Thứ sáu, 04 Tháng 3 2016 09:35

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ ĐA DẠNG HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG BẢO TÀNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA BẢO TÀNG LẠNG SƠN

Ngày 31 tháng 12 năm 2010, Bộ VHTT&DL đã có Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL, Quy định về tổ chức và hoạt động của Bảo tàng. Đây chính là cánh cửa rộng mở cho các Bảo tàng công lập, Bảo tàng ngoài công lập phát triển và đa dạng hóa các hoạt động của mình, tiến tới xây dựng Bảo tàng ngày càng hiện đại về chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách tham quan khi đến với Bảo tàng

 

    Hai từ "Bảo tàng" nói chung đã được hiểu theo nhiều nghĩa mới, không chỉ là nơi để lưu giữ những cái đã qua, những cái cũ, những cổ vật hay là một nơi tàng trữ di vật, mà ngày nay công chúng tìm đến Bảo tàng để trải nghiệm, để học hỏi những kiến thức mới và để có những giây phút thoải mái. Do vậy Bảo tàng đã trở thành nơi công chúng lựa chọn... Điều đó khiến cho việc đa dạng hóa các hoạt động bảo tàng trở nên vô cùng cấp thiết. Hòa trong dòng chảy hội nhập và phát triển đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để Bảo tàng Lạng Sơn ngày càng phát triển, xứng đáng với vị thế của một tỉnh biên giới, địa đầu của Tổ quốc, trở thành điểm đến của du khách thập phương trong và ngoài nước? 

Vấn đề đa dạng hóa các hoạt động Bảo tàng.

          Thực tiễn hoạt động cho thấy, trước đây, đa phần các Bảo tàng đã tiến hành các hoạt động chuyên môn của mình như nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giáo dục... nhưng vai trò của công chúng, của cộng đồng chưa được đề cao. Sự tham gia của cộng đồng chủ yếu ở việc lấy thông tin, thì nay nghiên cứu lại chú trọng nhiều đến sự hợp tác, cộng tác của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả các di sản văn hóa. Đa số các trưng bày thời kỳ trước thiên về mục đích tuyên truyền thuần túy, đơn giản, nên thường khô cứng và kém hấp dẫn, thiếu vắng những chương trình giáo dục riêng phù hợp với từng đối tượng, nhất là học sinh. Không những thế, do đơn giản coi trưng bày là hoạt động trung tâm của Bảo tàng nên sau khi cắt băng khai mạc, thì các cuộc trưng bày coi như đã hoàn thành, mà không có các hoạt động khác để lôi cuốn khách đến tham quan kể từ khi khai mạc cho đến lúc kết thúc cuộc trưng bày. Ví dụ như các hoạt động trình diễn, biểu diễn, hội thảo, tọa đàm, chiếu phim và nhiều hoạt động khác nhau của chương trình giáo dục

   Sự cần thiết phải đa dạng hóa các hoạt động ở Bảo tàng Lạng Sơn.

     Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn được kiện toàn lại năm 2009 trên cơ sở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh được thành lập từ năm 1993. Bảo tàng tỉnh ra đời trong bối cảnh Lạng Sơn đang bước vào thời kỳ mở cửa, hội nhập, giao lưu kinh tế với Trung Quốc. Hằng năm có hàng triệu khách tham quan trong và ngoài nước đến với Lạng Sơn, dẫn đến những thay đổi về kinh tế, sự mở rộng giao lưu. Bên cạnh đó, những ứng dụng của tiến bộ khoa học kĩ thuật và cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Nhu cầu và trình độ thưởng thức văn hóa và nhu cầu giải trí của người dân ngày càng tăng lên. Chính những nhu cầu này của người dân là điều kiện thuận lợi để Bảo tàng mở rộng cánh cửa của mình đón chào du khách. Nhung đó cũng lại là một thách thức lớn đối với công tác Bảo tàng.

