Thứ hai, 22 Tháng 2 2021 17:49

ĐỒNG CHÍ LƯƠNG VĂN TRI VỚI CUỘC KHỞI NGHĨA BẮC SƠN

 

Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/7/1940 là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt của đất nước “Là tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương”[1]. Khởi nghĩa Bắc Sơn mở đầu cho một thời kỳ mới của Cách mạng nước ta - thời kỳ sử dụng bạo lực cách mạng, đấu tranh đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, tiến tới tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Tiếp nối Bắc Sơn, nhiều cuộc khởi nghĩa, bạo động vũ trang đã nổ ra trên khắp mọi miền đất nước: khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940), khởi nghĩa Đô Lương (1/1941), cao trào kháng Nhật cứu nước… Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn là thành quả to lớn của Cách mạng Việt Nam, là kết quả của quá trình xây dựng lực lượng, đấu tranh cách mạng lâu dài gắn liền với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, sự cống hiến, hy sinh của các chiến sỹ cách mạng và nhân dân. Trong đó có đồng chí Lương Văn Tri – người con ưu tú của quê hương Văn Quan, xứ Lạng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, chỉ huy trưởng đội du kích Bắc Sơn, Chỉ huy trưởng - Chính trị viên đội Cứu quốc quân I. Đóng góp, cống hiến của đồng chí đối với khởi nghĩa Bắc Sơn tập trung, thể hiện rõ nét ở thời kỳ xây dựng phát triển phong trào Cách mạng Bắc Sơn và củng cố, duy trì lực lượng sau khởi nghĩa. Đó cũng chính là khoảng thời gian đồng chí trực tiếp hoạt động ở đây.

         Đồng chí Lương Văn Tri, người dân tộc Tày, sinh ngày 13 tháng 7 năm Canh Tuất (tức ngày 17/8/1910) tại làng Bản Hẻo, tổng Mỹ Liệt, châu Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn (nay là thôn Bản Hẻo, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn).                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, hiếu học, có tinh thần yêu nước, thương dân, đồng chí đã sớm mang trong mình tình yêu quê hương đất nước cùng những hoài bão, ước vọng lớn lao của tuổi trẻ. Những năm học tập dưới mái trường Tiểu học Pháp – Việt (thị xã Lạng Sơn), đồng chí đã cùng với người bạn học thân thiết, cùng chí hướng là Hoàng Văn Thụ (quê ở bản Phạc Lạn, xã Nhân Lý, châu Văn Uyên) tích cực tham gia hoạt động yêu nước, trở thành những hạt nhân, nòng cốt của phong trào. Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri đã đứng ra lập nên nhóm thanh niên yêu nước của trường, tham gia các các hoạt động: nghiên cứu, tìm đọc báo Thanh Niên, tuyên truyền tài liệu của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trên địa bàn thị xã, đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (1926) do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát động trong cả nước... Tháng Giêng năm 1928, đồng chí Lương Văn Tri đã cùng với người bạn học cùng chí hướng Hoàng Văn Thụ vượt qua biên giới tìm đến liên lạc với tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên hội ở Bản Đảy (Bằng Tường, Trung Quốc). Thời kỳ 1928- 1936, đồng chí đã tham gia hoạt động Cách mạng, học tập ở thị trấn Long Châu, Nam Ninh, Quảng Châu… (Trung Quốc). Tại đây, đồng chí đã được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (năm 1928), Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam (Tháng 12/1929). Ngày 3/2/1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức cộng sản: Đông dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương cộng sản liên đoàn thì đồng chí Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ của Lạng Sơn đã trở thành những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí đã có nhiều hoạt động tích cực ở Trung Quốc: xây dựng cơ sở quần chúng trung kiên, các trạm liên lạc bí mật ở Long Châu (Nam Ninh), tham gia tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ làm nòng cốt cho phong trào Cách mạng của Lạng Sơn, Cao Bằng (1930-1931)... Đồng thời tuyên truyền, vận động, xây dựng những cơ sở cách mạng đầu tiên ở Khưa Đa, Ma Mèo, Tà Lài (Văn Uyên) - đặt nền móng, tạo tiền đề cho hoạt động Cách mạng của tỉnh Lạng Sơn. Được sự tín nhiệm của tổ chức Đảng, thời kỳ 1931-1935 đồng chí Lương Văn Tri được cử đi học tại Trường Quân sự Hoàng Phố tại Quảng Châu để đưa trở về Việt Nam hoạt động. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc trường Quân sự Hoàng Phố, năm 1936, thực hiện chủ trương của Đảng, đồng chí đã trở về Lạng Sơn cùng với đồng chí Hoàng Văn Thụ, Mã Khánh Phương để xây dựng, phát triển phong trào cách mạng của tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên. Bắc Sơn là điểm đến đầu tiên của đồng chí khi trở về hoạt động Cách mạng ở trong nước sau những tháng ngày bôn ba ở hải ngoại. Viết về sự kiện này, sách “Đời hoạt động Cách mạng của chí Lương Văn Tri” do Ban chấp hành Đảng bộ huyện Văn Quan xuất bản năm viết: “Khoảng tháng 5/1936, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, Mã Khánh Phương được Đảng cử vào Bắc Sơn gây dựng cơ sở Cách mạng”.[2] Cũng cuốn sách trên cho biết, sáng ngày 8/5/1936, đồng chí đã đến điểm hẹn với đồng chí Hoàng Văn Thụ tại bến đò Bản Thẳm (Song Giang, Văn Quan) để cùng nhau đi vào Bắc Sơn hoạt động. Đây chính là thời điểm quan trọng ghi mốc dấu thời gian bắt đầu hoạt động của đồng chí ở Bắc Sơn. Bằng những kiến thức chính trị, quân sự đã được đào tạo bài bản ở Trung Quốc, cùng với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động ở vùng biên giới Việt - Trung, đồng chí đã có nhiều hoạt động tích cực, những đóng góp xuất sắc đối với phong trào Cách mạng của Bắc Sơn nói chung và cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nói riêng. Vai trò, đóng góp của đồng chí đối với khởi nghĩa Bắc Sơn được thể hiện rõ nét ở những góc độ sau:

          1. Trực tiếp xây dựng cơ sở quần chúng trung kiên, làm nòng cốt cho phong trào Cách mạng:  

          Ngay sau khi đến Bắc Sơn, đồng chí Lương Văn Tri đã cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ tới Vũ Lăng – nơi có những người họ hàng thân thích của đồng chí Mã Khánh Phương như Mã Viết Thốn, Mã Viết Linh… để gây dựng và phát triển cơ sở quần chúng. Dựa vào các mối quan hệ quen biết đó, các đồng chí đã tích cực tổ chức tuyên truyền, giác ngộ quần chúng; vận động, tập hợp quần chúng trung kiên làm nòng cốt cho phát triển phong trào cách mạng. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ tích cực của nhóm thanh niên yêu nước như Đường Kỳ Tân, Nguyễn Văn Phòng (tức Mai Huyền), Hoàng Doãn Tạo (tức Hà Khai Lạc), Đường Văn Tư…, các đồng chí đã tiếp tục phát triển, mở rộng việc xây dựng cơ sở quần chúng sang các xã lân cận như Vũ Lễ, Hữu Vĩnh, Ngư Viễn, Vũ Sơn, Hưng Vũ… Các cơ sở quần chúng trên đây là “cánh tay” tin cậy của Đảng, góp phần quan trọng trong việc hình thành địa bàn cách mạng, mạng lưới liên lạc, tạo thuận lợi cho Xứ ủy Bắc Kỳ trong việc chỉ đạo phong trào Cách mạng ở Bắc Sơn và ba tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên. Phong trào phát triển mạnh mẽ góp phần tạo nên thời cơ khởi nghĩa. Ngay trong ngày khởi nghĩa, các cơ sở quần chúng trung kiên chính là những nhân tố tích cực, là lực lượng nòng cốt tạo nên sức mạnh quần chúng lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

          2. Xây dựng và phát triển cơ sở Đảng để chỉ đạo phong trào Cách mạng và chỉ huy khởi nghĩa:

          Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với phong trào Cách mạng nói chung và khởi nghĩa Bắc Sơn nói riêng. Bởi nếu không có tổ chức Đảng mạnh, vững chắc thì khó có thể có cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã đi vào lịch sử đó. Chi bộ đảng, các đồng chí đảng viên ở Bắc Sơn là những người lĩnh hội và triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời quyết định thời gian, phương thức tiến hành khởi nghĩa. Do vậy công tác xây dựng cơ sở Đảng ở Bắc Sơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940.

