Thứ ba, 14 Tháng 6 2016 01:37

Những linh thú đất Việt

Giới thiệu một số linh thú được người Việt tôn vinh, thờ tự hay sử dụng như những biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng trong hàng trăm năm qua, nhằm góp phần hạn chế tình trạng “nhập nhèm văn hóa” nêu trên.

1

Rồng đá thời Lê ở bậc thềm điện Kính Thiên, Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: T.Đ.A.S.

Gần đây, dư luận báo chí đã nói đến “trào lưu” đặt tượng sư tử trước nhà ở, trụ sở công ty, cơ quan công quyền, đền miếu, chùa chiền... ở nước ta hiện nay. Đó là những con sư tử nửa Tây, nửa Tàu, chẳng liên quan gì đến văn hóa Việt Nam, nhưng lại được nhiều cá nhân, đơn vị chọn làm biểu tượng cho sự giàu sang, thành đạt của cá nhân, hay để phô trương vị thế và tiềm lực của doanh nghiệp, cơ quan…

Bài viết này giới thiệu một số linh thú được người Việt tôn vinh, thờ tự hay sử dụng như những biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng trong hàng trăm năm qua, nhằm góp phần hạn chế tình trạng “nhập nhèm văn hóa” nêu trên.

Bộ tứ linh…

   Đứng đầu trong các linh thú được người Việt tôn vinh là “tứ linh”, gồm: long (rồng) - lân (kỳ lân) - quy (rùa) - phụng (chim phượng). Theo quan niệm của người xưa, loài vật trong tự nhiên được phân thành 5 loài: lông trần (đứng đầu là con người), lông vũ (đứng đầu là chim phượng), lông phủ (đứng đầu là kỳ lân), giống có vảy (đứng đầu là con rồng) và giống có mai (đứng đầu là con rùa). Do vậy, 4 loài rồng, kỳ lân, rùa và chim phượng được tôn xưng là những linh thú cao quý và được chọn làm biểu tượng, chủ đề điêu khắc, trang trí, thờ tự trong các công trình kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa và tín ngưỡng của nhiều dân tộc Á Đông, trong đó có Việt Nam.

    Rồng: Theo sách Thuyến văn giải tự, trong 389 loài bò sát có vảy thì rồng là loài đứng đầu và có sức mạnh vô song. Rồng là biểu tượng của sự sinh sôi mạnh mẽ, là biểu tượng của phương Đông (tả thanh long) và của mùa xuân. Rồng được miêu tả với nhiều dáng vẻ, tùy thuộc vào sự tưởng tượng phong phú của từng cộng đồng, từng dân tộc và luôn biến đổi theo thời đại hay không gian cư trú. Rồng là con thú có sự kết hợp của 9 loài khác: đầu lạc đà, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ. Người Trung Quốc phân chia rồng thành 3 loài chính: long là giống có quyền lực nhất và thường cư ngụ ở trên trời; ly là loài rồng có sừng và sống dưới đáy biển; và giao là giống rồng mình phủ đầy vảy, thường sống trong các đầm lầy hoặc trong hang sâu trên núi.

    Khác với người Hoa, người Việt khá thống nhất trong quan niệm về con rồng, cả hình dáng lẫn tính chất. Từ đầu thời tự chủ (thế kỷ X) đến khi triều Nguyễn cáo chung (năm 1945), hình tượng con rồng Việt có những biến đổi về hình dáng, thể hiện qua các chi tiết về râu, sừng, vây lưng, đuôi, sự uốn lượn của thân…, nhưng trên đại thể thì hình ảnh và tính chất của con rồng Việt dưới các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn tương đối thuần nhất: rồng là biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh ông vua, là đỉnh cao của khái niệm quyền uy.

2

Đồ án trang trí đầu mái hình rồng bằng đất nung khai quật ở Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: T.Đ.A.S.

