Print this page
Thứ ba, 26 Tháng 6 2018 08:05

BẢO TÀNG TỈNH LẠNG SƠN 25 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn được thành lập ngày 24/6/1993 theo Quyết định số 441/QĐ-UB của UBND tỉnh Lạng Sơn. Sự ra đời của Bảo tàng Lạng Sơn là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh. Phát triển từ nền tảng của một phòng chức năng thuộc Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao, khi mới thành lập đơn vị có tên gọi Bảo tàng tổng hợp tỉnh Lạng Sơn hoạt động trên cả hai lĩnh vực: Bảo tàng và bảo tồn di tích; với tổng số 16 cán bộ, viên chức được tổ chức thành 4 phòng, ban: Hành chính, Nghiệp vụ, Kiểm kê bảo quản, Ban quản lý di tích. Tháng 9/2009, Ban quản lý di dích tách riêng thành đơn vị độc lập, Bảo tàng tổng hợp tỉnh Lạng Sơn được tổ chức lại với tên gọi mới là Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn. Tháng 4/2018, thực hiện chủ trương của Tỉnh về sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, Bảo tàng tỉnh tiếp tục được tổ chức lại (theo Quyết định số 671/QĐ-UBND, ngày 12/4/2018 của UBND tỉnh Lạng Sơn) trên cơ sở giữ nguyên tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ của Bảo tàng tỉnh và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý bảo tồn di tích, cùng 10 biên chế của Ban quản lý di tích tỉnh sau khi giải thể. Hiện nay, Bảo tàng tỉnhlà một trong 07 đơn vị trực thuộc của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn có chức năng: giáo dục truyền thống; gìn giữ và phát huy giá trị di vật lịch sử tự nhiên và xã hội của tỉnh thông qua hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền. Thực hiện quản lý, hướng dẫn hoạt động trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

 Trải qua 25 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ Bảo tàng tỉnh đã không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thách thức để đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần phát triển sự nghiệp bảo tàng, bảo tồn di sản văn hóa, từng bước đưa bảo tàng trở thành thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa - xã hội của tỉnh nhà. Một số những thành tựu chủ yếu:

1.Công tác tổ chức, đào tạo:

         Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn được tổ chức theo mô hình bảo tàng tổng hợp cấp tỉnh. Ngay sau khi thành lập, mặc dù rất khó khăn về nhân lực, đơn vị đã nhanh chóng được tổ chức kiện toàn bộ máy các phòng, ban, bổ nhiệm các chức danh quản lý; xem xét bố trí, sắp xếp các vị trí việc làm cho đội ngũ cán bộ, viên chức đảm bảo phù hợp theo năng lực, sở trường công tác và ngành nghề được đào tạo. Các tổ chức Đảng, đoàn thể được thành lập đồng thời với việc xây dựng các quy chế hoạt động.

          Xác định rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với hoạt động sự nghiệp của đơn vị, Bảo tàng đã rất quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng. Một số cán bộ trẻ, có năng lực đã được cử đi đào tạo cao học ở các Viện Nghiên cứu ở TW. Sau 8 năm thành lập, đơn vị đã có 01 tiến sỹ về khảo cổ học, 02 thạc sỹ văn hóa dân gian. Đó cũng chính là những cán bộ có bằng cấp chuyên môn cao đầu tiên của Ngành Văn hóa Lạng Sơn, mà trước đây và hiện nay đều giữ những cương vị công tác cao trong và ngoài đơn vị như: đồng chí Nguyễn Văn Cường – nguyên Giám đốc Bảo tàng Lạng Sơn nay là Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia, Đồng chí Nguyễn Đặng Ân - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Lạng Sơn...Cán bộ trong đơn vị cũng được quan tâm tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ như: Hán Nôm, kỹ thuật bảo quản tài liệu hiện vật, giám định cổ vật, nghiên cứu văn hóa dân gian, trưng bày, hướng dẫn viên bảo tàng, di tích... để có thể đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong từng lĩnh vực công tác; nhất là đối với một số lĩnh vực mang tính đặc thù của Bảo tàng. Đến nay, Bảo tàng Lạng Sơn đã xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ, năng lực, có khả năng đảm nhiệm tốt mọi nhiệm vụ được giao. 100% cán bộ lãnh đạo, viên chức chuyên môn có trình độ đại học trở lên, trong đó có 01 thạc sỹ về văn hóa. Các tổ chức: Chi bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên duy trì hoạt động tốt. Hàng năm đều được công nhận là tổ chức đoàn thể vững mạnh, xuất sắc.

