Thứ hai, 06 Tháng 11 2017 10:13

Những kỷ vật của đồng chí Hoàng Văn Thụ lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Đồng chí Hoàng Văn Thụ là một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối của Đảng. Là một thanh niên yêu nước có chí hướng, đồng chí đã tham gia hoạt động Cách mạng từ rất sớm và đã cống hiến trọn đời mình cho Cách mạng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, ý chí  vượt qua mọi hoàn cảnh để thực hiện những mục tiêu cao cả của Đảng, của dân tộc.

 

          Đồng chí Hoàng Văn Thụ là người dân tộc Tày, sinh ngày 04/11/1909 tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Phạc Lạn, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học, thời thơ ấu đồng chí được gia đình cho học chữ Nho tại trường làng. Bước sang tuổi thiếu niên, đồng chí được cha mẹ cho ra thị xã Lạng Sơn học tại trường Tiểu học Pháp - Việt. Trong thời gian học tại đây đồng chí đã chứng kiến nhiều biến động mới của phong trào yêu nước đang diễn ra sôi nổi khắp cả nước. Những biến động đó đã tác động mạnh mẽ tới tư tưởng của người thanh niên yêu nước Hoàng Văn Thụ.

          Tháng Giêng năm 1928, đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Lương Văn Tri từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) sang Trung Quốc, bắt liên lạc với ông Bùi Ngọc Thành, đại diện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động ở khu vực Long Châu - Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc). Thời gian này đồng chí Hoàng Văn Thụ lấy bí danh là Lôi Minh Hạ, vừa làm công việc của một người thợ cơ khí, vừa thâm nhập tuyên truyền gây dựng các cơ sở quần chúng bí mật giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Cuối năm 1928, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

          Đầu năm 1929, đồng chí được giới thiệu vào làm việc ở “Tu giới sở” là một cơ sở công binh xưởng của Quốc dân Đảng ở Long Châu. Tại đây đồng chí đã gây dựng được một số cơ sở hoạt động bí mật. Sau một thời gian hoạt động, trải nghiệm thử thách, đồng chí đã được chọn kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), đồng chí Hoàng Văn Thụ được Chi bộ Đảng phân công về hoạt động tuyên truyền, tổ chức, gây dựng cơ sở và phát triển phong trào quần chúng cách mạng ở Lạng Sơn.

          Sau 3 năm tích cực gây dựng phong trào, đến giữa năm 1933 đồng chí đã tổ chức kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Lạng Sơn tại xã Thụy Hùng, châu Văn Uyên (Văn Lãng) do đồng chí trực tiếp làm Bí thư Chi bộ. Ngày 25/9/1936, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng (Bắc Sơn) kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bắc Sơn. Ngày 11/4/1938, đồng chí đã tới xã Phi Mỹ, Tràng Định kết nạp đảng viên, tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Tràng Định. Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản ở Bắc Sơn và Tràng Định đánh dấu bước trưởng thành vững chắc của phong trào cách mạnh Lạng Sơn trong nhiều năm do đồng chí Hoàng Văn Thụ dày công xây dựng và phát triển.

          Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ (1939), cùng với việc chỉ đạo phong trào cách mạng của nhiều tỉnh, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dành thời gian chỉ đạo củng cố Thành ủy Hà Nội sau nhiều lần tan vỡ do bị kẻ thù khủng bố. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Trung ương Đảng và của Xứ ủy Bắc Kỳ. Đầu năm 1940, Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) đã bầu đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

          Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng. Từ cuối năm 1941, đồng chí đã tích cực chỉ đạo phát triển các cơ sở quần chúng cách mạng trong công nhân, công chức, binh sĩ, cảm hóa, lôi cuốn được nhiều người thuộc các tầng lớp khác nhau ủng hộ cách mạng. Qua đó góp phần xây dựng nhiều cơ sở quần chúng ở những địa bàn quan trọng như: Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Vĩnh Phúc và làm hậu thuận vững chắc cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

 

 image002

Khung xe đạp - Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dùng trong thời gian hoạt động cách mạng năm 1934 – 1936

           Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn nêu cao phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất. Ngày 25/8/1943, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Mặc dù chịu nhiều cực hình tra tấn dã man, đồng chí vẫn vững vàng trong tư thế hiên ngang của người chiến sĩ cộng sản, một lòng một dạ trung thành với Đảng, với đồng bào, đồng chí của mình.

 

         Rạng sáng ngày 24/5/1944, kẻ thù đã sát hại đồng chí tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Trong giờ phút vĩnh biệt đồng bào, đồng chí của mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nêu cao khí phách của người chiến sĩ cộng sản. Trước quân thù, đồng chí đã hô vang “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm”.

          Hiện nay, tại Bảo tàng Lạng Sơn vẫn còn lưu giữ một số vật dụng của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dùng trong sinh hoạt và khi đi hoạt động Cách mạng. Những di vật bình dị đó đã trở thành những kỷ vật vô giá mang giá trị lịch sử sâu sắc và ý nghĩa.

 image004

Sưu tập kỷ vật của đồng chí Hoàng Văn Thụ trưng bày tại bảo tàng Lạng Sơn

           Bộ sưu tập kỷ vật của đồng chí Hoàng Văn Thụ ở Bảo tàng Lạng Sơn tương đối phong phú và đa dạng, bao gồm có khung xe đạp, áo Ba-đơ-suy, áo Lương, bộ quần áo dân tộc, tay nải, chậu thau, cặp da, dao găm, búa, quyển sách “Cách mạng tiên phong” và sách “Điều lệ tóm tắt của Đảng”. Đây là những đồ dùng cá nhân ông thường mang theo khi đi hoạt động cách mạng ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên… Tất cả những kỷ vật này cùng với năm tháng đã trở nên cũ kỹ nhưng ẩn sau những điều đó là những giá trị lịch sử, phẩm chất cao đẹp của một người chiến sỹ cộng sản kiên trung bất khuất. Nghiên cứu, tìm hiểu những hiện vật của đồng chí Hoàng Văn Thụ giúp chúng ta hiểu thêm về cuộc đời hoạt động Cách mạng gắn với những sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Lạng Sơn trong thời kỳ đầu vận động cách mạng tháng Tám (1936 – 1945). Những kỷ vật đó có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, đạo đức Cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau.

 

Lương Thúy Hồng

 

Last modified on Thứ hai, 13 Tháng 11 2017 14:35

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 73

Tất cả 2837253

Videos

Liên kết website