Thứ hai, 07 Tháng 5 2018 02:49

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC CÔNG CHÚNG TẠI BẢO TÀNG LẠNG SƠN

Bảo tàng Lạng sơn được xây dựng và khánh thành vào năm 2003 nhân dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Chủ tịch hồ Chí Minh. Bảo tàng là một trong những thiết chế văn hóa của tỉnh, có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, quản lý, bảo quản, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, tài liệu, hiện vật về lịch sử của địa phương, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng. Công tác giáo dục, tuyên truyền là một hoạt động quan trọng góp phần nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa, khoa học về lịch sử cho công chúng trong, ngoài nước khi đến với Bảo tàng. Để thực hiện tốt chức năng này, việc đánh giá thực trạng công tác giáo dục của Bảo tàng, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục tuyên truyền trong thời kỳ hội nhập là rất cần thiết.

 1. Công tác tuyên truyền, giáo dục công chúng tại Bảo tàng Lạng Sơn trong thời gian qua.

Giáo dục, tuyên truyền là chức năng cơ bản, quan trọng của Bảo tàng. Để thực hiện tốt công tác này, đòi hỏi nguồn nhân lực của Bảo tàng, các hoạt động giáo dục, tuyên truyền phục vụ khách tham quan phải không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức hoạt động.

         1.2. Nguồn nhân lực tham gia công tác giáo dục tại Bảo tàng

Để góp phần đáp ứng được nhu cầu tham quan của đông đảo công chúng, Bảo tàng đặc biệt quan tâm đến chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, nguồn nhân lực được đặt lên hàng đầu; cần có đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh viên chuyên nghiệp. Xuất phát từ thực trạng này, Bảo tàng đã tuyển dụng, bố trí, sắp xếp 4 cán bộ làm công tác thuyết minh

Cán bộ, nhân viên thuyết minh được tuyển dụng có ngoại hình khá, giọng nói chuẩn tiếng Việt, đặc biệt là có kiến thức, am hiểu về lịch sử văn hóa địa phương, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Bảo tàng, văn hóa du lịch. Đội ngũ thuyết minh phải nghiên cứu, xây dựng bản thuyết minh phù hợp với từng đối tượng khách tham quan.

Đội ngũ thuyết minh viên không ngừng được cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hàng năm, Bảo tàng vẫn tạo điều kiện cho các thuyết minh viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn do ngành du lịch, Bộ VHTTDL tổ chức.

1.3.Các hình thức giáo dục, tuyên truyền

Hướng dẫn tham quan là hình thức giáo dục cơ bản, mang tính truyền thống quan trọng của bảo tàng, nhằm giới thiệu một cách khoa học, logic, toàn diện về nội dung trưng bày của bảo tàng. Tùy từng đối tượng khách tham quan mà có thể chọn các hình thức hướng dẫn cho phù hợp. Để phục vụ tốt công chúng tham quan, Bảo tàng Lạng sơn đã mở cửa đón tiếp khách tham quan tất cả các ngày trong tuần bắt đầu từ 8h00 đến 17h00; cán bộ thuyết minh phải hoạt động thường xuyên, có nhiệm vụ trực tại nhà trưng bày luôn sẵn sàng với trang phục áo dài truyền thống, dẫn khách tham quan khi được yêu cầu. Mỗi thuyết minh viên tại bảo tàng phải thuyết minh về nội dung trưng bày bằng sự hiểu biết, kiến thức khoa học đã được hội đồng khoa học bảo tàng thẩm định. Trong quá trình hướng dẫn tham quan tại bảo tàng, cán bộ thuyết minh có thể vận dụng những phương pháp hướng dẫn khác nhau như tái hiện, kể chuyện, đặt ra những câu hỏi mang tính gợi mở, tạo không khí gần gũi để khách tham quan có thể tham gia, tránh hình thức chuyển tải thông tin một chiều. Tùy vào đối tượng khách tham quan, tâm lý du khách mà thuyết minh viên phải chọn cách hướng dẫn cho phù hợp.