       2.Công tác nghiên cứu, sưu tầm:

Nhận thức được vị trí, vai trò của nghiên cứu khoa học đối với hoạt động Bảo tàng, thời gian đầu ngay sau khi thành lập, đơn vị đã dành sự quan tâm chú trọng cho công tác nghiên cứu khoa học. Coi đó là tiền đề, cơ sở cho công tác sưu tầm, trưng bày, tuyên truyền, giáo dục của Bảo tàng. Đơn vị đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan nghiên cứu Trung ương như: Viện khảo cổ học, Viện Hán Nôm, Viện lịch sử, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia…trong hoạt động chuyên môn; đặc biệt là phối hợp triển khai các chương trình, dự án về khảo cổ học, nghiên cứu văn bia, văn tự Hán Nôm. Năm 1996-1997, tiến hành nghiên cứu khảo sát khảo cổ tại thành phố Lạng Sơn và các huyện: Bắc Sơn, Chi Lăng, Văn Quan, Hữu Lũng, Cao Lộc… Từ đó, đã phúc tra hàng loạt di tích khảo cổ đã biết như Lạng Nắc, Bó Nam, Mè Bạc (Chi Lăng), Ba Xã, Lũng Yêm, Bản Hấu (Văn Quan), Minh Lệ, Đồng Thuộc (Hữu Lũng...); Phát hiện mới nhiều di tích khảo cổ có giá trị trong các dãy núi đá vôi thuộc sơn khối Bắc Sơn như: Tu Lầm (Cao Lộc), Nà Ngụm, Ngườn Sâu (Chi Lăng), Phia Điểm (TPLS)... Phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức khai quật 3 di chỉ: Mai Pha, Phia Điểm, Phai Vệ; hàng chục di tích khác cũng được điều tra, thám sát. Từ đó xác lập thêm được một nền văn hóa khảo cổ thuộc giai đoạn Hậu kỳ đá mới: Văn hóa Mai Pha.

 GS tran quoc vuong

 Giáo sư Trần Quốc Vượng cùng các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu, Bảo tàng TW khảo sát di tích linh địa Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình)

Những năm sau đó, nhiều di tích quan trọng khác của Lạng Sơn tiếp tục được phát hiện, nghiên cứu, khai quật. Năm 2003 khai quật di tích linh địa Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình), năm 2013 khai quật di tích cổ sinh Cốc Mười (Tràng Định); năm 2016 khai quật di chỉ Pác Đây (Văn Lãng)... Cốc Mười và Pác Đây là những di tích cổ sinh rất quan trọng do Bảo tàng tỉnh phát hiện qua các đợt khảo sát, điền dã. Kết quả đã thu về hàng vạn mẫu vật có giá trị bổ xung cho kho cơ sở Bảo tàng để phục vụ nghiên cứu, trưng bày tuyên truyền. Đồng thời góp phần làm sáng tỏ những vấn đề về lịch sử, văn hóa, con người Lạng Sơn thời kỳ tiền - sơ sử trong diễn trình phát triển của lịch sử Lạng Sơn…Những phát hiện quan trọng về cổ vật, khảo cổ học, Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thường xuyên được cán bộ Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn gửi tin bài công bố tại Hội nghị Những phát hiện mới về Khảo cổ học, hội nghị Thông báo Hán Nôm do Viện Khảo cổ học và Viện Hán Nôm tổ chức hàng năm. Một số kết quả nghiên cứu khoa học về di tích, di vật, di sản văn hóa phi vật thể đã được in thành sách, đăng tải trên các tạp chí, chuyên san để góp phần giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa của địa phương như sách: Di sản văn hóa Vật thể (Nguyễn Cường), Văn hóa Mai Pha (Nguyễn Cường), Lễ hội đền Kỳ Cùng (Vương Đắc Huy), Xứ Lạng văn hóa và du lịch (Hoàng Văn Nghiệm, Nguyễn Cường); Ngô Thì Sỹ với Văn bia Lạng Sơn; Văn bia Lạng Sơn tập I,II (Hoàng Giáp – Hoàng Páo)... Cán bộ Bảo tàng tỉnh còn tham gia vào nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; biên soạn sách, ấn phẩm của ngành và của tỉnh như “Địa chí Lạng Sơn”, “Địa chí huyện Tràng Định”, “Lễ hội Lạng Sơn”; Hội thảo khoa học Hoàng Đình Kinh...

