Print this page
Thứ hai, 06 Tháng 9 2021 12:21

TẤM LÒNG CỦA MỘT GIA ĐÌNH VIỆT KIỀU TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Phố huyện Long Châu là điểm giao thương khá sầm uất ở vùng biên giới Việt - Trung. Nơi đây có rất nhiều người Việt Nam sang làm ăn sinh sống. Long Châu là vùng đất giàu truyền thống Cách mạng của Trung Quốc - Nơi nổ ra  cuộc khởi nghĩa Long Châu năm 1930, nơi có căn cứ địa Tả Giang... Vì vậy, vùng đất này đã sớm trở thành căn cứ, “hậu phương” của cách mạng Việt Nam ở hải ngoại. Tại đó, có những người dân thuần hậu, chất phác luôn hết lòng giúp đỡ, ủng hộ Cách mạng Việt Nam, thầm lặng góp phần vào sự thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Gia đình bà Hai Nông là một trong những số đó.  

Căn nhà của bà Hai Nông ở trong một khu phố nhỏ phía nam huyện lỵ Long Châu, khi đó nhà cửa còn khá thưa thớt. Bà người Việt Nam lấy ông Nông Nhân Bảo là người Trung Quốc, gia đình có nghề buôn bán nhỏ ở ngay phố huyện. Thời kỳ làm ăn ở vùng biên giới Việt - Trung, ông Nông Nhân Bảo đã từng tham gia một số hoạt động chống Pháp và chống Thanh do các nhà Cách mạng khởi xướng. Do đó, ông đã sớm giác ngộ và có mối quan hệ rộng rãi với những người cách mạng của hai nước tại khu vực Long Châu. Có lẽ vì thế nên năm 1930, khi gây dựng cơ sở quần chúng ở đây, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã lựa chọn gia đình bà. Ngôi nhà của ông bà ở 81 phố Bát Bảo (nay là 73 phố Doanh) đã trở thành một trạm liên lạc quan trọng của Cách mạng Việt Nam ở Long Châu. Bác Hồ, các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, Chu Văn Tấn… thường qua lại trong quá trình hoạt động Cách mạng. Từ đó cho đến hết năm 1944, nơi đây đã trở thành địa điểm hẹn, điểm dừng chân, gặp gỡ, hội họp của chiến sĩ Cách mạng Việt Nam. Những ngày ở đây, Bác và các chiến sĩ Cách mạng Việt Nam thường gọi ông bà bằng cái tên thân mật, trìu mến: anh, chị Hai Nông. Trong nhà bà thường xuyên có các chiến sỹ Cách mạng Việt Nam qua lại, lưu trú.

SĐK-5690Nhà số 81 phố Bát Bảo - Trạm liện lạc của các chiến sỹ Cách mạng Việt Nam ở Long Châu do đồng chí Hoàng Văn Thụ gây dựng và phụ trách


Là người được giao phụ trách trạm liên lạc, thời kỳ 1930-1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thường xuyên đến nơi này. Chị Lục Quốc Kỳ - Phó chủ nhiệm Nhà triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thị trấn Long Châu cho biết: Năm 1941, để chuẩn bị cho hội Trung ương lần thứ 8 sẽ diễn ở Pác Bó (Cao Bằng) dưới sự chủ tọa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, một cuộc họp quan trọng với sự tham gia của 12 người gồm các đồng chí: Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt... đã tổ chức tại nhà bà Hai Nông. Sau khi được ra khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch,ngày 9 tháng 8 năm 1944, Bác Hồ đã dẫn 18 cán bộ trẻ Việt Nam được lựa chọn từ các lớp huấn luyện đặc biệt ở Đệ tứ chiến khu (Chiến khu 4 của Quốc dân Đảng) rời khỏi Liễu Châu trở về Việt Nam để lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chuẩn bị cho việc giành chính quyền về tay nhân dân. Đoàn đã đi qua Nam Ninh đến Long Châu, rồi từ đó trở về Pác Bó. Tới thị trấn Long Châu, Bác và đoàn đã chia nhau đến ở một số cơ sở ở đây như: Văn phòng nước ngoài đầu tiên của Hiệp hội Liên minh giải phóng dân tộc Việt Nam tại phố Bạch Sa, nhà bà Hai Nông và một số cơ sở quần chúng khác ở gần đó.

