Thứ năm, 12 Tháng 5 2016 07:33

Chuyện về người hai lần gặp Bác Hồ

 

LSO-Mỗi lần nhắc đến Bác Hồ, bà lặng đi như để nhớ lại một thời xa cũ. Kể về Bác, bà luôn câu cửa miệng, có Bác mới có ngày hôm nay. Câu chuyện hiếm hoi về người hai lần tặng hoa Bác, tôi đã được biết từ năm 2007, tháng 5 này nhớ những buổi trò chuyện với bà lại khiến tôi không thể không viết bởi mấy nhẽ: chắc còn nhiều người chưa biết câu chuyện cảm động đó, bà đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Viết ra kẻo nữa lại quên!

image001 

Bà Bế Thanh Súy, quàng khăn đỏ đứng bên trái Bác Hồ (Ảnh do gia đình cung cấp)


Với người dân phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, căn nhà số 60 phố Hùng Vương cũng giống như bao căn nhà khác. Nó không có gì đặc biệt. Nhưng nếu để ý một chút, dù chỉ một chút thì sẽ thấy chủ nhân căn nhà là người khá đặc biệt. Đặc biệt vì chủ nhà hay mặc trang phục dân tộc Thái. Hay hát những làn điệu dân ca Thái. Mà hát “xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu) ở xứ Lạng thì quá đặc biệt rồi. Mỗi lần chủ nhân cất tiếng hát người ta dễ xao xuyến với những vần điệu khi dặt dìu, khi vui, khi buồn như trải nỗi lòng của cô Nọng trong thơ Thái, và chắc họ cũng chỉ biết à có thể chủ nhân là người Thái.  Nhưng có lẽ ít người biết chủ nhân ngôi nhà này đã hai lần được vinh dự tặng hoa cho Bác Hồ, được biểu diễn văn nghệ cho Bác xem. Mỗi khi kể lại câu chuyện ấy bà luôn xúc động như chuyện mới xảy ra hôm qua.

Năm 2007, một đồng nghiệp Báo Sơn La gửi cho tôi bức ảnh Bác Hồ thăm Tây Bắc năm 1959. Mail tấm ảnh anh còn biên mấy dòng: “Cậu đi tìm hộ người trong ảnh này, nghe đâu bác ấy xưa ở Đoàn Văn công Lạng Sơn nay về hưu ở phố Hùng Vương. Nhưng cẩn thận sợ người ta tự ái, nếu không phải thì khổ cho cậu”. Nhìn tấm ảnh đen trắng rất lạ tôi biết chắc sẽ có những thú vị trong những con người đứng cạnh Bác. Ngay lập tức đến Đoàn Văn công hỏi, chìa bức ảnh ra mọi người đều lắc đầu. May có chị Hương ca sĩ còn nhớ một chi tiết, nếu đội khăn piêu khả năng là chị Súy, chị ấy người Thái mà. Chỉ có vậy tôi lao ngay ra đường Hùng Vương vốn là nơi quen thuộc nên rất dễ tìm. Tiếp chuyện tôi là một phụ nữ độ 60 tuổi nhưng xuân sắc vẫn mặn mà, giọng trong veo rổn rảng. Liếc tấm ảnh tôi cầm trên tay bà rơm rớm nước mắt và thốt lên: “Đây là cô, còn đây là anh Núi, đứng cạnh là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Tố Hữu…”.

Rồi bà quay sang hỏi tôi: “Cháu từ đâu đến, sao cháu có bức ảnh này”? Khi biết ý định của tôi, bà bắt đầu kể say sưa về Bác, về một thời niên thiếu của bà. Bức tranh cuộc đời bà như một thước phim quay chậm bày ra trước mắt tôi lúc khoan lúc nhặt từng câu kể như dồn nén chưa có dịp thổ lộ cùng ai. Bà tên là Bế Thanh Súy. Nếu nói quê gốc thì bà ở Tri Phương, Tràng Định, Lạng Sơn. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, bố bà lên vùng Tây Bắc và xây dựng gia đình với một cô gái Thái. Từ đây 4 anh chị em bà lần lượt ra đời. Nhà đông con nên kinh tế không mấy dư giả, thế nhưng bố mẹ bà vẫn quyết tâm cho con ăn học với ước nguyện sau này không khổ. Bà lớn lên trong vùng văn hóa Tây Bắc. Mẹ bà vốn là con gái gốc dân tộc Thái nên rất mê ca hát, những lúc rỗi rãi mẹ bà thường hát cho các con nghe những làn điệu dân ca, niềm yêu văn nghệ thấm vào trong bà tự lúc nào. Sau giải phóng Điện Biên bà được bố mẹ gửi xuống Thuận Châu - Sơn La để học. Suốt những năm tháng xa gia đình đã rèn cho bà nghị lực vượt khó, tự lập.

