Thứ ba, 16 Tháng 2 2021 15:38

Lễ hội Đình Làng Mỏ thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn

Huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn là vùng đất chứa trong mình nhiều lớp di sản văn hóa mang đậm chứng tích của vùng biên thùy, cửa ngõ của kinh đô đất Việt trong ngàn năm qua. Xã Quang Lang xưa nay là thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn chính là tên vùng đất Quang Lang- Chi Lăng đã trường tồn ngàn năm cùng lịch sử nước nhà (trải qua các triều vua Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn…).

Ngày nay, khi đến với mảnh đất anh hùng Quang Lang- Thị trấn Đồng Mỏ- Chi Lăng lịch sử ta sẽ được thấy những nét di sản văn hóa đậm bản sắc dân tộc còn lưu lại nơi đây. Lịch sử mãi mãi khắc ghi và lưu truyền những di sản văn hóa nơi vùng đất địa đầu Tổ quốc; minh chứng là sau hàng trăm năm các di tích và lễ hội vẫn còn trường tồn với thời gian. Tìm hiểu về lễ hội đình Làng Mỏ, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng sẽ là một lát cắt cho ta thấy được nét đẹp truyền thống văn hóa của mảnh đất Chi Lăng lịch sử.

Vào ngày 7 tháng giêng hàng năm nhân dân (xã Quang Lang xưa) thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn lại mở hội xuống đồng với nghi thức tập tục là hạ cây nêu ngày tết và cúng lễ ở đình Làng Mỏ (Khu Hữu Nghị- thị trấn Đồng Mỏ), đền Cấm (khu Hòa Bình, thị trấn Đồng Mỏ).

* Quá trình ra đời, tồn tại của lễ hội

Chuyện xưa kể rằng, ở Thôn Đông Mồ - Quang Lang có một vị quan triều đình nổi tiếng là liêm khiết, chính trực tên Lư Văn Lá; Có 1 năm ông được cử đi sứ khi trở về nghe dân làng than phiền, oán trách ông có người con trai 16 tuổi gây nên tội, cậu đi chăn trâu vì quá nghịch nên đã ném cành gai găng xuống vực lốc, nơi mà trẻ chăn trâu thường hay tắm, đến mùa hè, trẻ con trong làng nhảy xuống tắm nhưng mắc phải gai găng không bơi lên được, làm chết mất 6 trẻ nhỏ. Ông nghe xong vô cùng tức giận, nghĩ không dạy được con thì làm sao nói với dân chúng được; “Tiền trị gia, hậu trị quốc” ông phạt con trai mình phải nhảy xuống vực lốc dòng Sông Thương chết, người vợ thấy thế thương xót con quá cũng nhảy xuống đó chết theo. Ông đề nghị với dân cho cởi áo từ quan, rồi ra khu vực Đền Cấm chết ở đó, dân làng nhớ ơn công lao và phẩm chất chính trực của ông đã xây đền thờ ông tại chính nơi ông mất ( là Đền Cấm ngày nay), ngài trở thành thần đã được sắc phong Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9(1924) phong “ Sắc cho thôn Lang Mỏ xã Quang lang tổng Quang lang châu Ôn tỉnh Lạng Sơn phụng thờ Tăng sơn Chung anh Mỏ nha Hiển linh Tôn Thần. Thần đã giúp nước giúp giúp dân, tỏ rõ linh ứng, từng được ban cấp sắc phong, chuẩn cho phụng thờ. Nay đúng dịp tứ tuần đại khánh tiết của trẫm, vậy ban chiếu ân lớn, lễ có nâng bậc, nên phong Tú nghi Dực bảoTrung hưng tôn thần, chuẩn cho phụng thờ. Thần hãy giúp đỡ, bảo hộ dân ta, hãy nhận” (Theo tài liệu TT-TS FQ4018/ xxx ll,5 Viện TTKHXH TTTS: 17151) . Và đình Làng Mỏ thờ ông Đại Huề (một vị thủ lĩnh người bản địa đã tham gia chống quân Minh cùng triều Lê tại vùng đất Quang Lang- Chi Lăng -theo lời kể của cụ ông Lô Thế Minh nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo huyện Chi Lăng - 89 tuổi tại xã Quang Lang). Ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm dân làng xin phép cả hai ông mở hội xuống đồng. Đây là thời gian sắp bước vào mùa vụ, dân làng tổ chức hội để cầu mùa màng trong 1 năm thuận lợi, mùa vụ bội thu.

