Thứ hai, 03 Tháng 7 2017 14:48

Giáo dục học tập trong bảo tàng - Kinh nghiệm từ bảo tàng học quốc tế (Phần 1)

Bảo tàng được định nghĩa “là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của nhân dân” (Luật Di sản văn hóa, Việt Nam) hoặc như Hiệp hội bảo tàng quốc tế (ICOM) định nghĩa “Bảo tàng là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động thường xuyên phục vụ công chúng tham quan, phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, giao tiếp và trưng bày các di sản vật thể và phi vật thể của nhân loại cùng với môi trường sống của con người cho các mục đích giáo dục, nghiên cứu và thưởng thức” (ICOM, Kỳ họp Đại hội đồng thứ 22 tại Vienna, 2007).

Những định nghĩa này đã khẳng định một trong những nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng là tổ chức những hoạt động giáo dục phục vụ công chúng tham quan, bên cạnh những nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày.

Hoạt động giáo dục trong bảo tàng, với quan điểm coi khách tham quan là những người chủ động học tập, cũng có thể được gọi là hoạt động cung cấp cơ hội học tập cho công chúng tham quan bảo tàng. Theo Hiệp hội bảo tàng Anh, việc giáo dục, học tập trong bảo tàng là: “Học tập là một quá trình chủ động trải nghiệm. Đó là việc con người thực hiện khi họ muốn tìm hiểu về thế giới. Nó có thể bao gồm việc phát triển hoặc đào sâu về kỹ năng, kiến thức, sự hiểu biết, nhận thức, giá trị, ý tưởng và cảm xúc, hoặc tăng cường khả năng suy nghĩ. Học tập có hiệu quả dẫn đến sự thay đổi, phát triển và khao khát học hỏi thêm nữa.”1

1. Bảo tàng cung cấp các cơ hội học tập phục vụ công chúng

John Dewey, nhà lý thuyết về giáo dục nổi tiếng thế kỷ 20 cho rằng: "Bất cứ một công trình nghiên cứu nào, cho dù là số học, lịch sử, địa lý, hoặc một trong các ngành khoa học tự nhiên, đều phải xuất phát từ các yếu tố vật chất mà con người trải nghiệm trong cuộc sống bình thường."2. Do vậy, bảo tàng, với lợi thế sở hữu các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội cùng với những nội dung và câu chuyện liên quan đến các sưu tập, sẽ thực sự là nơi tìm hiểu, học tập, làm giàu kiến thức hấp dẫn, hiệu quả. Để có được những chương trình giáo dục như vậy, bảo tàng cần có chiến lược xây dựng hoạt động trải nghiệm rõ ràng, khả thi, có sự đầu tư kinh phí, nguồn lực hợp lý và thích đáng. Đặc biệt, trong xu hướng hiện nay, khách tham quan không còn thụ động khi tham quan trưng bày, họ chủ động muốn tìm hiểu, sẵn sàng đối thoại, trao đổi để hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về nội dung được trưng bày trong bảo tàng. Do vậy, trước hết bảo tàng cần xác định rõ nhiệm vụ của bảo tàng là cung cấp các cơ hội học tập phục vụ công chúng chứ không phải là “giáo dục” ai về một nội dung nào đó. Với quan điểm này, các hoạt động, các chương trình giáo dục sẽ hướng tới phục vụ nhu cầu của công chúng, với sự tham gia của công chúng trong cả quá trình xây dựng kế hoạch lẫn quá trình triển khai các hoạt động này.

1

2

3

Không gian trải nghiệm tại Bảo tàng Khoa học Nagoya, Nhật Bản.