          Song song với việc xây dựng các cơ sở quần chúng, đồng chí Lương Văn Tri và các đồng chí của mình đã xúc tiến việc thành lập các tổ chức Đảng. Họ đã giao nhiệm vụ phát triển cơ sở Đảng cho anh Đường Văn Thông – lúc này đang hoạt động tích cực ở Vũ Lăng. Công tác bồi dưỡng các thanh niên, quần chúng ưu tú được chú trọng. Qua quá trình rèn luyện, thử thách, ngày 25/9/1936, tại thôn Mỏ Tát (xã Vũ Lăng), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tổ chức kết nạp Đảng viên, tuyên bố thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở Bắc Sơn gồm 4 đồng chí: Đường Kỳ Tân, Nguyễn Văn Phòng (tức Mai Huyền), Hoàng Doãn Tạo (tức Hà Khai Lạc), Đường Văn Tư. Đồng chí Đường Kỳ Tân được cử là Bí thư. Đây là một trong hai chi bộ đảng được thành lập sớm nhất ở Lạng Sơn (sau chi bộ Thụy Hùng ở Văn Uyên). Từ đây, Bắc Sơn đã có chi bộ Đảng lãnh đạo các cuộc đấu tranh ở địa phương một cách có tổ chức. Từ hạt nhân đó tiếp tục phát triển đảng ở các xã khác của châu Bắc Sơn.

          Cuối năm 1936 đến giữa năm 1938 là khoảng thời gian đồng chí Lương Văn Tri trực tiếp hoạt động tại địa bàn Bắc Sơn. Dưới sự lãnh đạo, tổ chức của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri và đồng chí Lê Xuân Thụ (do xứ ủy Bắc Kỳ cử về), công tác xây dựng cơ sở Đảng ở Bắc Sơn chú trọng, đẩy mạnh. Bên cạnh việc củng cố, kiện toàn chi bộ Bắc Sơn ngày càng vững mạng, các đồng chí đã tăng cường, mở rộng các cơ sở đảng ở châu Bắc Sơn. Sách Lịch sử đấu tranh Cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Bắc Sơn (1930-1945) cho biết: “Chi bộ Bắc Sơn đã được củng cố kiện toàn về cả chất lượng lẫn số lượng. Các tổ chức Đảng và phong trào của nhân dân Bắc Sơn đã phát triển cả bề rộng lẫn cả bề sâu…”[3]. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm chú trọng, phát triển mạnh mẽ dẫn đến sự ra ra đời của Ban cán sự châu ủy Bắc Sơn (tháng 5/1938) và hàng loạt chi bộ ở Bắc Sơn vào cuối năm 1938 như: chi bộ xã Vũ Lăng, Hữu Vĩnh, Hưng Vũ, Vĩnh Yên, Vũ Địch, Bắc Sơn, Chiêu Vũ, Ngư Viễn, Vũ Lễ… Ban cán sự châu ủy Bắc Sơn và các chi bộ Đảng ở đây là tổ chức trực tiếp lãnh đạo, chỉ phong trào Cách mạng Bắc Sơn. Vai trò của tổ chức đảng và các đảng viên ở Bắc Sơn trong khởi nghĩa được thể hiện rất rõ nét:

- Ngày 26/9/1940, cuộc họp ở đình Nông Lục (xã Hưng Vũ) giữa các đồng chí đảng viên mới thoát khỏi nhà tù trở về (Hoàng Đình Ruệ, Nông Văn Cún) với chi bộ Hưng Vũ đã đưa ra quyết định chủ trương, kế hoạch khởi nghĩa.