Tuy nhiên, dù đã 15 năm đi vào hoạt động nhưng hiện nay Bảo tàng Lạng sơn vẫn trưng bày theo hình thức cố định, và phòng trưng bày chuyên đề của Bảo tàng được cập nhật, thay đổi theo các sự kiện trong năm. Chính vì vậy, đối tượng khách tham quan hiện nay của bảo tàng chủ yếu là học sinh tiểu học, trung học, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

Để quản lý hoạt động đón tiếp khách tham quan, Bảo tàng Lạng Sơn đã  ghi chép những đoàn khách đăng ký trước khi đến tham quan bảo tàng, giúp nắm bắt được tình hình, đối tượng khách để bố trí cán bộ nhân viên thuyết minh. Bên cạnh đó cán bộ thuyết minh trực tại nhà trưng bày, có nhiệm vụ tổng hợp ghi chép số lượng khách đến tham quan hàng ngày, tháng, năm để thống kê lượng khách đến tham quan một cách khoa học và nhanh nhất

IMG 7946

 Các em học sinh trường Tiểu học Đồng Bục chụp ảnh lưu niệm

Từ năm 2015, bảo tàng đã nghiên cứu, đề xuất kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện các chương trình tuyên truyền thông tin, truyền thông, nhằm giới thiệu, quảng bá các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương tại bảo tàng. Bảo tàng tổ chức, xây dựng, quản lý, bảo vệ, duy trì, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu cho website, các trang mạng xã hội của Bảo tàng; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông giới thiệu về Bảo tàng, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của Bảo tàng thông qua các buổi tọa đàm, các trưng bày chuyên đề, hội thảo chuyên đề.

Thông qua các hoạt động giáo dục, truyền thông, Bảo tàng sẽ quảng bá được hình ảnh của chính mình để công chúng biết đến nhiều hơn, huy động được nhiều nguồn vốn từ xã hội hóa, đầu tư thêm nhiều hoạt động hơn nữa.

2. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục công chúng tại Bảo tàng Lạng Sơn trong thời gian tiếp theo.

2.1. Hoàn thiện nội dung trưng bày bảo tàng

Hoạt động giáo dục của bảo tàng phải dựa trên cơ sở hệ thống trưng bày hiện vật của Bảo tàng. Hiện nay, Bảo tàng Lạng Sơn vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống trưng bày, đầu năm 2017 khu nhà trưng bày của Bảo tàng đã được đầu tư sửa chữa, phần đai trưng bày trên tầng 3 hiện còn rất trống, do vậy Bảo tàng cần phải khắc phục ngay. Như bổ sung thêm phần trưng bày các tài liệu hiện vật về chiến tranh Biên giới năm 1979, chủ quyền biên giới Biển đảo Việt Nam…

2.2.Đổi mới hoạt động hướng dẫn tham quan

Trong các hoạt động giáo dục của bảo tàng nói chung, Bảo tàng Lạng Sơn nói riêng, hướng dẫn tham quan vẫn là hình thức giáo dục quan trọng mang tính truyền thống, hiệu quả. Tuy nhiên, việc giáo dục dưới hình thức những bài thuyết minh được chuẩn bị sẵn của bảo tàng sẽ ngày càng tỏ ra kém hấp dẫn, không còn hiệu quả như mong muốn. Để công việc này đem lại hiệu quả thực sự, đòi hỏi cán bộ làm công tác hướng dẫn tham quan của Bảo tàng Lạng Sơn phải tự đổi mới, tìm tòi, sáng tạo trên cơ sở khuyến khích sự tương tác, đối thoại với công chúng, khách tham quan. Mặt khác, để hội nhập, phát triển, Bảo tàng Lạng Sơn phải ứng dụng khoa học công nghệ vào thuyết minh, giảm dần công tác tuyên truyền từ phía thuyết minh viên, tăng dần tự tham quan khám phá của công chúng bằng ứng dụng công nghệ vào thuyết minh. 

7160

Học sinh tham quan phần trưng bày lịch sử tại Bảo tàng

2.3.Xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp

Khách tham quan đến với bảo tàng rất đa dạng, nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, mục đích khác nhau. Vì vậy, việc xây dựng các chương trình giáo dục tại bảo tàng phù hợp cho các đối tượng khách tham quan là cần thiết. Khi xây dựng các chương trình giáo dục, Bảo tàng Lạng Sơn cần quan tâm trước hết đến đối tượng tuổi trẻ, đặc biệt là học sinh. Bảo tàng cần tạo điều kiện cho học sinh tự khám phá kiến thức thông qua giáo cụ trực quan. Giáo dục trong bảo tàng phải bổ trợ thêm những kiến thức còn thiếu trong nhà trường.