          Hiện nay đất nước đang trong thời kỳ phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, do vậy Bảo tàng cũng không nằm ngoài quy luật kinh tế thị trường nữa. Bảo tàng không thể coi nhẹ đối tượng phục vụ của mình mà phải vận động và lôi kéo công chúng đến thăm Bảo tàng. Để thu hút được công chúng đến với Bảo tàng, trước hết Bảo tàng phải hiểu rõ để từ đó đáp ứng những yêu cầu của công chúng. Nghĩa là Bảo tàng không chỉ đơn thuần đưa ra những trưng bày hay hoạt động mang tính chủ quan, mà không quan tâm đến những sở thích, nhu cầu hay ý kiến của công chúng. Do vậy chỉ khi nào có được những trưng bày hay hoạt động đa dạng, đều kỳ, hấp dẫn, nhiều thông tin và đầy tính giáo dục, đồng thời những thông tin về những hoạt động ấy được truyền bá tới đông đảo công chúng thì Bảo tàng mới thực sự vươn tới công chúng của mình.

         Định hướng hoạt động của Bảo tàng Lạng Sơn trong thời gian tới.

          Để đáp ứng tốt công tác đa dạng hóa các hoạt động của Bảo tàng trong giai đoạn tiếp theo, theo chúng tôi thì cần tập trung mọi nguồn lực tổ chức thực hiện hoạt động sau: 

          1. Trưng bày:

          - Trưng bày thường xuyên: Đây là hoạt động cần thiết của bất cứ Bảo tàng nào. Các trưng bày thường xuyên phải đảm bảo chất lượng cao, có quy chuẩn rõ ràng, cập nhật, phù hợp với các xu thế hiện đại trong quan niệm và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, cung cấp nhiều thông tin.

          - Trưng bày chuyên đề: Có thể nói trưng bày chuyên đề giữ vai trò rất quan trọng trong mỗi Bảo tàng. Đó là một trong những hoạt động then chốt của Bảo tàng, là động lực thu hút công chúng đến với Bảo tàng, tạo ra những hoạt động mới, thường xuyên, đều kỳ. Vậy nên Bảo tàng cần thường xuyên tổ chức trưng bày chuyên đề vì chính các trưng bày chuyên đề cùng với các hoạt động kèm theo sẽ tạo ra sức hấp dẫn, thu hút công chúng đến với Bảo tàng.

          2. Chương trình giáo dục: Bảo tàng ngày nay cần nhận thức đúng đắn vai trò của chương trình giáo dục trong hoạt động của Bảo tàng, đó không phải là hoạt động tuyên truyền mà là hoạt động mang tính sư phạm, có tính chuyên nghiệp cao. Các chương trình giáo dục trong Bảo tàng cần quan tâm trước hết đến đối tượng trẻ, đặc biệt là học sinh phổ thông.

          Ngoài ra Bảo tàng nên cung cấp những giáo cụ trực quan cho học sinh (những hiện vật để các em có thể sờ được và trải nghiệm) như vậy các em có thể hiểu được sâu sắc hơn về vấn đề mà các em quan tâm.

          Từ những quan niệm và nhận thức mới đó chúng ta có thể xây dựng các hoạt động phù hợp với các đối tượng khác nhau. Ví dụ như:

          - Xây dựng các chương trình tham quan có định hướng dành cho nhà trường, cho học sinh, có tài liệu dành riêng cho học sinh thuộc các lứa tuổi khác nhau, có tài liệu hướng dẫn giáo viên.

          - Xây dựng chương trình tham quan dành cho gia đình, tài liệu giúp bố mẹ dẫn con cái thăm và chơi trong Bảo tàng.

          - Xây dựng các hoạt động giáo dục đa dạng như: hoạt động gắn với các cuộc trưng bày thường xuyên hay chuyên đề, xây dựng chương trình giáo dục về di sản văn hóa như: dạy nghề thủ công truyền thống cho học sinh, biểu diễn dân ca, dân vũ ...

          - Chương trình dành cho công chúng; Bên cạnh những chương trình giáo dục dành cho các lứa tuổi học sinh khác nhau, Bảo tàng cần có nhiều các chương trình khác danh cho công chúng như:

          - Xây dựng và hình thành các hoạt động trình diễn và biểu diễn gắn với trưng bày chủ thể văn hóa và cộng đồng.

