Thứ năm, 18 Tháng 2 2021 10:17

Lễ hội Tà Lài, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn

Chùa Tà Lài (còn có nhiều tên gọi khác là chùa Bụt Bay hay chùa Thanh Hương) được người dân xứ Lạng và du khách thập phương ví như chùa Hương thu nhỏ thứ 2; bởi đây là ngôi chùa rất linh thiêng, cầu được ước thấy, xin sao được vậy.

Lh Tà lài1w

Du khách và nhân dân lễ chùa Tà Lài trong ngày Lễ hội (Ảnh TL)

Chùa Tà Lài được dòng họ Nguyễn Đình dựng lên từ thế kỷ XVIII, ghi danh tích Đô tổng binh sứ ty, Bắc quân Đô Đốc phủ Hữu đô đốc Nguyễn Đình Lộc. Chùa Tà Lài nằm ở lưng chừng núi Phia Chàu thuộc thôn Tà Lài, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, cách thành phố Lạng Sơn 20km.

Theo truyền thuyêt, sau một đêm mưa to gió lớn, gió giật, sấm chớp đùng đùng; sáng hôm sau trời quang mây tạnh người dân nghe tiếng chuông lạ vọng ra từ núi Phia Chàu. Các cao niên trong làng cử người đi kiểm tra thì phát hiện một quả chuông và một gắp gianh ở trong hang. Tiếp đó cử người sang hang Bó Chi thì thấy mất chuông, tranh tre đổ ngổn ngang. Do vậy, các cao niên cùng thống nhất cho lập chùa tại đây, vì thế chùa còn có tên là chùa Bụt Bay. Từ đó đến nay, chùa trải qua nhiều đợt tu bổ, tôn tạo để có được cảnh quan như hiện tại. Đặc biệt, năm 2006 chùa được tu bổ, tôn tạo với quy mô lớn, hệ thống cung thờ và tượng thờ được bổ sung phong phú hơn (cung Mẫu, cung Sơn Trang, các tượng mẫu...) thể hiện sự phối thờ "Tiền Thánh - Hậu Phật"

Lễ hội chùa Tà Lài được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm tại đám ruộng trước Chùa Tà Lài, cũng là ven đường quốc lộ 4A. Nhưng từ năm 1979 trở lại đây thì Lễ hội đã diễn ra không còn được nguyên vẹn như trước mà có phần biến đổi. Phần lễ và phần hội cũng đã được rút gọn đi khá nhiều. Trong những năm gần đây, Ủy ban nhân dân xã Tân Mỹ đứng ra thực hiện tổ chức lễ hội.

Lh Tà lài2w

Nhân dân và du khách tham dự Lễ hội Tà Lài

* Phần lễ: Khi đến ngày Lễ hội thì các gia đình thuộc 3 chi của dòng họ Nguyễn Đình trong thôn chuẩn bị mâm lễ của riêng mình từ ngày mùng 7 tháng Giêng để sáng sớm ngày mùng 8 tháng Giêng mang ra đám ruộng chuẩn bị làm lễ. Các gia đình thuộc các họ khác của làng cũng chuẩn bị lễ của riêng mình như vậy.

Mâm lễ gồm: 01 con gà trống thiến to, 01 miếng thịt lợn khoảng 7 - 8 lạng, 01 cặp bánh chưng cùng với bánh khẩu sli, khúc pét, chè lam, rượu, hoa quả.

Sau khi mang lễ ra đám ruộng trước chùa sẽ có một ông Pú Mo được dân làng cử ra cúng xin lộc, cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu...

* Phần hội: Cứ đến đúng ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm người dân nô nức kéo đến đám ruộng gần chùa Tà Lài để dự hội. Không chỉ có người dân tại bản tham gia hội mà còn có một số làng, bản gần đó cũng tới chung vui cùng.

Lh Tà lài3w

Các trò chơi dân gian được tổ chức tại Lễ hội Tà Lài (ảnh TL)

Trong ngày hội Tà Lài có diễn ra một số trò chơi dân gian phục vụ nhân dân địa phương. Các trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian diễn ra tại lễ hội gồm: Múa sư tử, đánh quay, kéo co, hát sli, lượn cả đêm hội.