- Hội nghị giữa các tổ đảng và các chiến sĩ cộng sản từ Lạng Sơn trở về tổ chức sáng ngày 27/9/1940 đã thông qua chủ trương khởi nghĩa và và quyết định phát động đấu tranh vũ trang ngay ngày hôm đó.

- Ban chỉ huy khởi nghĩa, Ban phụ trách trận đánh đồn Mỏ Nhài (mở đầu cho khởi nghĩa) là những đảng viên cốt cán của các chi bộ ở Bắc Sơn: Hoàng ăn Hán, Dương Công Bình, Hoàng Đình Ruệ, Đường Văn Thức, Thái Long…

Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và phong trào cách mạng Bắc Sơn trước và sau đó luôn đặt dưới sự chỉ đạo của tổ chức đảng, gắn liền với các đảng viên. Họ luôn là lực lượng nòng cốt, tiên phong của phong trào. Đồng chí Lương Văn Tri là người đã cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ gieo những “hạt giống đỏ” đầu tiên trên mảnh đất Bắc Sơn giàu truyền thống; xây dựng, phát triển tổ chức đảng ở Bắc Sơn đủ mạnh mẽ, vững vàng để lĩnh hội, gánh vác vai trò, sứ mệnh lớn lao của lịch sử.

          3. Tổ chức, chỉ đạo phong trào Cách mạng phát triển ngày càng mạnh mẽ, tạo lực lượng Cách mạng cho khởi nghĩa Bắc Sơn:

          Thời kỳ hoạt động ở Bắc Sơn, bên cạnh việc xây dựng tổ chức đảng, phong trào quần chúng, đồng chí Lương Văn Tri đã nỗ lực tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng ở đây. Đặc biệt là từ khi Bắc Sơn có chi bộ Đảng. Thông qua chi bộ đảng, đồng chí Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ đã tích cực lãnh đạo phong trào quần chúng của Bắc Sơn chống lại áp bức bóc lột, đòi các quyền tự do dân chủ. Cụ thể là kiện một số lý trưởng tự tiện tăng thuế thu chi hàng xã, thuế ngoại phụ, thuế điền; kiện bọn tổng, lý hà hiếp nhân dân trong việc bắt phu, bắt lính, thu thuế. Bên cạnh đó còn vận động nhân dân chống đi phu, đánh đập phu phen, tạp dịch… Lãnh đạo quần chúng đấu tranh công khai dưới các khẩu hiệu như “chống phát xít”, chống phản động”, đòi quyền tự do đi lại giữa các vùng… Dưới sự đấu tranh quyết liệt của quần chúng, nhiều tên chức sắc tay sai khét tiếng ở các xã như Chánh Hương (xã Vũ Lăng), Lý Cơ (xã Hữu Vĩnh)… đã phải nương tay, chùn bước; một số tên đã phải chấp nhận các yêu sách chính đáng của nhân dân. Có thể thấy, phong trào quần chúng của Bắc Sơn đã diễn ra dưới nhiều hình thức ngày càng phong phú, thiết thực và hiệu quả hơn. Qua đó có tác dụng thức tỉnh tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân; từng bước tôi luyện bản lĩnh, phương pháp đấu tranh cách mạng của họ - những yếu tố quan trọng dẫn đến cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn sau này. Khi quần chúng đã được giác ngộ cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phương pháp đấu tranh hiệu quả thì việc vùng lên khởi nghĩa, lật đổ chính quyền tay sai phong kiến là một hệ quả tất yếu của phong trào Cách mạng Bắc Sơn. Từ cuối tháng 11/1939, đồng chí Lương Văn Tri được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, trở về TW chỉ đạo phong trào Cách mạng của Bắc Kỳ. Theo các tư liệu lịch sử, phong trào cách mạng ở Bắc Sơn luôn nhận được sự quan tâm của, chỉ đạo sát sao của Xứ ủy về phương hướng hoạt động, biện pháp vận động quần chúng đấu tranh... Trong thời gian này, phong trào đấu tranh của nhân dân Bắc Sơn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Nhiệm vụ trung tâm của phong trào lúc này là vận động, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân thành một lực lượng cách mạng rộng lớn, sẵn sàng đón lấy thời cơ mới. Lúc này, “Chi bộ các xã đã đã nhanh chóng tổ chức các đội tự vệ. Nhiều thanh niên, phụ nữ các dân tộc trong huyện đã hăng hái tham gia tự vệ. Họ bỏ tiền ra mua sắm súng kíp, kiếm, mã tấu, gậy gộc… để trang bị cho mình[4]. Khi khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra ngày 27/9/1940, các đội tự vệ có trang bị vũ khí này chính là thành phần, lực lượng quan trọng tham gia đánh đồn Mỏ Nhài, cướp chính quyền về tay nhân dân. Sự chỉ đạo cách mạng Bắc Sơn của Xứ ủy Bắc Kỳ khi đó luôn có sự tham gia của đồng chí Lương Văn Tri với vai trò là Ủy viên Ban Thường vụ xứ ủy. Đóng góp của đồng chí Lương Văn Tri trong việc tổ chức, xây dựng lực lượng cách mạng cho cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn là vấn đề hết sức quan trọng, góp phần quyết định thành công của cuộc khởi nghĩa.    