LH Đình làng Mỏ 

Rước Ngài tại Đền Cấm- thị trấn Đồng Mỏ ( Ảnh TL)

Lễ Hội Làng Mỏ đã có từ lâu đời và được tổ chức hàng năm. Do điều kiện khách quan, chủ quan trong và sau khi đất nước ta đi qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ việc tổ chức lễ hội đã bị mai một và không được duy trì. Chiến tranh đã phá hoại đình Làng Mỏ vào năm 1968, sau khi đình mất, lại thêm chiến tranh loạn lạc, li tán, lễ hội thu hẹp dần mà mất hẳn. Còn tục cúng xuống đồng vào ngày 7 tháng giêng âm lịch hàng năm tại Đền Cấm được duy trì lại từ năm 2000 đến nay. Sau năm 1998 thực hiện Nghị quyết trung ương 5 khóa 8 của Đảng nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và các cấp chính quyền di sản dần được bảo vệ. Nhân dân xã Quang Lang và thị trấn Đồng Mỏ hiện nay đã thành lập ban vận động khôi phục Đình Làng Mỏ; vận động dân làng, các tổ chức và các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí xây lại Đình Làng Mỏ(được một gian hậu cung) và đền Cấm, các di tích đã một phần được phục dựng. Năm 2015 Lễ hội đình Làng Mỏ được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn phục dựng thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia. Khôi phục Đình Làng Mỏ và khôi phục lễ hội xuống đồng là niềm mong mỏi của người dân quê hương Chi Lăng, đặc biệt là những người con xa quê hương.

 LH Đình làng Mỏ 1

Lễ rước thành hoàng qua thị trấn Đồng mỏ trong ngày Hội Đình Làng Mỏ (Ảnh TL)

*Nội dung trình tự lễ hội

Chia hai phần: phần lễ phần hội.

Phần lễ: Quá trình chuẩn bị (nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện khác) Chuẩn bị về nhân lực: Thành lập Ban Tổ chức lễ hội (UBND thị Trấn Đồng Mỏ (xã Quang Lang cũ) quản lý), phân công nhiệm vụ và các công việc cụ thể cho từng thành viên, lập kế hoạch và lên kịch bản lễ hội.Chọn Ban tế lễ (còn gọi là Quan viên tế lễ) bao gồm 1 ông lềnh trưởng, 4 ông phụ (gọi là góa) (5 ông này có tuổi từ 49 đến 50), 4 thanh niên chưa vợ (17 tuổi, nếu đến 18 tuổi mà không có người thay thì vẫn phải làm); đội rước cờ, rước kiệu; đội giúp việc...Chuẩn bị về vật lực: Kinh phí tổ chức lễ hội do nhân dân địa phương đóng góp; Kiệu, được lau chùi, các bộ cờ quạt được bổ sung hoặc giặt sạch, phục trang phục vụ quá trình hành lễ, rước kiệu, nhạc cụ, phục vụ tế lễ; dụng cụ phục vụ cúng tế, đạo cụ diễn văn nghệ, đạo cụ phục vụ trò chơi (Trống, Chiêng). Lễ vật cúng tế: Các gia đình thay phiên nhau đóng phần lễ chung của cả làng (cắt cay lần), và các suất đinh đóng để thịt 1 con lợn. Ngoài ra mỗi gia đình còn phải chuẩn bị 1 mâm cúng riêng, tùy theo khả năng kinh tế của mỗi người. Nội dung chính phần lễ (số lượng người tham gia tế lễ (chủ tế, hội đồng tế và các đối tượng khác), các loại lễ và các bước quy trình tế lễ, khái quát nội dung chúc văn, diễn văn liên quan đến phần tế lễ....). Sáng sớm hôm mùng 7 tháng Giêng, các đoàn đã được phân công trước sẽ tổ chức đi rước, do 1 ông lềnh chỉ huy. Dân làng sẽ chuẩn bị 2 cỗ xôi 2 con gà để cúng tại Đình Làng Mỏ và Đền Cấm (mỗi ông 1 cỗ xôi con gà) để xin phép mở hội và rước 2 ông ra vui hội cùng dân làng. Đoàn rước chính cúng ở Đình Làng Mỏ trước để rước ngai ông Đại Huề ra kiệu, rồi vòng sang rước bên Mỏ Bạo để rước Bà Nàng (2 người con gái của ông Đại Huề) và sang Đền Cấm (Khu vực đền ngày xưa yên tĩnh, mát dịu với những gốc xoài và vải rừng cổ thụ 2 người ôm, Ở khu vực đền thì chỉ 3 giờ chiều là không có ánh nắng do dãy núi đá Cai Kinh che ở phía tây. Dòng suối sau khi chảy qua bên cạnh bia "hạ mã" thì mở rộng ra cạnh sân vận động với gờ tường ngang ngực rồi lượn vòng quanh các vườn rau. Không khí luôn nhẹ nhàng, mát dịu và gió nhẹ) để rước sắc phong của ông Lư Văn Lá, đặt cả hai ông ngồi chung 1 kiệu, sắc phong và ngai để trên Kiệu sẽ được phủ vải đỏ, có lọng che. Nghè Ao Làng và Nghè Khun Phang là nhánh rước nhỏ nên được cúng riêng và rước riêng, chỉ rước bát hương chứ không có kiệu. Kiệu để rước hai ông và bàn để rước bát hương đều do con trai chưa vợ rước (mỗi nhánh 4 người), con gái khoảng 15 tuổi, chưa chồng sẽ cầm cờ, mỗi đoàn còn có 1 cái trống và thanh la vừa đi vừa đệm nhạc, tạo không khí tươi vui cho đoàn rước. Thời gian rước khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng, sau khi kết thúc hội thì dân làng lại rước các Ngài về các Đình, Đền, Miếu. Các đoàn rước hội tụ tại bãi trước Đền Cấm, gọi là Nà Phẹc (hay cánh đồng Nà Đon), một vài năm thì lại được tổ chức ở Ao nhà ( gần Đình làng Mỏ- Nà Coóc- khu Đông Mồ hiện nay).