- Múa sư tử: Đến đúng ngày hội sẽ có một vài đội múa sư tử từ các xã lân cận sang chung vui ngày hội như xã: Thanh Long, Tân Thanh, Thạch Đạn (Cao Lộc)... sang góp vui cho hội, đội múa sư tử này gồm khoảng 9 đến 13 người. Để phục vụ cho buổi biểu diễn thành công thì đội sư tử này cần tập hợp nhau lại và tập luyện khoảng nửa tháng, khi qua xã Tân Mỹ múa thì đội sư tử chuẩn bị đầy đủ về nhân lực cũng như các đạo cụ phục vụ cho bài múa sư tử gồm: 01 đầu sư tử, 02 mặt nạ khỉ, 01 mặt ông béo, 01 quạt, 01 gậy để múa, trang phục biểu diễn là quần áo bình thường. Khi các đội múa sư tử này đến múa góp vui cùng nhân dân ở đây thì nhân dân trong thôn sẽ phân công nhau góp thực phẩm lại để mời đội múa sư tử này hai bữa cơm trưa và chiều thịnh soạn cùng một chút tiền mặt để cảm ơn.

Đội múa sư tử đến đúng ngày hội và diễn trong một ngày, sẽ xin phép ra về và hẹn gặp lại vào mùa hội năm sau.

- Đánh quay: Mỗi người tham gia trò chơi đều cần chuẩn bị 1 con quay thật chắc cùng với dây quấn con quay để thực hiện trò chơi. Luật chơi sẽ là thi xem ai quay được con quay lâu nhất sẽ là người thắng cuộc. Những người tham gia chơi theo hiệu lệnh cùng bổ con quay xuống mặt sân chơi, âm thanh phát ra từ những con quay nghe rất vui tai. Chơi biểu diễn còn có thể vẽ một vòng tròn trên mặt đất rồi cho con quay quay trong đó.

- Hát sli, lượn: Đây là hình thức diễn xướng dân gian của hai dân tộc Nùng và Tày không thể thiếu mỗi khi mùa hội đến ở địa phương. Mỗi dịp hội đến cũng là lúc nhân dân trong các độ tuổi trung niên và thanh niên đến để hát giao duyên với nhau, hát các bài hát với nhiều nội dung phong phú như: Ca ngợi tình yêu đôi lứa, cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước, của mùa màng tốt tươi ở địa phương, ca ngợi Đảng, nhà nước, lời hát giống như những lời tâm sự, giãi bày, động viên nhau tăng gia sản xuất, cũng là dịp để gắn kết tình cảm giữa con người với con người với nhau hơn, tăng cường đoàn kết trong nhân dân. Người dân sẽ hát ở hội trọn một ngày diễn ra hội.

Các gia đình ở khu vực có hội sẽ tổ chức ăn uống để mừng hội, đây là cơ hội để chủ nhà mời anh em họ hàng của gia đình ở xa tới chơi hội, dùng bữa cơm thân mật cùng gia đình và thăm hỏi nhau, gia đình sẽ thết đãi khách với nhiều món ăn thịnh soạn hơn những bữa ăn hàng ngày.

Lễ hội chùa Tà Lài đông nhất từ khoảng 9h sáng kéo dài đến khoảng 16h chiều. Nổi tiếng linh thiêng, chùa Tà Lài thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tới thăm quan, cầu tài, cầu lộc. Trong ngày diễn ra lễ hội, du khách đứng chật cứng cầu khấn tại chùa Tà Lài. 

Trải qua nhiều biến cố và thăng trầm của lịch sử, chùa Tà Lài vẫn luôn tồn tại cùng thời gian, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương và du khách thập phương. Lễ hội chùa Tà Lài là lễ hội hấp dẫn du khách hành hương không thể bỏ qua trong dịp lễ đầu năm tại xứ Lạng./.

                                   Vy Thị Bích Hạnh

Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Last modified on Thứ ba, 08 Tháng 2 2022 16:26

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 18

Tất cả 2839223

Videos

Liên kết website