Tuy vậy, trong tâm thức của người Việt, rồng không hẳn là linh vật dành riêng cho nhà vua hay hoàng gia. Con rồng Việt đã vượt khỏi chốn cung cấm, xuất hiện ở hầu khắp đình chùa, miếu vũ… trong dân gian. Tuy nhiên, nhà nước phong kiến có những quy định khá chặt chẽ trong việc sử dụng hình tượng con rồng. Chẳng hạn, từ thời Lê - Trịnh đến thời Nguyễn, chỉ có vua và thái tử mới được sử dụng hình ảnh rồng 5 móng; các hoàng tử thứ 2, 3, 4 chỉ được dùng hình ảnh rồng 4 móng; từ hoàng tử thứ 5 trở xuống chỉ được dùng hình ảnh rồng 3 móng hay các biểu tượng gần gũi của rồng như con giao, con cù. Con rồng trang trí trong các đình chùa của dân gian cũng chỉ có 4 hoặc 3 móng.

Con rồng được người Việt thể hiện trên các bờ nóc, bờ mái, cổ diêm, y môn, cột trụ, bậc cấp… của cung điện, đình chùa, miếu vũ… bằng các thủ pháp: điêu khắc, chạm trổ, đắp vữa, khảm sành sứ, vẽ bằng bột màu, thêu thùa… Có khi rồng được đúc thành tượng để bài trí trước các công trình kiến trúc như cặp rồng bằng đồng đúc vào năm 1842 đặt trước Duyệt Thị Đường trong Đại Nội Huế.

3

Rồng bằng đồng đúc năm 1842 trấn giữ trước Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế. Ảnh: T.Đ.A.S.

- Kỳ lân: Kỳ lân là linh thú báo hiệu điềm lành, là biểu tượng của sự thông thái, trường thọ, sự cao quý và của niềm hạnh phúc lớn lao. Kỳ lân cũng là biểu tượng của lòng nhân từ và sự trung thành. Kỳ lân là tên ghép, trong đó kỳ là con đực và lân là con cái. Theo truyền thuyết, kỳ lân là sự kết hợp của các loài khác: mình hươu, đuôi bò, trán sói, móng ngựa, da có 5 màu: đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, dưới bụng có màu vàng. Con kỳ có một chiếc sừng ở giữa trán. Kỳ lân bẩm tính rất nhân từ, khi di chuyển nó tránh dẫm lên các loài côn trùng, không làm hư hại các loài cỏ mềm dưới chân. Nó cũng không ăn thịt hay làm hại bất kỳ con vật nào và không bao giờ uống nước bẩn. Người Trung Quốc cho rằng kỳ lân xuất hiện báo hiệu những điềm tốt lành như sự ra đời của một minh quân, chân chúa hay hiền triết. Huyền sử Trung Hoa cho biết kỳ lân đã xuất hiện dưới triều vua Nghiêu, vua Thuấn và vào thời điểm Khổng Tử ra đời.

4

Kỳ lân chầu trước điện Thái Hòa, Đại Nội Huế. Ảnh: T.Đ.A.S.

Trong không gian kiến trúc của người Việt, có khi kỳ lân được bài trí thành từng cặp, đứng chầu trước cung điện của vua, đầu hướng về phía cung điện nhằm biểu hiện lòng trung thành; có khi kỳ lân được bài trí ở trước điện thờ, đền miếu, mặt hướng ra bên ngoài, biểu tượng cho sự tôn nghiêm, kính cẩn. Kỳ lân còn biểu hiện cho uy quyền của nhà vua, vì thế trên ngai vua triều Nguyễn có đôi kỳ lân dùng làm chỗ đặt chân của nhà vua. Kỳ lân còn là linh thú biểu trưng cho thái tử trong mối quan hệ: rồng (nhà vua) - kỳ lân (thái tử) - phượng hoàng (hoàng hậu). Kỳ lân còn là biểu tượng của hạnh phúc, đoàn viên như ngụ ý trong vũ điệu Lân mẫu xuất lân nhi trong múa cung đình Huế.