Bên cạnh đó, khi đơn vị mới thành lập với số lượng hiện vật vốn còn rất ít ỏi, đơn điệu tại kho cơ sở; đặc biệt là khi công trình Nhà Bảo tàng được đầu tư, xây dựng đưa vào sử dụng năm 2002 - 2003, để có nguồn hiện vật phục vụ công tác trưng bày của Nhà Bảo tàng, trong giai đoạn 2001 – 2005, đơn vị đã tập trung sưu tầm được số lượng lớn hiện vật trên khắp các địa phương trong tỉnh để bổ xung hiện vật trưng bày cho các giai đoạn còn thiếu so với đề cương đã được duyệt. Đơn vị đã có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Hội như: Hội Cựu chiến binh, Thanh niên xung phong... trong công tác sưu tầm hiện vật lịch sử cách mạng nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu, khảo sát. Tích cực vận động quần chúng nhân dân đóng góp, hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các lực lượng chức năng của tỉnh (Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường...) để tổ chức tốt việc tiếp nhận, chuyển giao cổ vật. Những năm qua trung bình mỗi năm đơn vị sưu tầm bổ xung được 250 – 350 đơn vị hiện vật. Sau 25 năm, số lượng tài liệu hiện vật trong kho cơ sở đã tăng đáng kể. Đến nay kho lưu trữ đơn vị có trên 7 vạn hiện vật. Trong đó có một số sưu tập hiện vật khảo cổ, cổ vật rất có giá trị, quý hiếm.

          3. Công tác Kiểm kê, Bảo quản:

Là đơn vị có chức năng, nhiệm vụ gìn giữ, bảo quản tài liệu, hiện vật về lịch sử văn hóa của tỉnh. Trong những năm qua, đơn vị luôn ý thức đây là một trọng trách hết sức lớn lao. Để quản lý tốt kho tàng di sản văn hóa của tỉnh, ngay sau khi thành lập, Bảo tàng đã tích cực chỉ đạo việc xây dựng hệ thống quản lý tài liệu hiện vật. Các tài liệu hiện vật được tổng kiểm kê đăng ký lại theo hệ thống sổ sách, biểu mẫu thống nhất. Hiện vật tồn kho được phân loại lập hồ sơ khoa học, đăng ký kiểm kê để quản lý. Qua đó đã bổ xung thêm hàng trăm tài liệu hiện vật có giá trị về lịch sử cách mạng, khảo cổ. Xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) đề nghị trợ giúp trong việc giám định chuyên sâu về cổ vật, hiện vật khảo cổ. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, hiện vật khảo cổ tồn đọng, cổ vật tiếp nhận từ các lực lượng chức năng của tỉnh đã được giám định tương đối chính xác, làm cơ sở cho công tác kiểm kê, trưng bày, tuyên truyền của Bảo tàng. Đến nay, Bảo tàng Lạng Sơn cơ bản đã xử lý dứt điểm tình trạng hiện vật, cổ vật tồn kho chưa phân loại, xác định được niên đại, giá trị hiện vật.

 Picture 149

 Nguyên Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trần Đức Lương thăm kho hiện vật của Bảo tàng.