Quan điểm coi nhiệm vụ của bảo tàng là cung cấp các cơ hội học tập phục vụ công chúng cơ bản tương đồng với nội dung về học tập suốt đời, được giới thiệu trong Báo cáo Học để làm Người3 (1972) của UNESCO và đã được phát triển và công nhận rộng rãi trên thế giới. Theo Báo cáo này, việc học tập suốt đời diễn ra từ lúc nằm nôi đến khi qua đời, bao gồm học tập chính quy (formal), không chính quy (non-formal) và phi chính quy (informal). Trong đó tập trung vào ba trụ cột chính là kiến thức, kỹ năng và năng lực. Đồng thời, người học được nâng cao khả năng hành nghề, phát triển cá nhân, trở thành công dân tích cực và hòa nhập xã hội.

2. Những quan điểm cho việc lập kế hoạch tổ chức hoạt động học tập tại bảo tàng4

Trên thực tế, từ các hoạt động giáo dục tại bảo tàng hiện đại, không có một hướng dẫn chung nào cho việc lập kế hoạch hoạt động học tập hiệu quả có thể áp dụng cho tất cả các mô hình bảo tàng. Cơ bản, người chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục cần xác định các quan điểm, thống nhất các nguyên tắc cho việc thực hiện các chương trình giáo dục - cung cấp cơ hội học tập cho công chúng tham quan bảo tàng. Theo lý thuyết bảo tàng học hiện đại, các quan điểm cho hoạt động giáo dục bảo tàng thế kỷ 21 được tóm lược trong 3 khu vực chức năng liên quan đến học tập tại bảo tàng, là: Khả năng tiếp cận; Khả năng thực hiện; Giải pháp thực hiện.

* Khả năng tiếp cận

Các bảo tàng cần kết nối với cộng đồng và phục vụ công chúng tham quan bảo tàng. Bảo tàng phải có khả năng phát triển và duy trì mối quan hệ với cộng đồng, trường học, cơ quan văn hóa, trường đại học, các bảo tàng khác và công chúng nói chung; Cân nhắc tới nhu cầu và sự thay đổi của xã hội; Hình thành nội dung, diễn giải các vấn đề liên quan và tạo ra môi trường đối thoại rộng hơn phạm vị nội dung của bảo tàng.

Bảo tàng cần xác định và áp dụng các quan điểm một cách đa dạng. Các quan điểm khác nhau về văn hóa, khoa học, lịch sử, và nghệ thuật có thể giúp khuyến khích công chúng tham gia trải nghiệm nhiều hơn trong các chương trình giáo dục của bảo tàng; Đồng thời, bảo tàng cần cung cấp các nội dung có thể học tập với nhiều cấp độ từ khó đến dễ, bao gồm cả các trải nghiệm trí tuệ, trải nghiệm thể chất, trải nghiệm văn hóa; trải nghiệm cá nhân, theo nhóm hoặc giữa các thế hệ; Khuyến khích các nhóm cộng đồng chia sẻ quan điểm riêng của mình về bộ sưu tập của bảo tàng, qua đó thúc đẩy việc loại bỏ các rào cản vật lý, kinh tế-xã hội, rào cản văn háo với bảo tàng.

* Khả năng thực hiện

Từ nội dung trưng bày, các bảo tàng cần chuyển tải kiến thức một cách hiệu quả đến công chúng. Để làm được điều đó, bảo tàng cần nghiên cứu nội dung các bộ sưu tập hiện vật, trưng bày và nhiệm vụ của bảo tàng; Chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia và đào tạo cán bộ chuyên về phương pháp giáo dục hiện đại, phương tiện truyền thông mới, phát triển học thuật liên quan đến lý thuyết học tập và kỹ năng đánh giá; Cập nhật nhận thức, lý luận mới trong các chương trình giáo dục của bảo tàng.

Bảo tàng cần kết hợp giữa lý thuyết học tập và nghiên cứu giáo dục trong thực hành; Tìm hiểu rõ những phương pháp cơ bản, kỹ thuật thiết kế diễn giải trong bảo tàng và các lý thuyết học tập có tính giáo dục; Áp dụng kiến thức về phát triển nhận thức, lý thuyết giáo dục và thực tiễn giảng dạy cho các loại học tập tự nguyện, học tập vì mục đích cá nhân và học tập suốt đời có thể thực hiện trong các bảo tàng.