- Rùa: Rùa là con vật biểu tượng cho sự trường thọ, sinh lực và sức chịu đựng. Rùa mang chiếc mai hình vòm trên lưng, biểu tượng cho bầu trời và phần mai phẳng dưới bụng biểu tượng cho mặt đất. Những đường rãnh ở phần trên của mai rùa tương ứng với chòm sao Đại Hùng trên trời, biểu thị cho nguyên lý dương. Những đường rãnh ở phần dưới mai rùa tương ứng với mặt đất, biểu thị cho nguyên lý âm.

5

Đồ án rùa trang trí trên cửa Trường An, Đại Nội Huế. Ảnh: T.Đ.A.S.

Rùa cũng là hiện thân của sự kết hợp từ nhiều loài khác: đầu rắn, cổ rồng, chân vịt. Rùa còn được coi là biểu tượng của sự ổn định và vững chắc. 4 chân rùa tượng trưng cho 4 cực của thế giới.

Trong kiến trúc và trang trí Việt Nam, rùa thường được thể hiện cùng các linh vật khác thuộc bộ tứ linh, nhưng phổ biến nhất là hình tượng “rùa đội bia” và “rùa đội hạc” trong các đình, chùa và trong Văn Miếu Thăng Long và Văn Miếu Huế.  

- Chim phượng: Chim phượng được tôn vinh là vua của các loài chim, được sinh ra từ mặt trời và lửa. Chim trống gọi là phượng, biểu tượng cho phúc lộc, chim mái gọi là hoàng, biểu tượng cho hoàng hậu, xuất hiện bên cạnh hình tượng rồng biểu tượng cho vua. Loài linh điểu này cũng là hiện thân của nhiều loài khác: cổ rắn, mỏ gà, đuôi chẻ như đuôi cá, trán của chim hạc, mào của vịt xiêm, thân có những dấu vằn của rồng và phần đằng sau cuốn vòm như con rùa. Lông chim phượng có 5 màu, tiếng hót của phượng hoàng như tiếng nhạc và có 5 biến điệu diệu kỳ. Chim phượng cũng là biểu tượng của hiền đức, không giết hại côn trùng, làm hại cây cỏ. Chim phượng cư ngụ trên cây ngô đồng, ăn hạt hoa trúc, uống nước ở các dòng thác. Trứng của chim phượng là thức ăn của các vị thần tiên.

6

Đồ án trang trí đầu mái hình chim phượng (có ý kiến cho là đại bàng kim sí điểu) bằng đất nung khai quật ở Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: T.Đ.A.S.

Theo truyền thuyết, chim phượng chỉ xuất hiện trong những triều đại thái bình, thịnh trị. Nó là biểu tượng của mặt trời, của mùa hạ và sự thu hoạch mùa màng. Trong mối tương quan về phương hướng, chim phượng cư ngụ ở phương Nam nên ứng với quẻ dương; nhưng trong mối tương quan về giới tính thì chim phượng biểu thị cho yếu tố âm, trong khi rồng biểu thị cho yếu tố dương.

Trong kiến trúc và trang trí thời Nguyễn, hình tượng chim phượng thường xuất hiện nơi các cung điện hay trên trang phục dành cho hoàng hậu, hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu, được thể hiện bởi 3 hay 5 chiếc đuôi, phân biệt với chim loan, là biểu tượng của công chúa, chỉ có 1 chiếc đuôi. Trong kiến trúc đình miếu dân gian, hình ảnh phượng hoàng thường gắn với nơi thờ các vị nữ thần.

7

Đồ án phượng trang trí ở mặt chính cửa Trường An, Đại Nội Huế. Ảnh: T.Đ.A.S.