4. Trực tiếp tham gia củng cố, duy trì phong trào sau khởi nghĩa Bắc Sơn:

Ngày27/9/1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn) bùng nổ vàgiành thắng lợi. Ít lâu sau, thực dân Pháp đã thỏa hiệp, câu kết với Phát xít Nhật quay trở lại đàn áp lực lượng khởi nghĩa. Trước tình hình đó, Trung Ương Đảng đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh, Uỷ viên Ban Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ về Bắc Sơn trực tiếp lãnh đạo phong trào và  hướng cuộc khởi nghĩa vào mục tiêu xây dựng lực lượng để chiến đấu lâu dài. Ngày 14/10/1940, cuộc họp tại Sa Khao (xã Tân Hương) đã quyết định thành lập đội du kích Bắc Sơn trên cơ sở tập hợp đảng viên và một số quần chúng tích cực. Ngày 16/10/1940, tại làng Đon Úy, xã Vũ Lăng, đồng chí Trần Đăng Ninh đã tuyên bố thành lập đội du kích Bắc Sơn. Hội nghị Trung ương Đảng họp ngày 06 đến ngày 09/11/1940 tại Đình Bảng, Bắc Ninh đã quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn, phát triển lực lượng, tiến tới thành lập căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai. Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng được giao nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này.

Tháng Giêng năm 1941, đồng chí Lương Văn Tri được Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ phân công làm Chỉ huy trưởng đội Du kích Bắc Sơn, triển khai kế hoạch của Trung ương xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Trung tâm căn cứ du kích đặt tại rừng Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn). Đồng chí đã trở thành cán bộ cốt cán duy trì, củng cố phong trào thời gian sau khởi nghĩa Bắc Sơn.

Với chức trách được giao, đồng chí đã chủ động nắm bắt tình hình hoạt động, những khó khăn của các cơ sở quần chúng cách mạng ở Bắc Sơn để chỉ đạo hoạt động. Đồng thời nhanh chóng bắt tay vào tập hợp, củng cố đội du kích Bắc Sơn, thành lập các đội tự vệ, sắm thêm vũ khí, tổ chức luyện tập theo kỹ chiến thuật đánh du kích cho các đội viên. Tại căn cứ du kích, đồng chí đã chỉ đạo mở một số lớp huấn luyện quân sự, chính trị cho Đội du kích Bắc Sơn, các học viên được tuyển chọn từ các xã của châu Bắc Sơn và cán bộ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh. Nội dung huấn luyện gồm những kiến thức cơ bản về chiến thuật quân sự, công tác vận động quần chúng; tuyên truyền, tổ chức quần chúng đấu tranh từ hình thức thấp đến cao, từ đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh vũ trang. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng, củng cố căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, đội du kích Bắc Sơn do đồng chí chỉ huy còn tích cực tiến hành tuyên truyền trên địa bàn, cùng với nhân dân tăng gia sản xuất, đảm bảo lương thực, thực phẩm, mở rộng phạm vi hoạt động sang các huyện lân cận, bí mật gây dựng lại các cơ sở Đảng và quần chúng…

