Thứ hai, 06 Tháng 2 2017 14:37

Một năm theo dấu các di tích khảo cổ

    Đã từ lâu, Lạng Sơn được biết đến là vùng đất có tiềm năng lớn về văn hóa khảo cổ. Không chỉ có các di tích cổ sinh nổi tiếng tại các huyện Bình Gia, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn..., tỉnh còn có hệ thống các di tích như di tích văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Mai Pha phân bố ở khắp các địa bàn trong tỉnh. Tiếp nối những thành tựu nghiên cứu trong những năm trước đây, năm 2016 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều hoạt động khảo sát, khai quật khảo cổ với sự tham gia của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

 Được phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại quyết định số 2273/QĐ-VHTTDL ngày 28/6/2016, những ngày đầu tháng 7/2016, tại Bản Vạc (xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng) đã diễn ra đợt khai quật lần thứ nhất di chỉ khảo cổ học Pác Đây do Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Bảo tàng, Ban Quản lý di tích tỉnh tổ chức. Đây là di tích cổ sinh do Bảo tàng tỉnh phát hiện từ tháng 3/2014. Tại các lớp trầm tích trên vách hang, vòm hang và hố khai quật có diện tích 20 m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện và thu thập được các mẫu hóa thạch và chưa hóa thạch của răng người, răng đười ươi; xương răng của một số loài động vật như: voi, tê giác, gấu, khỉ, trâu, bò, lợn, hươu, nai, hoẵng, nhím... Theo nhận định ban đầu của các nhà khoa học, nhóm di vật này có nhiều nét tương đồng với hiện vật phát hiện tại di chỉ Cốc Mười (xã Tri Phương, huyện Tràng Định – khai quật năm 2013, có niên đại Hậu kỳ Cánh tân). Kết quả đó đã góp thêm tư liệu cùng với các di tích cổ sinh khác ở Việt Nam và Đông Nam Á từng bước làm sáng tỏ các vấn đề về môi trường cổ ở nước ta và khu vực. Kết thúc đợt khai quật, các nhà khảo cổ học đã cùng cán bộ Bảo tàng tỉnh tiếp tục về huyện Chi Lăng nghiên cứu khảo sát di chỉ Ngườm Sâu (thôn Làng Giang, xã Gia Lộc). Di tích này do Bảo tàng tổng hợp (nay là Bảo tàng tỉnh) phát hiện năm 1998, tiếp tục nghiên cứu khảo sát các năm 2000, 2008. Nơi đây đã phát hiện nhiều di vật giá trị, loại hình rất phong phú thuộc văn hóa Bắc Sơn và văn hóa Mai Pha như: rìu mài lưỡi (rìu Bắc Sơn), rìu có vai, dấu Bắc Sơn, công cụ ghè đẽo, hòn ghè, gốm văn thừng, xương răng động vật... Trong đợt khảo sát này đã phát hiện thêm một số di vật bao gồm: rìu mài lưỡi, công cụ ghè đẽo, tiền đồng thời phong kiến (thế kỷ 18) và đặc biệt là hệ trầm tích có chứa xương, răng động vật bám dày trên vách hang...

Nằm trong chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Viện Khảo cổ học và Trung tâm nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, từ ngày 8 đến 11/12/2016, nhóm khảo sát gồm 4 nhà khoa học công tác tại Viện nghiên cứu Địa lý, Viện nghiên cứu Vật lý – Hóa học Quốc gia Pháp; các nhà khảo cổ phòng Nghiên cứu Con người và Môi trường cổ (Viện Khảo cổ học) cùng cán bộ Bảo tàng tỉnh đã đến: Văn Lãng, Bình Gia, Chi Lăng. Tại Văn Lãng, đoàn đã nghiên cứu tổng thể toàn bộ di tích hang Pác Đây, lựa chọn lấy mẫu trầm tích tại một số vị trí trong hang để phân tích, phục vụ công tác định niên đại cho di tích này. Tiếp đó đã khảo sát lại các di tích cổ sinh Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng (xã Tân Văn, huyện Bình Gia). Trong đó trọng tâm là việc lấy mẫu trầm tích để phân tích nhằm xác định chính xác niên đại tuyệt đối của các di tích, di vật đã phát hiện ở đây. Từ đó góp phần làm sáng tỏ các vấn đề khoa học về sự xuất hiện loài người ở Việt Nam. Tại huyện Chi Lăng, đoàn đã xem xét cấu trúc, địa tầng di chỉ Ngườm Sâu, các vấn đề liên quan đến môi trường, hệ sinh thái cổ của di tích để đánh giá giá trị, triển vọng khai quật khảo cổ của di tích này.

 Bên cạnh những kết quả trên đây, hoạt động nghiên cứu khảo cổ năm 2016 của Bảo tàng tỉnh còn hướng tới những phát hiện của quần chúng nhân dân trong tỉnh về khảo cổ học. Từ nguồn tin của nhân dân cung cấp, tháng 8/2016, Bảo tàng tỉnh đã chủ trì phối hợp với Ban Quản lý di tích tỉnh, phòng vawăn hóa thông tin huyện Tràng Định tổ chức nghiên cứu địa điểm hang Kéo Lầm nằm trên dãy núi cao thuộc địa bàn thôn Lũng Phầy, xã Chí Minh, huyện Tràng Định. Tại đây, đã phát hiện di tích mộ táng của cư dân Lạng Sơn cổ cách ngày nay khoảng 200 – 300 năm. Người chết được mai táng trong quan tài hình thuyền bằng gỗ theo kiểu thiên táng. Theo các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng tỉnh, đây là một dạng thức mai táng độc đáo lần đầu tiên phát hiện tại Lạng Sơn và mới chỉ xuất hiện ở một số địa phương trong cả nước như: Sơn La, Thanh Hóa... Đó là các tư liệu rất hữu ích cho việc nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng của cư dân Lạng Sơn cổ trong quá trình phát triển của lịch sử.

Một năm theo dấu các di tích khảo cổ tìm về cội nguồn văn hóa, dân tộc đã khép lại với nhiều sự kiện có ý nghĩa. Những kết quả nghiên cứu trên đây sẽ tạo tiền đề, cơ sở quan trọng cho hoạt động khảo cổ học trong những năm tới. Các di tích khảo cổ học của tỉnh đang rất cần được bảo tồn để phục vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục lòng tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước. 

Một số hình ảnh các cuộc khảo sát, khai quật :

 Khai Quat pac Day 7.2016

  Khai quật di chỉ Pác Đây (Bản Vạc, xã Trung Quán, huyện Văn Lãng) tháng 7/2016.

 KS Pác Đây 12.2016

  Các nhà khoa học Pháp nghiên cứu, khảo sát di chỉ Pác Đây  tháng 12/2016.

 Các nhà KH Pháp khảo sát tại hang Thẩm Khuyên tháng 12.2016

Các nhà khoa học Pháp nghiên cứu, khảo sát tại di chỉ Thẩm Khuyên (Tân Văn, Bình Gia) tháng 12/2016.

 

KS Nguom Sau 12.2016

  Các nhà KCH khảo sát tại Hang Ngườm Sâu (Gia Lộc, Chi Lăng) tháng 12/2016

 Keo leng

Các nhà khoa học Pháp nghiên cứu, khảo sát tại di chỉ Hang Kéo Lèng (Bình Gia, Lạng Sơn)

 

  

                                                                           Bài: Chu Quế Ngân

                                                                                Ảnh:Nguyễn Thế Vĩnh

 

 

 

                                                                                             

 

Last modified on Thứ ba, 07 Tháng 2 2017 16:56

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 48

Tất cả 2839194

Videos

Liên kết website