 

Ngoài ra, đơn vị cũng chỉ đạo tốt việc xây dựng hệ thống lưu giữ tư liệu, vì đây là một trong những hoạt động đặc thù nhất của bảo tàng. Song song với việc triển khai xây dựng các bộ ảnh tư liệu, phim tư liệu, Bảo tàng còn tiến hành khai thác ảnh, tư liệu về Lạng Sơn từ các Bảo tàng, Viện nghiên cứu, cơ quan lưu trữ ở TW và địa phương như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Phim Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh... Qua đó đã sao chụp được hàng ngàn trang tư liệu viết, bản đồ, ảnh... về Lạng Sơn để xung cho kho tư liệu. Tích cực sưu tầm, biên dịch các thư tịch cổ, các tài liệu Hán Nôm để phục vụ nghiên cứu, truyên truyền. Hiện nay, kho tư liệu của Bảo tàng đã và đang lưu giữ 5500 ảnh tư liệu, gần 800 tư liệu, 130 băng đĩa hình.

Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác giám định, tiếp nhận di vật, cổ vật, Bảo tàng đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan: Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Chi cục quản lý thị trường… trong việc giám định, xử lý cổ vật vận chuyển trái phép qua Biên giới. Từ năm 1996 đến nay, đã tham gia phối hợp giám định hàng ngàn di vật, cổ vật, tiếp nhận 1944 đơn vị hiện vật và 39,4 kg tiền xu cổ để quản lý, phát huy giá trị. Trong đó có rất nhiều cổ vật quý hiếm. Qua đó đã tích cực góp phần ngăn chặn buôn bán cổ vật trái phép qua biên giới, gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc.

Đơn vị cũng đã triển khai lập hồ sơ trình các cấp thẩm quyền quyết định công nhận 01 bảo vật Quốc gianâng hạng Bảo tàng từ hạng III lên hạng II.

Các tài liệu hiện vật trong kho luôn được bảo quản, quản lý và phát huy tốt giá trị. Một phần được sử dụng trong phần trưng bày cố định, một phần được lựa chọn để trưng bày trong các triển lãm chuyên đề của Bảo tàng. Phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu, học tập, truyền thông của các tầng lớp nhân dân.

4. Công tác trưng bày, tuyên truyền:

Năm 2003, Dự án đầu tư xây dựng Nhà bảo tàng tỉnh được khánh thành, đưa vào sử dụng, Nhà trưng bày Bảo tàng chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan. Trong suốt quá trình hoạt động, bảo tàng luôn quan tâm đến việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động để ngày càng thu hút khách tham quan đến với Bảo tàng. Hệ thống trưng bày thường xuyên được chỉnh lý, bổ xung bằng những hiện vật mới, có giá trị. Nhiều bộ sưu tập quý hiếm đã được đưa ra trưng bày giới thiệu với công chúng. Các hiện vật thể khối lớn được sưu tầm bổ xung để hoàn thiện phần trưng bày ngoài trời. Bên cạnh đó, mỗi năm bảo tàng còn tổ chức 3 - 4 cuộc triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng, trong đó có nhiều cuộc triển lãm phối hợp với các bảo tàng bạn như: “Âm vang Điện Biên” (phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Quân khu I); “Việt Nam 4000 năm dựng nước và giữ nước”, “Di sản văn hóa biển” (phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), “Văn hoá một số dân tộc phía Nam” (phối hợp với Bảo tàng lịch sử Việt Nam TP Hồ Chí Minh), “Bác Hồ với thế hệ trẻ” (phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh)... đã đạt kết quả tốt. Qua đó tạo điều kiện cho công chúng Lạng Sơn tiếp cận, thưởng ngoạn những giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc của đất nước và các địa phương.

IMG 1242

 Các đồng chí Lãnh đạo tham quan gian trưng bày Triển lãm Lạng Sơn xưa và nay nhân dịp kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn

Để đưa bảo tàng với công chúng, mỗi năm bảo tàng thực hiện 2 đến 3 cuộc triển lãm lưu động tại các địa phương trong tỉnh với nhiều chuyên đề khác nhau nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước. Các cuộc triển lãm chuyên đề “Lạng Sơn xưa và nay”, “Di sản văn hóa Lạng Sơn”, “Lạng Sơn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”... đã tạo được ấn tượng tốt đẹp, góp phần nâng cao nhận thức về lịch sử văn hóa của địa phương cho mọi tầng lớp nhân dân và khách tham quan.