LH Đình làng Mỏ 2

Đón Bát hương tại sân đình Làng Mỏ trong ngày hội ( Ảnh TL)

Ở ngoài đồng, dân làng sắp mâm tế lễ giữa trời, mâm lễ bao gồm cỗ chung và cỗ riêng, bao gồm gà, xôi rượu (các lễ này không có thịt lợn). Lễ chung gọi là “cay lần” (tiếng dân tộc Tày), được các nhà lần lượt đóng để sau khi cúng xong phân phối cho các ông phục vụ lễ hội. Lễ riêng là mỗi gia đình chuẩn bị 1 cỗ to, trang trọng, đầy đủ các món ăn với các nguyên liệu sẵn có, đặc sản của địa phương để thi cỗ, thi cỗ từ 12 đến 15 món ăn, sau khi cúng lễ và thi xong nếu có khách sẽ mời khách, không có khách thì mang cỗ về chứ không tổ chức ăn uống ngoài đồng. Ban tế lễ ở dưới đồng khoảng 4 đến 8 người gồm 1 ông lềnh, 4 ông góa và 4 thanh niên chưa vợ phụ giúp tổ chức cúng tế. Đồng thời, dân làng cũng chuẩn bị trước 1 cái bàn và có 1 ông đồng để nhập hồn, ông đồng phải là người vía nhẹ, có thể nhập hồn. Ông đồng khoác khăn đỏ trên vai và bắt đầu nhập đồng (Thánh nhập) để phán dân tình làm ăn. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết nhưng thường đến 4 giờ chiều thì mới hạ lễ ngoài đồng. Ở trên Đình Làng Mỏ, Ban tế lễ khoảng 12 người, đứng thành 3 hàng, đều có tuổi từ 51 trở lên (Ban tế lễ này không tế lễ ngoài cánh đồng) Lễ vật là 1 thủ lợn luộc được tế trên điện cao nhất, thân lợn để chế biến thành các cỗ, cùng với đủ các bộ phận bên trong (lòng, gan, tim...) và xôi, rượu đặt ở các ban thờ khác (khoảng 7 – 8 cỗ). Con lợn này được dân làng đóng góp, sau khi làm cỗ để đặt lễ, phần còn lại sẽ được chia đều cho các suất đinh, nhà nào không tới dự thì phải mang đến tận nhà cho họ vì họ đã góp tiền để mua con lợn đó. Ở Đền Cấm và Đền Mỏ Bạo chỉ đặt cỗ xôi con gà chứ không tổ chức tế lễ ( ngày nay quốc thái dân an, nhân dân làm làm ăn hưng vượng hơn nên lễ tế cũng nhiều hơn).

 LH Đình làng Mỏ 3

Thắp hương lễ thành hoàng trong ngày Hội Đình Làng Mỏ (Ảnh TL)

 Phần hội: Quá trình chuẩn bị (nhân lực, cơ sở vật chất, thành phần tham gia và các điều kiện khác). Nhân lực: thành lập tiểu ban tổ chức trò chơi, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên: đội chuẩn bị dụng cụ và sân bãi, đội chuẩn bị câu hỏi, đội chuẩn bị phần thưởng, chủ trò... Vật lực: Sân bãi, dụng cụ: gậy, dây thừng, phần thưởng. Phần trò chơi dân gian “Ném còn” được nhiều người tham gia chú ý. Quả "còn" hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao, trên đỉnh có “vòng còn” hình tròn (khung còn), khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Cả mặt giấy là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt qua vòng còn trên đỉnh cột là thắng cuộc. Ném còn làm cho người trong cuộc hào hứng, người đứng ngoài hò reo cổ vũ khiến không khí cuộc chơi rất sôi nổi, hấp dẫn. Ném còn là trò chơi không những thu hút nam nữ thanh niên mà nhiều người lớn tuổi cũng rất thích. Trò vui này mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong giao hoà âm- dương, mùa màng tươi tốt. Ngoài ra vào một số năm, dân làng còn mời nhà tơ ( hát Chèo) về hát...

 LH Đình làng Mỏ 4

Đình Làng Mỏ trong ngày lễ hội ( Ảnh TL)

Lễ hội đươc tổ chức là bảo lưu, trao truyền giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khơi dậy, phát huy tiềm năng, giá trị di sản văn hóa hướng tới hình thành một số vùng không gian văn hóa - di sản tiêu biểu, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh; huy động các nguồn lực để đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, dịch vụ, an ninh, quốc phòng, giao lưu đối ngoại theo hướng phát triển nhanh và bền vững./.

                                           Vi Thị Quỳnh Ngọc

Bảo Tàng tỉnh Lạng Sơn

Last modified on Thứ ba, 08 Tháng 2 2022 16:26

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 98

Tất cả 2837178

Videos

Liên kết website