Thứ sáu, 23 Tháng 11 2018 09:53

CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU, KIỂM KÊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

   Lạng Sơn – miền địa đầu Tổ Quốc là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời. Nơi đây có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa ghi dấu những chiến công oanh liệt của dân tộc, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Ải Chi Lăng, động Nhị - Tam Thanh – Núi Tô Thị, thành Nhà Mạc; chùa Tiên – giếng Tiên… Song song với các hệ thống di sản văn hóa vật thể đó, Lạng Sơn còn chứa đựng một kho tàng văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa Xứ Lạng. Trong đó phải kể đến các phong tục tập quán, lễ nghi, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tiếng nói chữ viết… của cộng đồng dân tộc các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao, Sán Chay... Tuy nhiên với sự phát triển của nền kinh tế, hội nhập quốc tế, khoa học kỹ thuật phát triển các phương tiện nghe, nhìn ngày càng hiện đại và phổ biến ở nhiều vùng miền, nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc đang dần bị mai một, lãng quên.

 1. Le hoi den Ky Cung 3

                           Ảnh: Lễ hội truyền thống đền Kỳ Cùng – Tả Phủ,

di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đặc sắc của tỉnh

Nhận thức được tầm quan trọng của các di sản văn hóa tỉnh nhà, cùng với những nguy cơ thách thức đặt ra trong công tác bảo tồn những giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.Trong những năm qua Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn luôn nêu cao vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Xứ Lạng theo đúng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn, giai doạn 2016 – 2020. Bảo tàng đã từng bước củng cố và đổi mới về nội dung phương pháp hoạt động trong các khâu công tác, không ngừng nỗ lực nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, sao chép và đề xuất các biện pháp bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

 

Để nhận diện, đánh giá giá trị, thực trạng quản lý và thống kê di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, Bảo tàng Lạng Sơn đã tiến hành đồng bộ nhiều phương pháp khác nhau. Trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015, Ban Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh (nay sáp nhập Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn) đã trực tiếp tổ chức cán bộ phối hợp với mạng lưới cộng tác viên thực hiện điền dã, kiểm kê, sưu tầm; vận động quần chúng hỗ trợ cung cấp thông tin, các tư liệu tài liệu di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc trong các cộng đồng dân tộc tại các địa phương… Qua đó, Bảo tàng đã thống kê và lập được 3.273 phiếu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của các dân tộc trên địa bàn 226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo quy định tại Thông tư

số 04/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 07 loại hình di sản:

Loại hình tiếng nói, chữ viết (306 phiếu): Kết quả nghiên cứu kết hợp điều tra thực địa cho thấy ngôn ngữ các dân tộc ở Lạng Sơn thuộc các nhóm: nhóm ngôn ngữ Việt – Mường (đại diện là dân tộc Kinh); nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (đại diện là các dân tộc Tày, Nùng); Nhóm ngôn ngữ Mông – Dao (đại diện là các dân tộc H’Mông – Dao). Còn các dân tộc khác do số lượng ít, hoặc sống đan xen giữa các cộng đồng dân tộc khác, có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc nên không hình thành nên cộng đồng văn hóa riêng của dân tộc mình.

Về tiếng nói: Hiện nay các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, H’Mông đều có tiếng nói riêng và đều có ý thức bảo vệ, gìn giữ và lưu truyền ngôn ngữ của dân tộc mình. Trong giao tiếp hàng ngày, các thành viên trong gia đình, cộng đồng họ vẫn thường xuyên sử dụng tiếng mẹ đẻ truyền thống. Trong giao tiếp với các dân tộc khác họ sử dụng tiếng phổ thông (tiếng Việt). Quá trình phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong giai đoạn hiện nay đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngôn ngữ, tiếng nói của các dân tộc, trong đó, dân tộc Hoa, Mường có dân số ít, sống xen kẽ với các dân tộc khác trong vùng nên sử dụng tiếng Việt là phổ biến. Lớp trẻ dần chuyển sang dùng tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày.