IMG 6427

Đ.c Hồ Tiến Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan phòng trưng bày triển lãm miền đất, con người Lạng Sơn cuối thế kỷ XIX - nửa đầu thế kỷ XX

Bảo tàng cũng chú trọng đa dạng hóa các hoạt động giáo dục công chúng; xây dựng các chương trình tham quan học tập, trải nghiệm tại Bảo tàng như xem phim tư liệu, tổ chức trình diễn các trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”... Tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết chương trình phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh để tăng cường tổ chức cho học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh đến tham quan, học tập tại Bảo tàng. Những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên đưa học sinh đến tham quan, học tập ngoại khóa ngày càng đông. Ước tính mỗi năm, Bảo tàng đã đón tiếp, phục vụ gần 12.000 – 15.000 lượt khách tham quan trưng bày triển lãm tại Bảo tàng. Bên cạnh đó còn tăng cường quảng bá, giới thiệu hoạt động của Bảo tàng, giới thiệu di sản trên trang website của đơn vị, của ngành, trên sách báo, tạp chí, các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh ở TW và địa phương.

Những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, trưng bày triển lãm đã góp phần đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng. Tích cực phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, nâng cao nhận thức và giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của tỉnh và đất nước cho các tầng lớp nhân dân.

5. Công tác quản lý di tích:

Lạng Sơn là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa, với vị trí là vùng đất phên dậu, cửa ngõ biên giới của tổ quốc. Trải qua tiến trình phát triển của lịch sử, nơi đây đã hình thành và lưu giữ rất nhiều di tích lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, ngay từ khi mới thành lập, bảo tàng đã tập trung cao độ cho công tác điều tra khảo sát, thống kê, lập hồ sơ xếp hạng và tham mưu thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích. Đơn vị cũng đã tích cực tham mưu cho ngành và tỉnh xây dựng, ban hành các văn bản pháp quy về quản lý, sử dụng di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Từ các chương trình điều tra tổng kiểm kê, đến nay đã xác định được trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn có 586 khu, điểm di tích(Trong đó có44 di tích khảo cổ - cổ sinh; 248 di tích lịch sử cách mạng; 250 di tích tôn giáo tín ngưỡng; 44 di tích danh lam thắng cảnh). Trên cơ sở kết quả kiểm kê, phân loại đã đánh giá được giá trị, thực trạng để có phương án bảo vệ, khai thác phù hợp. Các di tích có giá trị lần lượt được quan tâm nghiên cứu, lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xếp hạng. Từ 5 di tích được xếp hạng Quốc gia trước năm 1993, đến nay toàn tỉnh đã có 01 khu di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt, 27 điểm và khu di tích Quốc gia, 98 điểm di tích cấp tỉnh.

     36224423 1578089675633195_5693376516927258624_n  

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm di tích Nhị Thanh ngày 10/3/1996

Nhiều di tích trong tỉnh đã được trùng tu tôn tạo từ các chương trình mục tiêu Quốc gia chống xuống cấp di tích, từ nguồn kinh phí của tỉnh và xã hội hóa. Đơn vị cũng đã tích cực đề xuất các phương án quản lý, khai thác, sử dụng di tích một cách phù hợp. Khu di tích Nhị - Tam Thanh được đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ khách tham quan, du lịch từ năm 1998. Từ nguồn thu phí và lệ phí đã có kinh phí đầu tư trở lại cho di tích, tiến tới tự chủ tài chính hoàn toàn trong đơn vị. Nhị - Tam Thanh trở thành mô hình xã hội hóa bảo tồn di tích thành công đầu tiên ở tỉnh. Một số di tích như chùa Thành, đền Bắc Lệ, đền Mẫu Đồng Đăng, khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn... đã phát huy tốt giá trị, ngày càng thu hút khách tham quan du lịch đến với Lạng Sơn. Các di tích – danh thắng của tỉnh đã thực sự trở thành nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch, là công cụ giáo quan hữu hiệu để giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân.      

