Print this page
Thứ ba, 17 Tháng 7 2018 02:33

Vai trò của cơ quan nhà nước ở địa phương trong công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền Di sản văn hóa truyền thống, điển hình của các dân tộc thiểu số

Quản lý nhà nước về di sản văn hóa nói chung, công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa nói riêng là sự tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích bằng hệ quan điểm, chủ trương, đường lối, bằng hệ thống pháp luật, bộ máy của Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương nhằm nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa theo các đặc trưng, mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển khách quan của từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử, cũng như từng vùng, miền, không gian văn hóa – xã hội nhất định.

 Có thể khẳng định rằng quản lý nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa. Thông qua việc xác định và làm rõ 5 thành tố cơ bản như: chủ thể quản lý, khách thể quản lý, mục đích quản lý, công cụ quản lý, cách thức quản lý các cơ quan quản lý nhà nước trên phương diện vĩ mô sẽ góp phần tạo ra hành lang, cơ sở pháp lý, định hướng, điều chỉnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở từng thời kỳ, từng giai đoạn, đề ra quan điểm, phương hướng, lộ trình, phương thức triển khai thực hiện để hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước từ đó tác động đến vị trí, vai trò, mục tiêu, bản chất trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Trên phương diện vi mô hoạt động quản lý trong các lĩnh vực, địa bàn, nhóm dân cư cụ thể sẽ góp phần nghiên cứu, khảo sát, thống kê, tư liệu hóa, nhận diện, xác định, đánh giá, nắm bắt tình hình hiện trạng tồn tại và phát triển của di sản văn hóa dân tộc để kịp thời kiểm tra, kiểm soát, tham mưu, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời điểm hiện tại và những năm tiếp theo phù hợp với chủ trương, đường lối chung của Đảng, Nhà nước.

Xác đinh rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nói chung, của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng trong công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày tuyên truyền Di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, cũng như vị trí, vai trò, ý nghĩa của nền văn hóa trong hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và giao lưu, đối ngoại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể liên quan tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh bằng các chương trình, hành động và việc làm cụ thể như:

Một là: Tăng cường, tập trung rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của trung ương, của tỉnh về di sản văn hóa và các lĩnh vực liên quan tập tham mưu, đề xuất xuất hủy bỏ các văn bản đã hết hiệu lực; nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, thay thế các văn bản chưa đồng bộ, thống nhất, không còn phù hợp với điều kiện thực tế nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn, tạo điều kiện để hoạt động quản lý ngày càng thuận lợi[1].

Hai là: Tham mưu, cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để triển khai thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và các quyết định, chỉ thị, chương trình, đề án của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.

Ba là: Tăng cường đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hôi, xã hội – nghề nghiệp và chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chương trình, hoạt động phối hợp như: Phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tại các huyện, các xã vùng biên; phối hợp với Ban dân tộc tỉnh triển khai thực hiện Chương trình phối hợp đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng đồng vào dân tộc thiểu số - miền núi giai đoạn 2011 – 2015; phối hợp với Hội bảo tồn dân ca tỉnh trong công tác nghiên cứu, bảo vệ và phát huy dân ca truyền thống…và nhiều chương trình phối hợp với Hội người cao tuổi tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan khác.

Bốn là: Chỉ đạo, hướng dẫn các phòng, đơn vị trực thuộc sở, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày tuyên truyền Di sản văn hóa truyền thống, điển hình của các dân tộc thiểu số; cũng như công tác kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Qua công tác triển khai thực hiện bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định như:

* Về kiểm kê di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh:Đến nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan phối hợp với các huyện, thành phố tiến hành 02 đợt tổng kiểm kê di tích trên địa bànĐợt 01được triển khai thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 1997 – 1999 qua công tác kiểm kê đợt này đã có sự nhân diện, đánh giá ban đầu về giá trị, thực trạng tồn tại, phát triển của hệ thống di tích trên địa bàn làm tiền đề, cơ sở cho công tác lập danh mục, phân loại, thống kê di tích, nghiên cứu; lựa chọn di tích có giá trị tiêu biểu trình xếp hạng các cấp, tạo hành lang cơ sở pháp lý đề xuất các phương án quản lý, bảo vệ phát huy giá trị cho từng di tích. Theo đó hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 586 khu, điểm di tích (trong đó có 44 di tích khảo cổ - cổ sinh; 248 di tích lịch sử cách mạng; 250 di tích kiến trúc nghệ thuật; 44 di tích danh lam thắng cảnh); 126 di tích đã được xếp hạng các cấp gồm: 01 khu di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 27 điểm và khu di tích Quốc Gia, 98 điểm di tích cấp tỉnh. Đợt 2 đã và đang được tiến hành triển khai thực hiện từ năm 2017, đến nay đã hoàn thành 7/11 huyện thành phố, dự kiến trong năm 2018 sẽ thực hiện hoàn thành 4/11 huyện còn lại và tiến hành tổng kết công tác tổng kiểm kê theo quy định.