Vì là một loài chim nhân từ, hiếu sinh nên chim phượng cũng là linh điểu của Phật giáo. Nhiều công trình kiến trúc và trang trí Phật giáo có sự xuất hiện khá phổ biến của chim phượng. Khi khai quật Hoàng Thành Thăng Long, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều tượng đất nung thể hiện hình đầu chim phượng. Điều này được lý giải là do các triều đại Lý - Trần chọn Phật giáo làm quốc giáo và chim phượng là linh điểu của nhà Phật nên hình tượng chim phượng được thể hiện và lưu dụng khá phổ biến trong thời kỳ này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, những pho tượng đất nung hình đầu chim phát hiện ở Hoàng Thành Thăng Long không phải là tượng chim phượng mà là tượng của đại bàng kim sí điểu. Tiền kiếp của loài đại bàng này là chim thần Garuda trong thần thoại Ấn Độ, là vật cưỡi của thần Visnu. Về sau, Garuda hóa thân thành đại bàng kim sí điểu, một trong “Bát bộ chúng” của nhà Phật.

… và những linh vật khác

Ngoài tứ linh, người Việt cũng tôn vinh và sử dụng một số linh thú khác làm biểu tượng văn hóa và tín ngưỡng như:

- Long mã: Long mã là hóa thân của kỳ lân, là sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa. Đó là một linh thú có sừng và bờm của rồng, mình của con hươu xạ, thân có vảy của kỳ lân, chân và móng của ngựa; cao “8 thước 5 tấc, xương cổ dài, cánh bên phải nhúng xuống nước mà không ướt, trên có thánh nhân để bức cổ đồ”.

8

Long mã trên bình phong trước đình làng Lại Thế, Huế. Ảnh: T.Đ.A.S.

Theo truyền thuyết, long mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà, dưới thời Phục Hi, mình xanh, vằn đỏ, trên lưng có mang bức Hà đồ (hay Mã đồ), là sách trời ban cho vua để trị nước. Hà đồ là cơ sở để hình thành lý thuyết về Bát quái sau này. Ngoài ra, long mã còn là linh vật của Phật giáo, bởi nó thường cõng trên lưng Luật Tạng, một trong ba phần cốt tủy của kinh sách nhà Phật (Tam Tạng Kinh).

Ở Huế, hình ảnh long mã xuất hiện nhiều nhất là trên các bức bình phong, một “sản phẩm đặc trưng” của xứ Huế. Đó là hình ảnh con long mã lưng mang Hà đồ, chân lướt trên sóng nước, đầu vươn tới các tầng mây. Long mã cũng xuất hiện trên các cung môn, miếu môn trong hoàng cung triều Nguyễn và thường đi kèm với các linh thú khác như: rùa, kỳ lân hay chim phượng.

Người Huế thường sử dụng kỹ thuật khảm sành sứ và thủy tinh để tạo hình long mã. Song cũng có những long mã được đắp bằng vôi vữa, hay được vẽ bằng phẩm màu.

9

Đồ án Long mã và chữ Thọ trên tường đình làng Lại Thế, Huế. Ảnh: T.Đ.A.S.

- Nghê: Nhiều ý kiến cho rằng, nghê là linh thú do người Việt sáng tạo ra, khác hẳn với kỳ lân hay sư tử. Nghê là hóa thân của con chó, người bạn thân thiết với người dân Việt Nam. Nếu con chó là vật canh giữ của cải, nhà cửa cho người dân, thì nghê là con vật canh giữ về mặt tinh thần, chống lại các thứ tà ma, ác quỷ.

Nhiều làng quê ở miền Bắc Việt Nam có các đền miếu thờ chó đá như đền thờ quan Hoàng Thạch ở Địch Đình (Định Vĩ, Đan Phượng, Hà Nội), đền Cẩu Nhi (Hà Nội) hay đền thờ chó ở thôn Tháp (Phụng Công, Bắc Ninh). Chó đá cũng được đặt trước cổng làng, cổng đình, hay cổng nhà để bảo vệ cho cả cộng đồng hay cho gia chủ. Những con chó đá này đã được người Việt linh hiển hóa bằng cách khắc đẽo, thêm thắt những chi tiết trang trí, khiến nó trở nên oai vệ, trang nghiêm và được gọi là con nghê, linh vật bảo vệ đời sống tâm linh của người Việt. Khác với kỳ lân, con nghê có kỳ mà không có sừng, mình thon nhỏ, dáng chó, đuôi dài.