6. Công tác nghiên cứu, lưu giữ văn hóa phi vật thể:

Bên cạnh chức năng, nhiệm vụ quy định theo Quyết định thành lập đơn vị. Năm 2012, Bảo tàng Lạng Sơn được UBND tỉnh Lạng Sơn giao bổ xung nhiệm vụ quản lý, vận hành Dự án “Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể Việt Nam”. Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, những năm qua đơn vị đã chủ động tiến hành nghiên cứu, khảo sát, ghi âm, ghi hình, dựng phim tư liệu về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh để lưu giữ, phục vụ nghiên cứu, tuyên truyền. Phối hợp cử cán bộ chuyên môn tham gia nghiên cứu, phục dựng các Lễ hội; tham gia chương trình tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức. Từ năm 2011 – 2018, Ban Kiểm kê di sản văn hóa PVT đã lập được 3.273 phiếu kiểm kê; sưu tầm và chụp được hơn 3.000 ảnh tư liệu về tập quán xã hội của các dân tộc thiểu số, quay 04 phim tư liệu về lễ hội và di sản Then Tày – Nùng tỉnh Lạng Sơn, sưu tầm được hơn 200 bài hát dân ca các dân tộc: Sli, then, lượn, quan lang, cò lẩu, páo dung, slắng cọ… Lựa chọn, đề xuất và tiến hành lập 07 hồ sơ văn hóa phi vật thể trình cấp có thẩm quyền Quyết định công nhận di sản văn hóa PVT cấp Quốc gia. Những kết quả nghiên cứu khảo sát đó hiện đã và đang được lưu giữ thành hệ thống để phục vụ công tác nghiên cứu, truyền thông, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh. Góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của tỉnh.

25 năm - Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đã qua một chặng đường dài với những bước đi đầu tiên đầy gian khó. Những trải nghiệm từ thực tiễn công tác đã giúp cho đội ngũ cán bộ của bảo tàng có điều kiện học hỏi, ngày càng trưởng thành, vững vàng hơn trên cương vị công tác của mình. Đến nay đã có thể đảm nhiệm tốt yêu cầu nhiệm vụ công tác trong nhiều lĩnh vực đặc thù của bảo tàng. Tập thể cán bộ, viên chức Bảo tàng Lạng Sơn luôn đoàn kết, không ngừng nỗ lực vươn lên; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân, thu hút khách tham quan đến bảo tàng. Bảo tàng Lạng Sơn đang dần trở thành thiết chế văn hóa có vai trò như một Trung tâm lưu giữ di sản và thông tin dữ liệu về lịch sử văn hóa của tỉnh. Thông qua các hoạt động chuyên môn góp phần tích cực trong việc nâng cao vị thế, tầm vóc di sản của tỉnh; phổ biến tri thức, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, lòng yêu nước cho các tầng lớp nhân trong tỉnh.    

Ghi nhận những cố gắng và thành tựu của bảo tàng, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập (1993-2003), Chủ tịch nước đã trao tặng Bảo tàng Lạng Sơn Huân chương Lao động hạng III. Các năm 1993, 1995, 1997, 2000, 2001, 2006, 2012 được Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tặng Bằng khen; năm 2017 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen, cùng nhiều Giấy khen của Giám đốc Sở VHTT&DL qua các năm. Đến nay, Bảo tàng Lạng Sơn là một trong những Bảo tàng cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn hạng II theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và là một trong 39 điểm du lịch theo Quyết định của UBND tỉnh Lạng Sơn.

IMG 4191

Đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND Tỉnh trao Quyết định công nhận xếp hạng Bảo tàng hạng II cho Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Có được những kết quả trên đây, bên cạnh viêc phát huy nội lực, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa; của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, trực tiếp là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. Cùng sự phối hợp đầy tinh thần trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong tỉnh. Đặc biệt là sự phối hợp, trợ giúp về chuyên môn của Viện Khảo cổ, Viện Hán Nôm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Với nền tảng được vươn lên từ những khó khăn, thử thách, các thế hệ Bảo tàng Lạng Sơn hôm nay sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống, không ngừng nỗ lực, phấn đấu để xây dựng Bảo tàng tỉnh ngày càng phát triển, trở thành một thiết chế văn hóa vững mạnh, một điểm tham quan du lịch hấp dẫn, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh nhà./.

Hà Thị Lư

Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Last modified on Thứ ba, 26 Tháng 6 2018 08:14