* Về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể: Đã được quan tâm, triển khai thực hiện từ năm 1993 và đã đạt được những kết quả nhất định tuy nhiên mới ở trong phạm vi nhỏ lẻ. Đến năm 2011, thực hiện Thông tư số 04/2010/TT - BVHTTDL, ngày 30/10/2010 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể để đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể mới được tiến hành một cách tổng thể, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015. Qua công tác kiểm kê đã lập được 3.273 phiếu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trong tỉnh theo quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cụ thể: loại hình tiếng nói, chữ viết (306 phiếu); loại hình ngữ văn dân gian (13 phiếu); loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian (383 phiếu); loại hình Tập quán xã hội (1.486 phiếu); loại hình Lễ hội truyền thống (272 phiếu); loại hình Nghề thủ công truyền thống (216 phiếu)Loại hình Tri thức dân gian (597 phiếu). Bên cạnh đó từ kết quả công tác kiểm kê Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn đã triển khai thực hiện khoảng 17 dự án nghiên cứu sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các loại hình lễ hội, dân ca, dân vũ, cùng nhiều phong tục tập quán truyền thống của đồng bào nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; lựa chọn, lập được 07 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (gồm: Lễ hội Ná Nhèm - xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn; Lễ hội Bủng Kham - xã Đại Đồng, huyện Tràng Định; Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ, thành phố Lạng Sơn; Lễ hội Trò Ngô - xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng; Di sản Then Tày – Nùng tỉnh Lạng Sơn; Lễ hội Phài Lừa - xã Hồng Phong, huyện Bình Gia; Múa sư tử của người Tày – Nùng tỉnh Lạng Sơn). Đồng thời tiếp tục nghiên cứu lựa chọn các di sản đặc sắc có nguy cơ bị mai một, thất truyền để thực hiện các biện pháp, dự án khôi phục, bảo tồn, phát huy.

*Về sưu tầm, kiểm kê, bảo quản các di sản văn hóa truyền thống theo nghiệp vụ Bảo tàng:

- Công tác nghiên cứu, sưu tầmHàng năm, bên cạnh việc chú trọng sưu tầm các tài liệu, hiện vật lịch sử cách mạng, Bảo tàng Lạng Sơn cũng luôn quan tâm sưu tầm các hiện vật dân tộc học của đồng bào các dân tộc trong tỉnh như: Trang phục, trang sức, sản phẩm nghề thủ công truyền thống; công cụ lao động sản xuất, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày..vv. Hiện nay trung bình mỗi năm, Bảo tàng tỉnh tiến hành từ 01 - 02 đợt sưu tầm tại cơ sở, với số lượng hiện vật sưu tầm được khoảng 200 – 350 hiện vật/năm. Ngoài ra, từ năm 2012 sau khi được UBND tỉnh Lạng Sơn giao nhiệm vụ tiếp nhận dự án Trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam do Bộ VHTTDL chủ trì triển khai thực hiện, thì mỗi năm Bảo tàng Lạng Sơn được ngân sách tỉnh cấp kinh phí 100 triệu đồng/năm để thực hiện công tác nghiên cứu, quay phim, tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đến nay nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh như: các Lễ hội dân gian đặc sắc, nghệ thuật Múa sư tử, Hát then, Sli, Lượn, Hát Xắng Cọ, Hát Páo Dung…đã được đơn vị quay phim, tư liệu hóa để lưu trữ, phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giới thiệu quảng bá tới nhân dân và du khách tham quan bảo tàng.

- Công tác Kiểm kê, Bảo quảnNgay từ khi thành lập Bảo tàng tỉnh, đơn vị đã tập trung thực hiện tốt việc xây dựng hệ thống quản lý tài liệu, hiện vật. Các tài liệu hiện vật được kiểm kê, đăng ký theo hệ thống sổ sách, biểu mẫu thống nhất. Hiện vật tồn kho được phân loại, lập hồ sơ khoa học, đăng ký kiểm kê để quản lý. Đến nay, kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, quản lý trên 73.255 hiện vật (Trong đó có 14.025 hiện vật đủ điều kiện trưng bày và 59.230 hiện vật tham khảo; 5.500 ảnh tư liệu, gần 800 tư liệu và hàng trăm băng đĩa hình).Đơn vị cũng đã xây dựng được nhiều Bộ sưu tập hiện vật có giá trị; 100% tài liệu, hiện vật được bảo quản định kỳ và bảo quản phòng ngừa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Về công tác trưng bày, tuyên truyền các di sản văn hóa truyền thống:

Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn được khánh thành, đưa vào sử dụng năm 2003, từ đó đến nay đơn vị thường xuyên duy trì mở cửa Nhà trưng bày Bảo tàng phục vụ khách tham quan. Trong hệ thống trưng bày cố định của Bảo tàng đã giới thiệu nhiều sưu tập tài liệu, hiện vật; nhiều loại hình di sản văn hóa của tỉnh Lạng Sơn. Bên cạnh đó, hàng năm Bảo tàng tỉnh còn tổ chức được 3-4 cuộc triển lãm chuyên đề tại bảo tàng và từ 1-2 cuộc triển lãm lưu động tại cơ sở. Qua đó đã góp phần tuyên truyền, giới thiệu các di sản văn hóa của tỉnh; cũng như tạo điều kiện cho công chúng và du khách tham quan được nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương, góp phần phát huy hiệu quả giá trị của các di sản văn hóa đối với công tác giáo dục truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân.

          Ngoài ra những năm gần đây, Bảo tàng Lạng Sơn còn chú trọng đa dạng hóa các hoạt động giáo dục công chúng; phối hợp với hệ thống trường học, các cơ quan ban ngành xây dựng các chương trình tham quan học tập, trải nghiệm tại Bảo tàng như xem phim tư liệu, tổ chức trình diễn các trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”… Tích cực phối hợp chặt chẽ với Tỉnh đoàn thanh niên, Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức triển khai các chương trình phối hợp đã ký kết để tăng cường tổ chức cho đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn tỉnh đến tham quan, học tập tại Bảo tàng.

          Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền các di sản văn hóa truyền thống còn được các đơn vị trực thuộc Ngành Văn hóa tăng cường đẩy mạnh thông qua tổ chức các hoạt động sự kiện, các chương trình biểu diễn nghệ thuật; xúc tiến quảng bá du lịch; trên các website của Ngành, của đơn vị Bảo tàng, Ban quản lý di tích, trên các ấn phẩm văn hóa, phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương.

Năm là: Quan tâm đẩy mạnh củng cố, kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bô, công chức, được quan tâm, đảm bảo về phẩm chất chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học,…để ngày càng đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Sáu là: Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân, phát huy vai trò của các nghệ nhân, chủ thể văn hóa, người có uy tín trong cộng đồng, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình quần chúng tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng xã hội hóa sâu rộng.

Bảy là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, thực hiện hiệu quả chế độ thông tin, báo cáo, công thi đua, khen thưởng trong việc triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản nói chung, công tác công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày tuyên truyền Di sản văn hóa truyền thống, điển hình của các dân tộc thiểu số theo định kỳ hàng năm và từng giai đoạn để chỉ ra những mặt đã đạt được, những mặt còn tồn tại hạn chế và đề xuất các phương hướng, giải pháp thực hiện trong những năm tiếp theo.

Nhìn chung, hoạt động quản lý văn hóa nói chung, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua đã góp phần đảm bảo định hướng lớn của Đảng trong việc “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy, bản sắc văn hóa dân tộc không bị mai một, hòa tan trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Nhiều giá trị văn hóa mới, tiến bộ đã được xác lập, củng cố trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái đẹp của văn hóa nhân loại. Hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa bước đầu đã làm cho văn hóa trở thành một tác nhân kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Có thể nói, công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa đã góp phần hiện thực hóa quan điểm của Đảng “Văn hóa… vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩ sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày tuyên truyền Di sản văn hóa truyền thống riêng vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế nhất định. Hiện nay, tuy chúng ta đang tiến hành quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cơ chế kinh tế thị trường, nhưng dấu ấn của cơ chế bao cấp vẫn còn khá sâu đậm, khiến cho nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức văn hóa vẫn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa phát huy tốt tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Việc huy động các nguồn lực xã hội hóa trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều chung chung, thiếu đồng bộ, thống nhất, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, việc tổ chức thực hiện còn chậm, một số văn bản chưa thực sự đi vào cuộc sống. Công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác văn hóa nói chung, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa dội ngũ cán bộ tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, chưa trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng tác nghiệp thực tế, cũng như sự tâm huyết, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, chủ động linh hoạt trong thực thi công vụ, đặc biệt là ở cơ sở; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở một số địa phương và lĩnh vực cụ thể chưa cao; sự tách bạch giữa quản lý nhà nước với hoạt động tác nghiệp chưa rõ, vẫn còn sự trùng chéo, nhầm lẫn giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng triển khai các hoạt động mang tính sự nghiệp; biểu hiện buông lỏng quản lý, quan lieu, thiếu sâu sát vẫn còn tồn tại ở một số địa phương, khu vực.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng là một ngành đa lĩnh vực, rất phức tạp, nhạy cảm, chứa đựng cả những yếu tố vật thể và phi vật thể, mang tính đặc thù cao, nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, văn hóa dân tộc đang bị chi phối bởi mặt trái của kinh tế thị trường, với những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, nên thường xuyên xuất hiện những vấn đề, hiện tượng văn hóa mới, phức tạp, không dễ giải quyết một sớm một chiều. Quan niệm về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền một số địa phương cũng như người dân chưa đầy đủ, sâu sắc, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý. Hệ thống luật pháp liên quan đến văn hóa chưa đồng bộ, còn nhiều khoảng trống hoặc trùng chéo. Nguồn ngân sách dành cho hoạt động quản lý chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Năng lực nguồn nhân lực quản lý văn hóa của đất nước vẫn còn nhiều hạn chế, v.v.

