Thứ hai, 18 Tháng 1 2016 02:15

Văn hóa Đông Sơn - Kho tàng vũ khí hiếm có

Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn luôn chú trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật là vũ khí cổ qua các thời kỳ. Có thể nói đây là một mảng còn trống nhiều, sau khi Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn được thành lập. Tháng 11/2013, các cán bộ Bảo tàng đã sưu tầm được một số vũ khí thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, đây là lần thứ hai các hiện vật văn hóa Đông Sơn trên địa bàn tỉnh được phát hiện, sưu tầm.

Trong đợt kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, Bảo tàng Lạng Sơn được Hội cổ vật Thăng Long - Hà Nội và 11 hội viên, Trung tâm UNESCO nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Việt Nam cùng một số nhà sưu tập tư nhân có tâm huyết với công tác bảo tồn di sản đã hiến tặng 144 hiện vật, trong đó có 47 hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn, thời kỳ đồ đồng có sự phát triển rực rỡ cả về số lượng và loại hình.

image003 

Sưu tập mũi giáo - Văn hóa Đông Sơn, niên đại: 2.500 - 2000 năm cách ngày nay.

          Văn hoá Đông Sơn là một nền văn hoá thời đại kim khí cách ngày nay khoảng 2.500 - 2.000 năm, có nguồn gốc bản địa với địa bàn phân bố rộng (từ biên giới phía Bắc đến tỉnh Quảng Bình ở Bắc Trung Bộ). Văn hoá Đông Sơn ra đời và phát triển rực rỡ dựa trên nền tảng một quá trình hội tụ lâu dài qua các giai đoạn từ Tiền Đông Sơn đến Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun; có mối liên hệ mật thiết với các nền văn hoá phát triển cùng thời trên đất nước ta như văn hoá Sa Huỳnh (ở Trung Nam Bộ) và văn hoá Đồng Nai (ở lưu vực sông Đồng Nai). Văn hoá Đông Sơn còn được coi là trung tâm phát triển của Đông Nam Á, có mối tương quan với các trung tâm phát triển trong khu vực như trung tâm Đông Bắc (Thái Lan), trung tâm Điền (Vân Nam, Trung Quốc). Đỉnh cao của Văn hoá Đông Sơn là nghệ thuật đúc đồng. Người Việt đã hoàn toàn làm chủ cách pha chế nguyên liệu và kỹ thuật chế tạo nhiều loại đồ vật bằng đồng thau. Kỹ thuật luyện kim và đúc đồng được ứng dụng để tạo ra những loại binh khí sử dụng chống giặc ngoại xâm.

          Tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn hiện nay đang lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật là vũ khí thời kỳ văn hóa Đông Sơn như giáo lưỡi tam giác, rìu xòe cân, rìu lưỡi xéo, mũi giáo, mũi lao, dao găm, mũi tên, hộ tâm phiến... các loại hình trên khá phong phú và đa dạng.

          Trong đó, theo phân loại của các nhà khảo cổ học, giáo là loại vũ khí tiến công quan trọng và là tiêu chí để nhận biết những đặc điểm riêng của văn hóa này. Giáo thường có đặc điểm lưỡi mỏng dẹt, sống lưỡi nổi cao, cánh lưỡi xòe đều sang hai bên, góc lưỡi tù, trên cánh lưỡi có hai lỗ thoát máu. Giáo có họng tra cán dạng ống trụ, cán thường được làm bằng gỗ hoặc tre sử dụng để sát thương đối phương bằng cách đâm hoặc phóng. 

          Lao là vũ khí tầm trung được sử dụng bằng cách phóng. Lao có hình dáng tương tự như giáo và một số mũi tên.

          Dao găm là loại vũ khí chiến đấu và tùy thân được cư dân Đông Sơn rất ưa chuộng. Phần lớn dao găm có phần lưỡi giống nhau, sự khác biệt thường nằm ở phần cán. Dao găm hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lạng Sơn có kích thước dài 25,5cm đốc hơi lồi phần tay cầm eo lại, phần tiếp cán với lưỡi rộng. Căn cứ vào cán, đốc và phần lưỡi ta có thể xếp dao găm loại này thuộc vào nhóm một,  dao găm cán hình chữ “T”. Loại này khá phổ biến và điển hình của loại hình sông Mã trong văn hóa Đông Sơn.