Về chữ viết: Hiện nay ở Lạng Sơn chỉ còn một số ít người cao niên và một số người hành nghề thầy pháp sư thuộc dân tộc Tày, Nùng, Dao (chủ yếu là các thầy Tào, thầy Pháp) là còn biết chữ Nôm của dân tộc mình, họ thường sử dụng trong các văn bản cổ, ghi chép lại các bài cúng, tích truyện, các sách lễ nghi... còn lại chữ viết phổ biến và được sử dụng thường nhật trong cộng đồng là chữ viết phổ thông (tiếng Việt).

 2

Ảnh: Cán bộ Ban Kiểm kê di sản văn hóa PVT gặp gỡ nghệ nhân, nhân chứng để nghiên cứu, khảo sát di sản văn hóa phi vật thể tại huyện....

Loại hình ngữ văn dân gian (13 phiếu): Bảo tàng đã tiến hành nghiên cứu, sưu tầm được một số truyền thuyết, truyện thơ, truyện cổ tích, câu đố, tục ngữ, hát ru… của các dân tộc, như: Quả bầu Tiên, Vua Chum, Chàng đốt than, Con trai thầy địa lý… (của đồng bào người Dao huyện Bắc Sơn).

Loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian (383 phiếu): Nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn vô cùng đặc sắc. Trong đời sống tinh thần, mỗi thành phần dân tộc đều lưu giữ và trao truyền các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian khác nhau. Trong đó dân tộc Nùng nổi tiếng với các bài múa sư tử, hát then, sli, cỏ lẩu; dân tộc Tày có hát lượn, quan lang, phong slư, hát then và múa sư tử; dân tộc Dao có hát páo dung, kèn pí lè; dân tộc H’Mông có múa khèn, hát giao duyên; dân tộc Cao Lan có hát Slắng cọ… Các loại nhạc cụ thường sử dụng gồm: trống, chiêng, đàn tính, kèn, sáo. Nhạc cụ được sử dụng vào nhiều hoạt động văn hóa khác nhau như trong các lễ hội, biểu diễn then nghi lễ…

Loại hình Tập quán xã hội (1486 phiếu): Hiện nay, phần đa văn hóa truyền thống vẫn được cộng đồng các dân tộc Lạng Sơn gìn giữ và trao truyền tương đối nguyên vẹn, như: các quy ước, hương ước, các phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày ít biến đổi. Tuy nhiên, do chịu những tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội đương đại dẫn đến một số ít phong tục tập quán cũng thay đổi cho phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay như: Tang ma, cưới xin được giảm bớt những hủ tục rườm rà…

Loại hình Lễ hội truyền thống (272 phiếu): Tỉnh Lạng Sơn là địa phương rất phong phú về lễ hội truyền thống, đa phần diễn ra vào mùa xuân (tháng Giêng). Trong đó có nhiều lễ hội lớn, có tầm ảnh hưởng rộng, thu hút đông đảo du khách tham dự như lễ hội Nhị - Tam Thanh (15/Giêng), lễ hội Đền Kỳ Cùng – Tả Phủ (từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng), lễ hội chùa Tiên (18/Giêng), lễ hội đền vua Lê (23/Giêng); Lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng (10/Giêng), lễ hội Chùa Bắc Nga (15/Giêng)… Các lễ hội này được nhân dân các huyện, thành phố duy trì tổ chức đều đặn hằng năm. Qua đó đáp ứng được nhu cầu về đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn và tạo ra sản phẩm văn hóa độc đáo phục vụ phát triển du lịch địa phương. Bên cạnh đó có nhiều lễ hội mang những nét độc đáo, tiêu biểu của cộng đồng là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu lập hồ sơ khoa học, xây dựng đề án… để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Loại hình Nghề thủ công truyền thống (216 phiếu): Nhìn chung đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, H’Mông ở các bản làng vẫn còn duy trì được một số ít nghề thủ công truyền thống tiêu biểu như: nghề đan lát, làm men nấu rượu, làm hương, làm cao khô, làm ngói… Các nghề này chủ yếu nhằm phục vụ cho sinh hoạt của gia đình, cộng đồng. Dân tộc Kinh có sự phát triển vượt trội về kỹ thuật, cách thức tổ chức làm nghề và các sản phẩm của họ đã đạt đến trình độ kỹ thuật, tinh xảo như: chạm khắc bạc, nghề mộc, nghề rèn… Những sản phẩm thủ công truyền thống của người Kinh đã trở thành sản phẩm mang tính hàng hóa trao đổi trên thị trường. Số lượng người làm nghề thủ công có trình độ cao đang giảm dần và có nhiều nghề thủ công truyền thống không còn được chú trọng và duy trì.