 4

5

6

Khách tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng Không gian hàng không Hoa Kỳ.

Cuối cùng, bảo tàng cần sử dụng nhiều công cụ giáo dục thích hợp để thúc đẩy việc học tập; Sử dụng các kỹ thuật và công nghệ phù hợp với mục tiêu giáo dục, nội dung trưng bày. Cán bộ phụ trách hoạt động giáo dục cần tham gia thiết kế và ứng dụng công nghệ trong các chương trình học tập nâng cao và cần có các đánh giá độc lập từ các cơ quan chuyên môn cho các công cụ giáo dục được sử dụng trong bảo tàng.

* Giải pháp thực hiện

Bảo tàng cần quảng bá hoạt động giáo dụng như mục tiêu trọng tâm, xác định rõ hoạt động giáo dục trong các nhiệm vụ, mục tiêu và chiến lược tài chính của bảo tàng, xây dựng các hoạt động giáo dục ngay từ khi nghiên cứu ý tưởng, lập kế hoạch, thực hiện và trong mọi hoạt động, quá trình vận hành bảo tàng.

Bảo tàng cần xác định mục tiêu và chiến lược để đạt mục tiêu giáo dục cụ thể: Xây dựng chương trình phục vụ nhiệm vụ học tập của các trường học, đại học hoặc phục vụ việc xây dựng khung giáo dục quốc gia; thu thập, đánh giá, phân tích dữ liệu từ và về khách tham quan và chưa đến tham quan để đánh giá việc học tập trong bảo tàng; hiệu quả của những trải nghiệm mà công chúng có từ những chuyến tham quan bảo tàng.

Bảo tàng cần phát triển nguồn lực chuyên môn trong cộng đồng bảo tàng qua việc chia sẻ, liên kết, phối hợp với các đồng nghiệp, với cộng đồng bảo tàng; Liên tục tìm kiếm cơ hội để mở rộng kiến thức về lý thuyết học tập, phương pháp giáo dục, phương pháp đánh giá, phương tiện truyền thông, kỹ năng quản lý, phát triển nguồn tài trợ liên quan đến các bộ sưu tập của bảo tàng. Đồng thời, tham khảo từ những hoạt động hiệu quả nhất từ những chương trình tương tự; Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển nghề nghiệp trong bảo tàng; Phổ biến những ý tưởng sáng tạo thông qua các ấn phẩm và phương tiện truyền thông thích hợp khác.

Nguyễn Hải Ninh (Cục Di sản văn hóa)

Tài liệu tham khảo:

1.Becoming a Better Learner (chở thành người học tốt) - link: http://bit.ly/2dInWE9

2.Experience and Education, (Trải nghiệm và Giáo dục), John Dewey (New York: Tủ sách Collier, 1938/1963), 73. (trang 31, chương 7).

3.Learning To Be (Học để làm người), UNESCO, 1972 - link: http://bit.ly/2dHY0Ys

4.Xem thêm tại: “Learning to Live - Museums, young people and education” (Học để sống - Bảo tàng, thanh niên và giáo dục), Biên tập bởi Kate Bellamy và Carey Oppenheim, 2009; “Building the Future of Education - Museum and the learining ecosystem” (Xây dựng tương lai cho giáo dục - Bảo tàng và hệ sinh thái học tập), Hiệp hội Bảo tàng Hoa Kỳ 1997;  “Education Principles and Standards” (Nguyên tắc và Tiêu chuẩn Giáo dục"), Hiệp hội Bảo tàng Hoa Kỳ 2002.

Last modified on Thứ hai, 03 Tháng 7 2017 14:53

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 52

Tất cả 2839319

Videos

Liên kết website