          Mũi tên đồng thực sự phát triển ở giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Bản thân mũi tên chưa tạo thành một loại vũ khí hoàn chỉnh, nó mới chỉ là một phần của vũ khí cung nỏ. Mũi tên đồng được phát hiện ở Lạng Sơn có hai loại (loại mũi tên ba cạnh và loại mũi tên múi khế) Sự hiện diện của những chiến binh dùng cung nỏ được khắc họa trên các đồ đồng Đông Sơn và những tài liệu thư tịch cổ, truyền thuyết ca ngợi tài dùng cung nỏ của người Lạc Việt - Âu Việt, cho phép chúng ta khẳng định vai trò to lớn của vũ khí cung nỏ thời kỳ này.

          Lao, giáo, mũi tên được phân biệt trước hết ở kích thước: lớn nhất là giáo, nhỏ nhất là tên, lao thuộc cỡ trung bình, nằm giữa giáo và tên. Mũi lao được mài nhọn, chuôi lao được mài vát đều hai bên nhỏ lại hơn bề rộng thân, giữa thân và chuôi bao giờ cũng có phần gờ nổi tạo thuận tiện cho việc buộc thêm cán. Những mũi lao đồng xuất hiện lần đầu tiên vào giai đoạn văn hóa Đồng Đậu - Gò Mun và phát triển ở giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Cũng như những vũ khí bằng đồng khác ở giai đoạn này, lao còn mang những yếu tố của các loại vũ khí tiền thân như mũi tên từng có mặt từ giai đoạn trước hoặc phỏng theo hình dáng của những mũi lao bằng xương trong cùng giai đoạn. Lao giống tên ở chỗ chỉ sử dụng được một lần nhưng lại không cơ động, không tiện dụng bằng tên, vì nó cồng kềnh hơn, người ta chỉ cầm theo người từ 1 - 2 cái lao chứ không cầm được cả nắm như tên. Cũng chính vì thế mà trong thực tế chiến đấu, lao được sử dụng không phổ biến bằng cung tên. Thực tế cho ta thấy, trên trống đồng Ngọc Lũ phát hiện năm 1893 - 1894 tại xã Như Trác, huyện Nam Xang, nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và trống đồng Hoàng Hạ, Đông Sơn... khi nghiên cứu người cầm lao không chỉ cầm một thứ vũ khí là lao ở tay trái mà tay phải còn cầm thêm một cây giáo có cán dài. Sau khi đã phóng lao thì các chiến binh sẽ chiến đấu bằng giáo ở tầm gần.

          Có thể nói, văn hóa Đông Sơn được phân bố rộng trải dài từ miền Bắc đến miền Trung Việt Nam nhưng vẫn mang tính thống nhất rất đậm nét. Sự thống nhất được thể hiện rõ nhất là sưu tập đồ đồng Đông Sơn. Các đồ đồng khác thuộc vào các bộ hiện vật của công cụ sản xuất, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, nhạc khí, đồ trang sức nghệ thuật cũng rất dễ nhận biết tính Đông Sơn của nó thông qua những biểu hiện bên ngoài như hình dáng và hoa văn trang trí. Với kỹ thuật luyện kim độc đáo của người Đông Sơn, khiến chúng không thể nào lẫn với các hiện vật được chế tạo ở các trung tâm đúc đồng khác. Vậy nên có thể nhận xét rằng, đồ đồng Đông Sơn - Thời đại phát triển rực rỡ của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam.

          Sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn ở Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn là một sưu tập mang tính hệ thống, tuy không nhiều về số lượng, nhưng rất phong phú về kiểu dáng, loại hình. Nghiên cứu đầy đủ sưu tập các di vật này không những giúp cho chúng ta thấy được trình độ mỹ thuật, kỹ thuật đúc đồng điêu luyện đáng kinh ngạc mà còn hình dung được phần nào cuộc sống của người Đông Sơn và văn minh Đông Sơn đã trở thành một thành tố quan trọng cho việc lập nên quốc gia, dân tộc Việt Nam là niềm tự hào của chúng ta về tổ tiên thủa bình minh của lịch sử. 

                                                                                                 Bài và ảnh

                                                                                         Nguyễn Gia Quyền

Tài liệu tham khảo:

1. Vũ Thế Long - Hình và tượng động vật trên trống và các đồ đồng Đông Sơn.

(Tạp chí Khảo cổ học số 14, năm 1974)

2. Hà Văn Tấn - Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam.

(Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, năm 1994)

3. Viện Khảo cổ học - Khảo cổ học Việt Nam, Tập II thời đại kim khí Việt Nam.

(Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, năm 1999)

Last modified on Thứ hai, 18 Tháng 1 2016 02:20

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 28

Tất cả 2837208

Videos

Liên kết website