Loại hình Tri thức dân gian (597 phiếu): Qua công tác nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm cho thấy loại hình tri thức văn hóa dân gian của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn khá phong phú, gồm tri thức dân gian về trang phục truyền thống như: nghề dệt vải, nhuộm chàm; về ẩm thực: lợn quay, vịt quay, khau nhục, cơm lam, bánh ngải, bánh dày, xôi trám đen…; tri thức về lao động sản xuất: phương pháp lựa chọn, chăm sóc giống cây trồng, vật nuôi; tri thức dân gian về y dược học cổ truyền, kinh nghiệm chăm sóc phụ nữ có thai, chăm sóc trẻ sơ sinh, chăm sóc người già: gồm các bài thuốc gia truyền chữa bệnh trong dân gian…

 4. Ho so KKDSVHPVT

 Ảnh: Hồ sơ kiểm kê di sản văn hóa PVT

 Qua quá trình nghiên cứu, kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, từ năm 2011 – 2018 đội ngũ cán bộ chuyên môn đã thu thập, sưu tầm được khối tư liệu, tài liệu tương đối phong phú về lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh để phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu, trưng bày tuyên truyền và giáo dục truyền thống: Sưu tầm và chụp được hơn 3.000 ảnh tư liệu về tập quán xã hội của các dân tộc Tày, Nùng, Dao (đám cưới, đám tang, lễ mừng sinh nhật, lễ cấp sắc…), đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, cảnh quan làng bản, tri thức canh tác trên ruộng nương, lễ hội, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống... Tổ chức quay phim tư liệu, làm băng đĩa hình đối với 04 lễ hội và di sản Then Tày – Nùng tỉnh Lạng Sơn. Sưu tầm được hơn 200 bài hát dân ca các dân tộc: Sli, then, lượn, quan lang, cò lẩu, páo dung, slắng cọ…

Từ kết quả công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn lựa chọn, nghiên cứu và xây dựng 07 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận là các di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và đưa vào danh mục quản lý: Lễ hội Ná Nhèm (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn), Lễ hội Bủng Kham (xã Đại Đồng, huyện Tràng Định), Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ - Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn), Lễ hội Trò Ngô (xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng), di sản Then Tày – Nùng tỉnh Lạng Sơn, lễ hội Phài Lừa (Hồng Phong, Bình Gia), trò múa sư tử của người Tày Nùng Lạng Sơn.

Song song với công tác kiểm kê khoa học, công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng từng bước triển khai một cách hiệu quả. Từ năm 2012 đến nay, đã triển khai nhiều đề án, dự án bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh. Năm 2012, đơn vị tham gia nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng thành công lễ hội Ná Nhèm (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn). Năm 2013 – 2014, nghiên cứu phục dựng thành công lễ hội Nàng Hai (xã Chí Minh, huyện Tràng Định). Năm 2014, tham gia nghiên cứu phục dựng lễ hội đình làng Mỏ (xã Quang Lang, huyện Chi Lăng)...

Có thể nói, trong những năm qua công tác nghiên cứu, kiểm kê, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn được các cấp các ngành đặc biệt quan tâm. Tập thể cán bộ, viên chức Bảo tàng tỉnh đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Tích cực phối hợp với các cơ quan đơn vị hữu quan khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, lưu giữ, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể truyền thống đặc sắc, kịp thời ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc./.

Hoàng Văn Định

                                                     Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Last modified on Thứ sáu, 23 Tháng 11 2018 09:57

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 52

Tất cả 2839319

Videos

Liên kết website