image002

Bà Bế Thanh Súy cùng chồng ôn lại kỷ niệm tặng hoa Bác Hồ ngày 7/5/1959

Theo hướng dẫn của cô giáo, tốp học sinh lên tặng hoa Bác Hồ. Nói đến đây mắt bà nhòe đi đẫm lệ: “May cho bà là bó hoa của bà được tặng chính cho Bác Hồ”. Lúc ấy bà xúc động đến chẳng biết làm gì, cô giáo bảo sao thì làm vậy. Khi nhận bó hoa, Bác rất cảm động, Người cúi xuống cầm tay bà trong tiếng hò reo của cả sân vận động. Bác dừng lại hồi lâu rồi hỏi: “Cháu dân tộc gì”? “Thưa Bác cháu dân tộc Thái ạ (Bà lấy dân tộc theo mẹ). “Cháu thích múa, hát không”? “Thưa Bác có ạ”. Rồi rất nhanh Bác nói với tất cả các bạn bà: “Tây Bắc giải phóng rồi, các cháu, các bạn cháu sẽ được học hành, được múa hát”. Đám đông lại ồn lên. Bác Hồ muôn năm! Thế rồi như là cái duyên, ngay năm sau bà được tuyển chọn vào Trường Múa Việt Nam. Suốt trong những năm tháng học tập, bà luôn khắc ghi những kỷ niệm về Bác, được gặp Bác dù chỉ ngắn ngủi nhưng đã tiếp thêm nghị lực cho bà thị phạm những điệu múa khó, chịu đựng những đau đớn mệt mỏi mà người diễn viên múa phải đào luyện. Mỗi lần như vậy bà luôn tâm niệm có Bác ở bên.Năm 1959, bà học lớp 4 trường Thuận Châu, Tây Bắc vừa giải phóng được 5 năm. Một hôm khi bà đến lớp, đến giờ học mà chẳng thấy cô giáo đâu, chờ mãi cô giáo mới lên lớp, hớt hải chọn mấy em học sinh trong tốp văn nghệ và dặn, hôm nay các em không học mà đi tặng hoa cán bộ. Tặng hoa ai thì chính cô giáo cũng chẳng biết. Thế rồi cô giáo và mấy đứa học sinh chạy vào đơn vị bộ đội gần trường để xin hoa. Gọi là hoa nhưng thật ra chỉ có mấy bông cúc, bông thược dược được gói trong những tờ báo đơn sơ. Theo cô giáo, cả lũ kéo nhau ra sân vận động Thuận Châu. Hôm ấy cả sân vận động rực rỡ cờ hoa, có khán đài, có rất đông người tập họp, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai biết có chuyện gì xảy ra. Tầm nửa buổi, đám đông ào lên vì có một đoàn người bước lên khán đài, cả sân vận động như bừng tỉnh và reo lên Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm! Bà còn nhớ rất nhiều người đã khóc.

Thời bấy giờ học múa là phải từ lớp năng khiếu, hoặc tuyển chọn. Sau đó mới học sơ cấp 7 nghĩa là học 7 năm, tiếp mới học lên trung cấp rồi cao đẳng, đại học. Vì thế học múa rất vất vả nhưng Bế Thanh Súy luôn vượt lên là một trong những học sinh khá của trường múa. Năm 1966, sau buổi học, bà và cả lớp được đích thân thầy hiệu trưởng gặp. Sau khi hỏi han việc học tập, ăn ở ông hiệu trưởng cho biết hôm nay các em sẽ đi biểu diễn phục vụ. Nhưng đi phục vụ ở đâu thì thầy không nói. Tối vừa hóa trang xong thì mấy chiếc xe vào tận trường đón, xe chạy vòng vèo qua các phố rồi dừng lại trước một tòa nhà lớn. Khi vào đến nơi, Bác Hồ đã ở đó tươi cười chào đón các cháu học sinh. Lúc này bà mới biết hôm nay bà và các bạn được biểu diễn cho Bác và đoàn đại biểu “Quy” Ba xem. Khi ấy bà hết sức xúc động, bao nhiêu tâm sức dồn vào điệu múa: “Lúc ấy cô cứ như mơ cháu ạ” - bà nói.

Buổi biểu diễn kết thúc, Bác chia quà cho các cháu. Khi Bác đến gần, bà lấy hết can đảm cất lời: “Thưa Bác, Bác còn nhớ cháu không”? Và thật bất ngờ, Người dừng lại hồi lâu rồi nói: “Bác nhớ rồi, cháu tặng hoa Bác khi Bác lên Tây Bắc đúng không”? Điều này làm bà xúc động đến tận bây giờ. Bà tâm sự: “Bác bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn còn nhớ bà, nhớ người tặng hoa cách đấy cả 7 năm. Theo bà, gặp Bác là bước ngoặt của cuộc đời bà, từ học sinh trở thành học viên trường múa rồi diễn viên điều ấy với bà nó quá may mắn giống như một giấc mơ giữa đời thực.

image003

Bà Bế Thanh Súy dạy các cháu hát điệu xống chụ xon xao

Sau khi tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam, bà trở về Tây Bắc làm giảng viên Trường Nghệ thuật Tây Bắc. Rồi bà lấy chồng, chồng bà là một kỹ sư nông lâm gắn bó với xứ Lạng. Thế là bà lại theo chồng về Lạng Sơn và công tác tại Đoàn Văn công Lạng Sơn. Suốt những năm tháng ấy, cuộc đời bà có bao thay đổi, bao vất vả thăng trầm nhưng lời nói của Bác, những lời dặn của Bác như thôi thúc bà thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Đến bây giờ khi tóc đã bạc, da đã mồi, nhưng bà vẫn giữ nếp xưa, vẫn khăn piêu, vẫn dạy con cháu hát điệu “xống chụ xon xao”. Và đặc biệt kỷ vật quý nhất của bà là tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ.

54 năm trôi qua, cô bé Bế Thanh Súy tặng hoa Bác năm xưa đã là bà nội, bà ngoại. Nguyên giảng viên trường Nghệ thuật Tây Bắc, là cô văn công Đoàn Văn công Lạng Sơn nghỉ hưu. Bà lại bận bịu với bao việc gia đình, chăm sóc chồng con. Hoạt động xã hội…nhưng mỗi khi lễ tết, ngày sinh nhật Bác, bà đều mang bức ảnh xưa ra lau chùi lại, kể cho con cháu nghe những chuyện gặp Bác. Với bà đó là những kỷ niệm không bao giờ mờ phai.

Nguồn: Baolangson.vn

Last modified on Thứ năm, 12 Tháng 5 2016 07:49

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 77

Tất cả 2837157

Videos

Liên kết website