Trong suốt thời gian dài, ông bà Hai Nông và các thành viên trong gia đình đã hết lòng che chở, giúp đỡ các chiến sỹ Cách mạng Việt Nam. Năm 1930, khi cuộc khởi nghĩa Long Châu bị đàn áp, khủng bố trắng, cơ sở cách mạng ở số nhà 74 phố Nam bị bại lộ, việc liên lạc được chuyển đến nhà bà Hai Nông. Ông Nông Nhân Bảo là người rất hiếu khách, vui vẻ và thoải mái. Bà Hai Nông tốt bụng và hiền lành, đối xử với khách ở trong nhà - bất kể già, trẻ đều quan tâm và chăm sóc chu đáo. Ngôi nhà gạch đối diện số 81của ông bàđược dùng làm nhà bếp và bố trí cho vài đồng chí Việt Nam sống ở đó. Phía sau nhà có cửa thông ra một hồ nước rộng, cây cối um tùm, có thể tạm lánh hoặc chạy thoát khi có động . Bà thường xuyên mua giúp cán bộ Việt Nam nhu yếu phẩm, phương tiện liên lạc, tạo mọi điều kiện cho các chiến sỹ Cách mạng Việt Nam.Con trai ông bà là Nông Phúc Bảo khi đó mới hơn mười tuổi cũng được giao nhiệm vụ giã gạo, bảo vệ và làm các việc vặt khác. Mỗi khi có người đến, ông bà đều thu xếp nơi ăn chốn nghỉ cho họ. Ít thì từ ba đến năm người, có lúc lên đến hai, ba chục người.

Không chỉ giúp đỡ về đời sống sinh hoạt, ông bà còn đứng ra kết nối, giúp các nhà Cách mạng Việt Nam mở rộng cơ sở quần chúng về các vùng nông thôn ở Long Châu. Ông Nông Kỳ Chấn ở Nà Tạo (Hạ Đống) là bạn cũ thường xuyên qua lại với Nông Nhân Bảo. Vì vậy, khi đồng chí Hoàng Văn Thụ bắt đầu thành lập Trạm liên lạc tại nhà Nông Nhân Bảo thì đã quen biết ông. Tranh thủ sự giúp đỡ của ông Nông Kỳ Chấn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thâm nhập, đi sâu vào các làng Bân Kiều, Hạ Đống,… gây dựng được nhiều cơ sở quần chúng mới như: Âu Dương Tất Chiều ở thôn Trương Thê, Phan Toàn Trân ở bản Nà Thành, Hoàng Bính Chi, Nông Hiện Mĩ, Nông Hiện Chương và Nông Bảo Doanh ở thôn Bản Cát cùng nhiều gia đình khác ở Bố Cục (Hạ Đống). Vì vậy, khu vực này đã trở thành địa bàn hoạt động quan trọng của đồng chí Hoàng Văn Thụ và các chiến sỹ Cách mạng Việt Nam khi khởi nghĩa Long Châu bị đàn áp, khủng bố. Gia đình ông Nông Kỳ Chấn và Phan Toàn Trân trở thành cơ sở quần chúng đặc biệt tin cẩn, là nơi Bác thường tới ở khi đến đây hoạt động. Là cốt cán ở thôn, Hội nông dân, họ đã tận tình giúp đỡ Bác và các chiến sỹ Cứu Quốc quân Việt Nam khi tạm lánh sang đây thời kỳ 1942-1943. Nhờ đó Bác và các chiến sĩ Cách mạng Việt Nam đã dễ dàng đi lại để hoạt động ở khu vực này. Năm 1943 ông Nông Nhân Bảo mất, còn lại một mình, bà Hai Nông vẫn luôn rộng lòng giúp đỡ các chiến sĩ Cách mạng Việt Nam cho đến khi họ trở về nước (năm 1944) để chuẩn bị giành chính quyền dưới sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Giờ đây, căn nhà nhỏ năm xưa của ông bà tuy không còn nữa nhưng vẫn còn đó những chiếc cối giã gạo bằng đá rất to ở khu bếp cũ. Những kỷ vật đơn sơ luôn gợi nhớ những năm tháng khó khăn, gian khổ nhưng luôn sẵn lòng “nhường cơm sẻ áo”, nhiệt thành giúp đỡ các chiến sỹ Cách mạng Việt Nam của ông bà.  

SĐK-5717

Chân dung Bà Hai Nông

Từ khi trở về nước, Bác Hồ và các chiến sỹ cách mạng hoạt động ở Long Châu vẫn luôn giữ mối quan hệ và tri ân sự giúp đỡ to lớn của ông bà đối với cách mạng Việt Nam. Tháng 1 năm 1963, bà Hai Nông, con trai là Nông Định Chương đã cùng một số ân nhân của Cách mạng Việt Nam ở Long Châu như Nông Kỳ Chấn, Hoàng Nguyệt Sơ, Hoàng Đức Quyền... sang thăm Việt Nam theo lời mời của Bác Hồ. Qua Lạng Sơn, đoàn đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh như: La Thăng, Bế Chấn Hưng đón tiếp nồng nhiệt, thắm tình hữu nghị. Sự giúp đỡ chí tình của gia đình bà trong suốt một thời gian dài, tại những thời khắc lịch sử quan trọng đã góp phần không nhỏ làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho đất nước./.

                                                                               Chu Quế Ngân

Last modified on Thứ hai, 06 Tháng 9 2021 12:25