2.4. Đa dạng hóa các hoạt động giáo dục

Bên cạnh các hoạt động giáo dục mang tính truyền thống, Bảo tàng Lạng Sơn cần nghiên cứu, tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng như: tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, thuyết trình, nói chuyện liên quan đến các chủ đề trưng bày của bảo tàng; tổ chức các buổi trình diễn văn hóa dân gian hát then, hát sli; tổ chức các buổi chiếu phim tư liệu về các đề tài lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể, các sự kiện quan trọng của địa phương... Bên cạnh đó, việc nghiên cứu xây dựng các hoạt động ngoài trời tại khuôn viên của Bảo tàng nhằm góp phần thỏa mãn sự tò mò, sáng tạo cho khách tham quan cũng là điều cần thiết, phù hợp xu thế phát triển chung.

IMG 7358 

Học sinh xem chiếu phim về văn hóa phi vật thể tại Bảo tàng

2.5.Tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Bảo tàng

Bảo tàng Lạng Sơn có thể gửi bài viết hoặc cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình của tỉnh, Trung ương về hoạt động của Bảo tàng. Xây dựng mối quan hệ với cơ quan báo chí, truyền thông, kết nối mỗi nhà báo trở thành một người bạn thân thiết của Bảo tàng là điều kiện cần thiết để công tác truyền thông của Bảo tàng Lạng Sơn đạt được hiệu quả.

Thiết kế, in ấn tờ gấp để giới thiệu khái quát nội dung, sơ đồ tham quan hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng, cung cấp cho khách tham quan trước khi họ tham quan bảo tàng; đặt tại các khu di tích, khách sạn, công ty du lịch, lữ hành ở Lạng Sơn; biên soạn, in ấn, phát hành sách hướng dẫn tham quan dành cho khách tham quan tự do; thiết kế sản phẩm lưu niệm, lấy ý tưởng từ các hiện vật tiêu biểu của bảo tàng kết hợp những giá trị văn hóa của địa phương.  

Thông qua website, bảo tàng có thể giới thiệu các bộ sưu tập, trưng bày, triển lãm, hoạt động giáo dục khác. Đây còn là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý bảo tàng trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.  Ngoài ra, việc ứng dụng mạng xã hội trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của bảo tàng là rất cần thiết. Thông qua các trang mạng xã hội, Bảo tàng có thể thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ là chia sẻ thông tin, giới thiệu về Bảo tàng, giữ liên lạc thường xuyên, lắng nghe, tạo mối quan hệ tương tác với công chúng.

2.6. Nâng cao chất lượng các hoạt động nghiệp vụ của Bảo tàng

Nhìn một cách tổng thể trên cơ sở khoa học ở cả hai khía cạnh lý luận, thực tiễn thì công tác giáo dục của Bảo tàng suy cho cùng phải thu hút được công chúng, khách tham quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến với Bảo tàng. Để thu hút được khách tham quan thì Bảo tàng Lạng Sơn phải có một thương hiệu đủ sức hấp dẫn, bắt buộc các khâu công tác nghiệp vụ của Bảo tàng như: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền phải nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn. Như vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Bảo tàng phải luôn luôn được đặt ra, phải có chiến lược về đào tạo, có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn để thực hiện cho từng năm. Công tác đào tạo nguồn nhân lực tùy thuộc mục đích của Bảo tàng, khả năng, vị trí công việc cụ thể.

Công tác giáo dục tuyên truyền của các Bảo tàng nói chung, Bảo tàng Lạng Sơn nói riêng chỉ có thể đạt kết quả tốt khi có một hệ thống trưng bày hoàn thiện, đa dạng, hấp dẫn, thể hiện được bản sắc văn hóa địa phương của riêng mình, có một đội ngũ cán bộ thuyết minh chất lượng cao, có lòng yêu nghề, đam mê, nhiệt huyết với công việc, đa dạng hóa các hình thức hoạt động. Hy vọng trong thời gian tới Bảo tàng Lạng Sơn sẽ thực hiện thành công nội dung, ý tưởng trưng bày hiện đại phù hợp với xu thế hiện nay./.

Lương Thúy Hồng

Last modified on Thứ hai, 07 Tháng 5 2018 03:32

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 31

Tất cả 2839298

Videos

Liên kết website