Thứ hai, 17 Tháng 5 2021 11:07

LẠNG SƠN VỚI CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM (6/1/1946)

Trong biên niên sử của đất nước, ngày 6/1/1946 được ghi nhận là ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội khóa I. Diễn ra trong bối cảnh đất nước vừa thoát khỏi ách nô lệ, giành được tự do, độc lập, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên có một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc. Đó là ngày hội lớn của non sông, biểu hiện một cách sinh động quyền tự do, dân chủ của nhân dân ở một đất nước độc lập. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên cách đây 75 năm đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong ký ức lịch sử của dân tộc, trong đó có Lạng Sơn.

 

z2495010144959 ca477e4d5659c06c273e3e11e484533e 

Toàn cảnh gian trưng bày triển lãm chuyên đề “ Quốc hội Việt Nam – Những chặng đường lịch sử”

 

Theo dòng lịch sử, chỉ một ngày sau khi nước nhà độc lập, trong phiên họp đầu tiên do Chính phủ lâm thời tổ chức ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Đây là việc làm rất cấp thiết vì Quốc hội, cơ quan quyền lực tối cao của nhân dân sẽ bầu ra một Chính phủ chính thức điều hành đất nước và ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ. Kể từ đó, công tác chuẩn bị bầu cử đã được xúc tiến mạnh mẽ qua nhiều bước. Khởi đầu là sắc lệnh số 14-SL của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mở cuộc bầu cử Quốc dân đại hội (Quốc hội). Tiếp đó là sắc lệnh số 39-SL ngày 26/9/1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử (gồm 9 người, trong đó có đại diện của các ngành, các giới). Đặc biệt, ngày 17/10/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã ban hành sắc lệnh số 51-SL. Đây là văn bản hết sức quan trọng ấn định thể lệ tổng tuyển cử, trong đó quy định chi tiết thời gian diễn ra bầu cử, quyền ứng cử, bầu cử, đơn vị bầu cử, cách thức tổ chức bầu cử, công nhận kết quả bầu cử kèm theo số lượng đại biểu được bầu ở từng tỉnh… Sắc lệnh này có ý nghĩa tương đương với Pháp lệnh, Luật bầu cử của nước ta sau này. Lẽ ra, cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 23/12/1945. Tuy nhiên, do số lượng đại biểu có sự bổ xung, để có đủ thời gian cho côn tác ứng cử và chuẩn bị, ngày 18/12/1945, Chính phủ đã ban hành sắc lệnh số 76 quyết định hoãn cuộc tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946. Do đó, chúng ta thường thấy, trên các thẻ cử tri vẫn in ngày bầu cử là 23/12/1945.

 3

Thẻ cử tri bầu Quốc dân đại hội ngày 6/1/1946 của nhân dân Lạng Sơn. 

Có thể thấy, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Lạng Sơn cũng như cả nước lúc đó đã diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn. Nước ta vừa giành được độc lập, nạn đói năm 1945 làm cho nền kinh tế của đất nước kiệt quệ. Bên cạnh đó là nạn mù chữ (95% dân số không biết chữ), các tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại... Lấy danh nghĩa Đồng minh vào tước vũ khí của quân đội Nhật, 20 vạn quân Tưởng đã từ Đồng Đăng tràn vào nước ta, trong đó 12 vạn tên do tướng Lư Hán cầm đầu đã đến thị xã Lạng Sơn. Chúng câu kết với bọn Phục quốc, cường hào phản động quấy nhiễu, phá hoại nhằm lật đổ chính quyền Cách mạng, thiết lập chính quyền bù nhìn tay sai cho đế Quốc, thực dân. Tại Lạng Sơn, “Ở thị xã, quân Tưởng và bọn phản động còn ngang nhiên cho quân lính bắt bớ nhân dân, vơ vét của cải, lương thực thực phẩm, thiết quân luật trắng trợn, truy bắt cán bộ Việt Minh làm cho tình hình thêm rối ren, căng thẳng…” (1). Trước tình hình đó, cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã đồng lòng, chung sức xây dựng chính quyền Cách mạng và hướng về ngày bầu cử Quốc hội bằng những hành động thiết thực: đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để chống đói, tham gia phong trào bình dân học vụ để diệt giặc dốt, đồng thời tích cực hưởng ứng Tuần lễ vàng đóng góp, ủng hộ chính quyền khắc phục khó khăn về tài chínhVượt qua sự chống phá của các thế lực phản động, công tác bầu cử đã được diễn ra đúng kế hoạch. Nói về không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử, sách Kỷ yếu hoạt động của đoàn đại biểu tỉnh Lạng Sơn từ khóa I đến khóa X (1946-2002) viết: “Khắp nơi trong cả nước, quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn những đại biểu ưu tú xứng đáng làm đại diện của mình, hạn chế tới mức cao nhất những phần tử lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh quyền chức. Tại các địa phương, nhân dân ta đã tổ chức mít tinh, tuần hành hoan nghênh tổng tuyển cử, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, đả đảo thực dân Pháp xâm lược…”(2). Có thể nói, những ngày đó, trái tim của nhân dân Lạng Sơn đã hòa cùng nhịp đập chung của trái tim cả nước hướng về ngày hội lớn của non sông. Lịch sử Đảng bộ tỉnh đã ghi nhận những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân Lạng Sơn trong công tác bầu cử Quốc dân đại hội: “Song song với việc ngăn chặn và đập tan dã tâm thâm độc của quân Tưởng và bọn tay sai, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân lâm thời đã lãnh đạo, tổ chức cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh tham gia đi bầu cử Quốc hội, thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 6/1/1946, mặc dầu bị bọn Phục quốc quấy nhiễu, song được sự tổ chức chu đáo của  Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân lâm thời, hàng vạn đồng bào các dân tộc khắp các vùng trong tỉnh đã nô nức đi đến hòm phiếu thực hiện quyền công dân của mình, lựa chọn và bầu đại biểu xứng đáng tham gia Quốc hội(3). Đáp lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Hồ Chủ tịch, nhân dâncác địa phương trong tỉnh đã nô nức đi bầu cử, tự tauy bầu các biểu xứng đáng đại diện cho chính mình. Theo sắc lệnh số 51-SL (ngày 17-10-1945), tỉnh Lạng Sơn được bầu 3 đại biểu. Trong đó một đại biểu đại biểu chung cho Việt Nam và dân tộc thiểu số, hai đại biểu riêng cho dân tộc thiểu số gồm một người dân tộc Thổ (Tày), một người dân tộc Nùng. Đây vốn là hai dân tộc có dân số đông nhất của tỉnh. Kết quả, cử tri đã lựa chọn, bầu 3 đại biểu của Lạng Sơn vào Quốc hội khóa I:

1. Đồng chí Lương Như Ý, dân tộc Tày, sinh năm 1900, quê ở Tràng Định. Đồng chí nguyên là thành viên chi bộ công sở của huyện Tràng Định (thành lập năm 1943). Đây là chi bộ giữ vai trò là Ban cán sự Đảng lãnh đạo cách mạng của huyện. Khi ứng cử đồng chí là Chủ nhiệm Ban Việt Minh tỉnh Lạng Sơn. 

2. Đồng chí Lê Huyền Trang: dân tộc Tày, sinh năm 1913 tại Bình Gia, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Lạng Sơn, từng là phó chủ nhiệm Việt Minh huyện Bình Gia. Sau này, đồng chí là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh (giai đoạn 1948-1954).

3. Đồng chí Lâm Trọng Thư: dân tộc Nùng, sinh năm 1923, quê ở huyện Bình Gia. Khi đó đang là cán bộ Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Lạng Sơn. Sau này đồng chí là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh (1958-1962).

 z2495013599717 0bedf2aa215ee7d5d4d9355e63d37cae

Hiện vật về bầu cử quốc hội, HĐND hiện đang trưng bày tại triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lạng Sơn

 

Các đồng chí trên đây là 3 trong số 333 đại biểu Quốc hội khóa I của nước ta. Đồng thời nằm trong số 34 đại biểu là người dân tộc thiểu số của cả nước. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Lạng Sơn đã diễn ra an toàn, thắng lợi, bất chấp sự ngăn cản, phá hoại của kẻ thù. Thắng lợi của cuộc bầu cử đó không chỉ là công sức của toàn Đảng, toàn dân mà còn là kết quả của quá trình đấu tranh chính trị đầy gian nan, thử thách, là biểu hiện sáng ngời của tinh thần đoàn kết dân tộc, sức mạnh toàn dân. Quốc hội khóa I đã trải qua 14 năm hoạt động (1946-1960), các đại biểu Quốc hội của tỉnh Lạng Sơn đã luôn xứng đáng với sự tin tưởng, tín nhiệm của cử tri. Thông qua Quốc hội, đề xuất với Chính phủ nhiều vấn đề, quyết sách liên quan đến phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc, miền núi. Ngày nay, những di vật lịch sử liên quan cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Lạng Sơn như Thẻ cử tri của nhân dân ở Thất Khê (Tràng Định), sắc lệnh số 51-SL, ngày 17/10/1945 do Ủy ban hành chính kháng chiến hành chính tỉnh xuất bản… luôn gợi nhớ về một mốc son lịch sử, những ngày tháng không thể nào quên của quê hương, đất nước./. 

 

* Chú thích:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn qua các thời kỳ (1945-2005). NXB Chính trị Quốc gia 2007. Tr 19,20.

2. Kỷ yếu hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn từ khóa I đến khóa X (1946-2002). NXB Chính trị Quốc gia 2003.Tr 51.

3. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (1930-1954). Ban Tuyên giáo tỉnh Lạng Sơn 1998. Tr 106, 107.

Chu Quế Ngân

Last modified on Thứ hai, 17 Tháng 5 2021 11:10

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 93

Tất cả 2838971

Videos

Liên kết website