Với sự nỗ lực của đồng chí Lương Văn Tri và các đồng chí cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ về tăng cường, chỉ trong một thời gian ngắn, cơ sở cách mạng ở Bắc Sơn (Lạng Sơn), Võ Nhai (Thái Nguyên) đã có bước phát triển mới. Vùng rừng núi hiểm trở có địa thế nối liền nhau thuộc các xã Vũ Lăng, Vũ Lễ, Hữu Vĩnh, Ngư Viễn (Bắc Sơn) và Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá (Võ Nhai) đã trở thành khu căn cứ địa vững mạnh của Đội du kích, trong đó căn cứ Khuổi Nọi là trung tâm. Từ đây có thể triển khai nhanh chóng lực lượng đến Võ Nhai sang Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), xuống Yên Thế (Bắc Giang), lên Na Rì (Bắc Cạn), qua Hữu Lũng, Bằng Mạc (Lạng Sơn). Các lớp huấn luyện quân sự, huấn luyện chính trị của Xứ uỷ Bắc Kỳ do đồng chí Lương Văn Tri phụ trách được mở tại căn cứ Khuổi Nọi đã đào tạo được nhiều cán bộ cho phong trào cách mạng các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang... Từ đội du kích đầu tiên được đồng chí Trần Đăng Ninh thành lập đã hình thành trung đội du kích Bắc Sơn. Phong trào cách mạng ở Bắc Sơn sau thời gian bị thực dân Pháp khủng bộ đã được khôi phục và phát triển, tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự hình thành và phát triển phong trào cách mạng ở các châu lân cận như Bình Gia, Bằng Mạc và Hữu Lũng.

Tháng 2 năm 1941, đoàn đại biểu Trung ương Đảng gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh… trên đường đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập ở Pác Bó (Cao Bằng) đã dừng chân ở Khuổi Nọi, Vũ Lễ (Bắc Sơn). Tại đây, các đồng chí Trung ương đã họp với Đảng bộ Bắc Sơn và Ban chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn để nắm tình hình, phổ biến chủ trương của Đảng và các biện pháp công tác cần kíp. Đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ đã thông báo, phổ biến quyết định của Trung ương, đổi tên Đội du kích Bắc Sơn thành Cứu quốc quân.

Ngày 23 tháng 02 năm 1941, Đội cứu quốc quân I làm lễ chính thức thành lập tại căn cứ Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, gồm 32 cán bộ, chiến sĩ. Đây là đơn vị vũ trang đầu tiên của Đảng và dân tộc, tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí Lương Văn Tri được Trung ương chỉ định làm Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn. Ngay sau khi thành lập, đội Cứu quốc quân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa đường, bảo vệ an toàn cho đoàn cán bộ cao cấp của đảng đi dự Hội Nghị TW 8 ở Cao Bằng. .

Với vai trò người Chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Văn Tri đã tích cực quán xuyến, triển khai việc biên chế lại các tiểu đội của Cứu quốc quân Bắc Sơn; phân công cán bộ, chiến sĩ phụ trách các địa bàn, tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động, phát triển cơ sở quần chúng cách mạng, từng bước mở rộng khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Trung tâm căn cứ Khuổi Nọi được tăng cường bố trí lán trại, chuẩn bị thêm bãi tập để tiếp tục tổ chức các lớp huấn luyện quân sự, trang bị kiến thức cơ sở về quân sự cho lớp cán bộ quân sự đầu tiên của nhiều tỉnh, thành; phát hành bản tin “Du kích” do đồng chí là chủ bút để làm tài liệu tuyên truyền trong quá trình vận động, phát triển phong trào cách mạng, xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Với những việc làm tích cực đó, đội vũ trang đầu tiên của Đảng ngày càng trở nên chính quy hơn, căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai được xây dựng, củng cố vững chắc, trở thành chiến khu Cách mạng của cả nước. Tháng 6/1941, đội Cứu quốc quân do đồng chí Lương Văn Tri phụ trách tiếp tục làm nhiệm vụ đón tiếp và bảo vệ an toàn cho đoàn cán bộ TW Đảng đi họp Hội nghị TW 8 trở về, vượt qua sự lùng sục, khủng bố gắt gao của địch.

