quan trọng hàng đầu. Đồng thời thiết thực động viên, khuyến khích nhân dân trồng trọt, chăn nuôi vốn là các công việc cốt yếu của nghề nông. Ngày nay, hầu hết di tích liên quan đến các tục lệ trên đây đã không còn trên thực tế. Nhưng vẫn còn đó vị trí đàn Xã Tắc, đàn Tiên Nông, đàn Sơn Xuyên trên bản đồ Lạng Sơn thời Đồng Khánh (1885-1888), các dòng ghi chép trongcác bộ Quốc chí thời Nguyễn... Đó chính là những minh chứng sống động cho nét đẹp tục lệ mùa xuân xứ Lạng những năm tháng xa xưa./.

                                                                    Bài và ảnh: Chu Quế Ngân

Last modified on Thứ ba, 08 Tháng 2 2022 17:26

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 18

Tất cả 2837198

Videos

Liên kết website