Thứ ba, 21 Tháng 7 2020 07:33

SƯU TẦM VÀ BẢO QUẢN HIỆN VẬT: GIỮ GÌN CHO MUÔN ĐỜI SAU

(LSO) – Nằm trong tiểu vùng văn hóa Xứ Lạng, Lạng Sơn hiện đang nắm giữ khối lượng lớn hiện vật quý giá, phản ánh quá trình xây dựng và phát triển của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc. Thời gian qua, để công tác sưu tầm, bảo quản hiện vật đạt hiệu quả, Bảo tàng tỉnh đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực góp phần gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của đất và người Xứ Lạng cho muôn đời sau.

 

Phòng trưng bày của Bảo tàng tỉnh trưng bày thường xuyên 1.330 hiện vật, tài liệu ảnh, phục vụ nhu cầu tham quan, học tập và nghiên cứu của mọi tầng lớp Nhân dân. Tại đây, những hiện vật thuộc nhiều loại hình khác nhau được sắp xếp gọn gàng, theo từng chủ đề, giai đoạn lịch sử. Từ những mảnh gốm của nền văn hóa Mai Pha, trang phục dân tộc Nùng, bộ nhạc cụ dân tộc Tày… đều được bảo quản kỹ lưỡng. Mỗi hiện vật tại đây đều ẩn chứa những thông điệp vô giá của lịch sử, phản ánh đời sống, phong tục, tập quán sản xuất của tiền nhân.

Chị Lương Thúy Hồng, cán bộ Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh cho biết: Mỗi ngày hai lần, tôi quét dọn, lai chùi các hiện vật không có lồng kính tại nhà trưng bày để tránh bụi, bẩn bám vào. Đối với những hiện vật giá trị, tôi phải sử dụng găng tay khi vệ sinh để tránh hao mòn hiện vật.

 2-6

Cán bộ phòng Nghiệp vụ Bảo tàng vệ sinh hiện vật tại Nhà trưng bày, Bảo tàng tỉnh

Tính đến tháng 6/2020, Bảo tàng tỉnh có 74.588 tài liệu, hiện vật được sưu tầm, kiểm kê, bảo quản đang được lưu giữ trong kho, gồm hiện vật: khảo cổ, văn hóa dân tộc, cách mạng… với nhiều chất liệu khác nhau như: đá, kim loại, đồ dệt, sành sứ, đồ mộc. Trong đó, có 11.983 hiện vật gốc đã tiến hành lập hồ sơ đăng ký kiểm kê khoa học; 48.287 hiện vật tham khảo đã đăng ký; 14.318 hiện vật chờ xác định để đăng ký; 999 ảnh tư liệu, tư liệu đã đăng ký. Đặc biệt, 90% hiện vật đã đăng ký, kiểm kê được quản lý bằng phần mềm “Quản lý thông tin hiện vật” trên không gian mạng.

Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác sưu tầm, bảo quản hiện vật, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu thăm quan, hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, trong thời gian qua, Bảo tàng tỉnh luôn quan tâm, triển khai nhiều giải pháp cụ thể và đồng bộ. Cụ thể, hằng năm, Bảo tàng ban hành kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm di vật, hiện vật về lịch sử tự nhiên và xã hội của tỉnh để gìn giữ, bảo quản. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp chặt chẽ với một số tổ chức, đoàn thể như hội Cựu chiến binh, thanh niên xung phong… trong công tác sưu tầm hiện vật lịch sử cách mạng nhằm rút ngắn thời gian khảo sát. Đồng thời tích cực vận động quần chúng Nhân dân đóng góp, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng. Ngoài ra, trong giai đoạn 2016 – 2020, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức 8 đợt khảo sát khảo cổ tại các huyện: Hữu Lũng, Bắc Sơn.

 

Ngoài ra, để những hiện vật này “kể” được câu chuyện của quá khứ, Bảo tàng tổ chức 34 cuộc trưng bày, triển lãm giới thiệu đến khách thăm quan những hiện vật có giá trị góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa, đất và người xứ Lạng. Chị Lương Hồng Loan, khối 7, trị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc cho biết: Những ngày cuối tuần, tôi thường đưa con đến Bảo tàng tỉnh để tìm hiểu kết hợp trải nghiệm. Tôi thấy hiện vật, hình ảnh, tài liệu ở đây được trưng bày rất đẹp mắt, phù hợp, dễ dàng tiếp cận thông tin. Có nhiều hiện vật rất gần gũi với tôi như: máy quạt thóc, áo người Nùng… Tôi sẽ đưa con quay trở lại đây nhiều hơn nữa để các con mở mang kiến thức về lịch sử, văn hóa Lạng Sơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình sưu tầm, bảo quản tài liệu hiện vật, các cán bộ Bảo tàng tỉnh gặp phải một số khó khăn như: địa bàn rộng, đi lại khó khăn; kinh phí cấp cho hoạt động sưu tầm còn hạn hẹp; các hiện vật, đặc biệt là dân tộc học mai một nhiều nên rất khó có thể sưu tầm được hiện vật gốc; trang thiết bị bảo quản tại kho chưa được đầu tư đồng bộ, còn lẻ tẻ, thiếu chuyên nghiệp…

Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh sưu tầm, bảo quản, lập hồ sơ khoa học các tài liệu, hiện vật, trong đó, ưu tiên các tài liệu, hiện vật trọng điểm về lịch sử cách mạng, dân tộc học và hiện vật thể khổi lớn còn thiếu so với đề cương trưng bày năm 2003 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và Trung ương tổ chức thám sát, khai quật mở rộng các di tích khảo cổ học. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2020, chúng tôi sẽ nghiên cứu phục chế hiện vật trang phục truyền thống, đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức, đồ hành lễ… của các dân tộc: Cao Lan, Sán Chỉ, Hmông đen, Dao Thanh Y huyện Lộc Bình, Đình Lập, Tràng Định, Hữu Lũng.

Tin tưởng rằng, với việc phát huy kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn, trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác sưu tầm, bảo quản hiện vật để gìn giữ những giá trị truyền thống cho muôn đời sau.

 

Nguồn: BaoLangson.vn

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 77

Tất cả 2837257

Videos

Liên kết website