Trước thực trạng đó, để nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền Di sản văn hóa truyền thống nói riêng chúng ta cần triển khai thực hiện hiệu quả một số nội dung, giải pháp cơ bản như sau:

Một là: Đẩy mạnh việc củng cố, hoàn thiện thể chế, tích cực hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, hài hòa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giữa các bộ, ngành trung ương, địa phương, giữa lý luận và thực tiễn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phi tập trung hóa trong quản lý nhà nước, tăng cường phân cấp cho địa phương để gia tăng trách nhiệm quản lý ở cấp cơ sở.

Hai là: Kịp thời triển khai, cụ thể hóa nội dung các chỉ thi, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh trong lĩnh vực di sản, làm cơ sở để xây dựng và ban hành những chính sách mới về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; xây dựng các chính sách văn hóa đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là: Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là vấn đề rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa. Vì thế, các cần thay đổi cách tư duy và phương thức tổ chức, điều hành, khắc phục cung cách quan liêu, mệnh lệnh - hành chính, chủ quan, áp đặt từ trên xuống nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác cải cách hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc; chú trọng hiện đại hóa công sở, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong thời kỳ mới.

Bốn là: Tăng cường tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các chủ trương đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trước hết cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành VHTTDL và cho cấp ủy, chính quyền các cấp; các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân về nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.  

Năm là: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của Ngành Văn hóa từ tỉnh đến cơ sở để tạo nguồn nhân lực có thể đảm trách tốt các hoạt động nghiệp vụ về sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày tuyên truyền di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh theo các văn bản quy định hướng dẫn; cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ này.

Sáu là: Tăng cường đầu tư, bố trí ngân sách nhà nước cho công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày tuyên truyền di sản văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh XHH, huy động mọi nguồn lực trong dân, để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa nói chung và cho công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày tuyên truyền di sản văn hóa dân tộc nói riêng.

Bảy là: Định kỳ 5 năm, 10 năm cần tiến hành rà soát, kiểm kê, đánh giá lại thực trạng tình hình các loại hình di sản văn hóa hiện có trên địa bàn quản lý để kịp thời nắm bắt các loại hình di sản nào đang có nguy cơ bị biến đổi, mai một, thất truyền để có các biện pháp khôi phục, bảo vệ. Trên cơ sở kết quả kiểm kê, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học chuyên sâu; lựa chọn lập hồ sơ trình xếp hạng di tích các cấp, hồ sơ trình cấp có thẩm quyền đưa các loại di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tăng cường triển khai các dự án bảo tồn di sản văn hóa trọng điểm gắn với phát triển du lịch, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Tám là: Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Ngành Văn hóa và các cấp, các ngành trong tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; trong công tác thanh tra, kiểm tra; công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày tuyên truyền di sản văn hóa dân tộc tại địa phương. Đồng thời đẩy mạnhviệc hợp tác giao lưu, trao đổi về văn hóa truyền thống với các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế. Tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại vào việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Chín là:Tham mưu, xây dựng, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý, khuyến khích việc thực hành, sáng tạo văn hóa; kịp thời tôn vinh, động viên, khen thưởng cho các nghệ nhân, chủ thể văn hóa tích cực tham gia và có nhiều thành tích nổi bật trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

                                            SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH LẠNG SƠN



[1]Từ năm 1994 đến nay ngành đã tham mưu ban hành gần10 văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về di sản như tiêu biểu như: Quy chế quản lý hoạt động đền, chùa và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (ban hành kèm theo Quyết định số 31/2005/QĐ - UBND ngày 08/11/2005 của UBND tỉnh Lạng Sơn);…Quy chế quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (ban hành kèm theo Quyết định số 63/2017/QĐ – UBND, ngày 20/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn)..và nhiều văn bản liên quan khác.

Last modified on Thứ ba, 17 Tháng 7 2018 02:35