          - Các hoạt động thuyết trình, hội thảo, tọa đàm gắn liền với nội dung chủ đề trưng bày chuyên đề.

          Như vậy, với các hoạt động đa dạng và sáng tạo, bảo tàng mới có thể chủ động thỏa mãn nhu cầu thưởng thức và nâng cao hiểu biết của công chúng khi đến thăm bảo tàng 

          3. Hoạt động tiếp thị: Hoạt động tiếp thị là khâu không thể thiếu trong một Bảo tàng. Tiếp thị để tuyên truyền, quảng bá về trưng bày, về các hoạt động của Bảo tàng nhằm thu hút khách. Chúng ta có thể tiếp thị dưới nhiều hình thức như tuyên truyền, maketinh thông qua các ấn phẩm (sách giới thiệu trưng bày, các tờ rơi giới thiệu, các panô, áp phích, quảng cáo..) Tổ chức họp báo dành riêng cho báo chí trước ngày khai trương trưng bày để thông tin có thể đến được với công chúng kịp thời. 

          4. Cửa hàng lưu niệm: Hiện nay chúng ta cần nhận thức mới về vai trò của cửa hàng lưu niệm. Đó không phải là nơi cho thuê, bán hàng đơn thuần lấy lãi, mà là nơi để giới thiệu các mặt hàng có liên quan đến hiện vật hay đề tài trưng bày. Mục tiêu của cửa hàng lưu niệm là sự tiếp nối giáo dục văn hóa theo mục tiêu của trưng bày và kinh doanh mang lại lợi nhuận cho Bảo tàng. Dĩ nhiên hàng hóa được bán tại của hàng lưu niệm này phải gắn với trưng bày của Bảo tàng, phải đạt chất lượng cao, thích ứng với các nhu cầu kỷ niệm khác nhau.

          5. Các dịch vụ khác: Thời gian du khách lưu lại Bảo tàng cũng là một tiêu chí để đánh giá thành công của Bảo tàng. Muốn giữ chân khách ở Bảo tàng lâu hơn, bên cạnh việc tổ chức những hoạt động hấp dẫn và các điều kiện cơ sở vật chất tạo sự thoái mái cho du khách, cần có các dịch vụ nhu cầu ăn uống của khách. Bảo tàng cần có cửa hàng càphê, giải khát, ăn uống chất lượng cao, đặc biệt chúng ta nên giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng của địa phương.

          Giải pháp tổ chức thực hiện:

          1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt dự án sửa chữa, cải tạo và nâng cấp bảo tàng và hệ thống trưng bày tại nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh.

          2. Tập trung thực hiện tốt công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật bổ sung cho công tác trưng bày và nghiên cứu khoa học.

          3. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nâng cao nhận thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê-bảo quản và thuyết minh.

          4. Xây dựng và tổ chức tốt các cuộc triển lãm chuyên đề, triển lãm lưu động với phương châm "Đưa Bảo tàng đến với công chúng". Nâng cao hơn nữa công tác trưng bày, đổi mới các hoạt động thuyết minh, tuyên truyền.

          5. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu sưu tầm, phục dựng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể và lưu giữ hệ thống tại Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa địa phương.

          6. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa Bảo tàng, thu hút các nguồn tài trợ bổ sung cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

          7. Xây dựng trung tâm dịch vụ, cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách tham quan khi đến với Bảo tàng.

          Để đạt hiệu quả tốt các vấn đề trên đây, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn rất mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đặc biệt là việc phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, sủa chữa khu nhà làm việc và hệ thống trưng bày của Bảo tàng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan. Kinh phí hàng năm cần đảm bảo đáp ứng cho các hoạt động trưng bày, nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật. Hy vọng rằng, với sự quan tâm đó,  Bảo tàng Lạng Sơn sẽ ngày càng phát triển, xứng đáng là điểm du lịch hấp dẫn để du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, các giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng đất biên cương phía Bắc Tổ quốc./.


                                                                                                            Nông Đức Kiên

                                                                                             (Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn)

 

 

 

 

Last modified on Thứ sáu, 04 Tháng 3 2016 09:43

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 6

Tất cả 2838774

Videos

Liên kết website