10

Trước cửa Hiển Nhơn, Đại Nội Huế có 2 con nghê trấn giữ. Ảnh: T.Đ.A.S. 

11

Trước Miếu môn của Thế Miếu, Đại Nội Huế cũng có 2 con nghê trấn giữ. Ảnh: T.Đ.A.S.

   Nghê không chỉ xuất hiện trong các làng quê Bắc Bộ mà còn hiện diện trong các kiến trúc cung đình ở Huế. Trước cửa Hiển Nhơn và trước miếu môn của Thế Tổ Miếu trong Hoàng Thành Huế có hai đôi nghê đá đứng chầu. Khác với hình tượng các con nghê ở đồng bằng Bắc Bộ, hai đôi nghê ở Huế đã được “cung đình hóa” với các chi tiết chạm trổ cầu kỳ, tạo thành các chòm lông xoắn ở đầu, mang tai và đuôi, xen kẽ các đao lửa ở 4 chân và sống lưng.

12

Nghê trấn giữ trước cửa Hiển Nhơn, Đại Nội Huế. Ảnh: T.Đ.A.S.

- Voi: Voi tượng trưng cho sức mạnh, sự khôn ngoan, thận trọng và là 1 trong 4 con thú đại diện cho sức mạnh và sinh lực bên cạnh hổ, sư tử và báo. Voi cũng là 1 trong 7 báu vật của Phật giáo nên hình tượng của voi xuất hiện nhiều trong kiến trúc và trang trí Phật giáo.

13 

Tượng voi trấn giữ trước tam quan chùa Keo làng Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định. Ảnh: Trần Văn Quyến.

Trước một số đình chùa ở Việt Nam có tượng voi phủ phục ở hai bên như ở trước tam quan chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định) hay trước điện Long Châu (miếu Voi Ré) ở Huế. Trong lăng vua Lê Thái Tổ ở Lam Kinh (Thanh Hóa) và lăng của các vua Nguyễn ở Huế đều có tượng voi chầu hầu.

Ngoài ra, người Việt còn sử dụng hình ảnh các loài vật khác như hổ, ngựa, hạc, cá, cóc… để làm biểu tượng như: tượng hổ trong lăng Trần Thủ Độ ở Thái Bình hay hình tượng hổ trên các bức bình phong trong khuôn viên các đền miếu ở Quảng Nam; hình tượng ngựa trong các lăng tẩm các vua ở Huế, hình tượng cá trên bình phong trước đền Trần ở Nam Định, hình tượng chim hạc và cóc trên trống đồng Đông Sơn…

Có một chắc chắn là người Việt không chọn các linh thú như sư tử, kỳ hưu (hay bì hưu) làm biểu tượng của mình. Bởi lẽ, đó là những linh vật thuần túy Trung Hoa, xa lạ với người Việt. Hơn nữa, sư tử vốn là vị thần canh cổng cho các đền thờ và lăng mộ của các vị vua chúa Trung Hoa, ai lại đem nó đặt trước cổng nhà của mình.

Cũng cần lưu ý rằng, dù chịu ảnh hưởng Trung Hoa khi lựa chọn một số linh thú làm biểu tượng, người Việt cũng tạo hình các linh thú này khác hẳn với cách tạo hình của người Trung Quốc; tính chất của các linh thú này trong quan niệm của người Việt Nam cũng không giống với quan niệm của người Trung Quốc. Đơn giản là vì người Việt luôn tiếp thu có chọn lọc và Việt hóa những gì đến từ bên ngoài, chứ không tiếp nhận hay vay mượn theo kiểu rập khuôn.

* Bài viết có tham khảo tư liệu từ các sách: Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí của Nguyễn Hữu Thông (Thuận Hóa 2001); Outlines of Chinese Symbolism and Art Motives của C.A.S. Williams (Đài Bắc 1977) và Dictionary of Chinese and Japanese Art của Hugo Munsterberg (New York 1981)

 

                                                                                                     Nguồn: covattinhhoa.vn

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 123

Tất cả 2838767

Videos

Liên kết website