Tháng 7 năm 1941, trước yêu cầu hoạt động của Đội Cứu quốc quân và việc xây dựng củng cố căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ định Ban lãnh đạo mới của căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Đồng chí Phùng Chí Kiên, Uỷ viên Trung ương Đảng được Trung ương giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, kiêm Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn. Đồng chí Lương Văn Tri, Uỷ viên Ban Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ được Trung ương chỉ định làm Chính trị viên Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn.

Lo sợ trước hoạt động mạnh mẽ của Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn, ngày 25/7/1941, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn tiến hành một cuộc đàn áp, khủng bố khốc liệt quy mô lớn đối với căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Nhiều làng bản bị đốt phá, triệt hạ; quần chúng cách mạng bị bắt bớ tù đày, tra tấn dã man hoặc giết hại; dân làng bị dồn vào khu tập trung tại Đàng Lang, xã Quỳnh Sơn (nay là xã Bắc Quỳnh) để hòng “tát nước bắt cá”, tiêu diệt Đội cứu quốc quân Bắc Sơn. Tình hình trở nên nguy cấp do sự vây ráp, chênh lệch lực lượng giữa ta và địch. Trước tình thế đó, đồng chí Chỉ huy trưởng Phùng Chí Kiên, Chính trị viên Lương Văn Tri đã họp bàn với Đảng bộ Bắc Sơn quyết định rút toàn bộ Đội Cứu quốc quân ra khỏi Bắc Sơn. Trên đường rút quân, do có sự khai báo của một tên chánh tổng phản động ở châu Na Rì (Bắc Kạn), đồng chí Lương Văn Tri cùng các đồng chí của mình bị quân địch bao vây. Trong cuộc chiến không cân sức ấy, đồng chí Phùng Chí Kiên đã anh dũng hy sinh, đồng chí Lương Văn Tri trúng đạn bị thương nặng. Kẻ địch bắt giam đồng chí tại Ngân Sơn (Bắc Cạn) và đưa về giam giữ ở nhà tù của thực dân Pháp tại thị xã Cao Bằng. Do bị thương nặng, lại bị địch tra tấn dã man, ngày 29/9/1941, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà tù Cao Bằng. Từ đó, phong trào Cách mạng Bắc Sơn cũng tạm lắng xuống.

Có thể thấy, sự hình thành và phát triển của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940 luôn gắn liền với tên tuổi của Lương Văn Tri và nhiều chiến sỹ Cách mạng tiền bối khác như Hoàng Văn Thụ Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn.... Với lòng yêu nước, nhiệt huyết Cách mạng, bản lĩnh kiên cường, trí tuệ sắc sảo, đồng chí Lương Văn Tri đã không quản ngại khó khăn gian khổ, lăn lộn với phong trào, có những đóng góp tích cực với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nói riêng và phong trào Cách mạng Bắc Sơn nói chung. Những nỗ lực của đồng chí trong việc xây dựng, duy trì, củng cố cơ sở quần chúng, lực lượng cách mạng đã góp phần quan trọng ghi danh khởi nghĩa Bắc Sơn vào trang sử vàng của dân tộc, đưa Bắc Sơn trở thành một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam./.

--------------------------


 

[1] . Lịch sử đấu trnh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Bắc Sơn (1930-1954). Đảng bộ huyện Bắc Sơn. 1990:

[2] Đời hoạt động Cách mạng của chí Lương Văn Tri. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Văn Quan. Tr 36.

[3] Lịch sử đấu trnh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Bắc Sơn (1930-1954). Sđd. Tr 52

[4] Lịch sử đấu trnh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Bắc Sơn (1930-1954). Sđd. Tr 58

 

Nông Đức Kiên – Chu Quế Ngân 

Last modified on Thứ ba, 23 Tháng 2 2021 09:44

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 21

Tất cả 2839226

Videos

Liên kết website