Thứ năm, 09 Tháng 5 2013 08:54

Trống đồng Na Dương

Năm 1970, trong lúc đi chăn trâu, một cụ già ở làng Đông Quan, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình đã phát hiện tại sườn đồi Khau Bất ven làng một chiếc trống đồng cổ. Sau này, các nhà khoa học đã lấy tên địa điểm tìm thấy trống để đặt tên cho  trống - trống Na Dương.

Mặc dù bị vùi sâu trong lòng đất nhưng trống vẫn còn nguyên vẹn hình dáng, chỉ bị  thủng nhỏ ở thân và vỡ các mảnh nhỏ ở chân đế. Căn cứ vào kiểu dáng, hoa văn trang trí trên mặt và thân trống, các chuyên gia về trống đồng đã xếp trống Na Dương vào nhóm trống loại I (theo cách phân loại của Heger). Loại trống này thường được gọi là trống Đông Sơn vì đây là loại trống đặc trưng, tiêu biểu nhất của Văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên, trống Na Dương thuộc dòng trống Đông Sơn muộn sau chính thống - ra đời khi Văn hóa Đông Sơn đã kết thúc cơ bản. Niên đại khoảng thế kỷ I đến thế kỷ V. Cho đến nay, trống Na Dương vẫn là chiếc trống Đông Sơn duy nhất tìm thấy ở Lạng Sơn.

Có thể thấy trống Na Dương mang những nét rất đặc trưng của dòng trống Đông Sơn. Dáng trống hài hòa, cân đối với ba phần rõ rệt: tang phình, thân thon, đế choãi.

td003

Mặt trống Na Dương 

Mặt trống không trùng khít với tang mà hơi chờm ra khỏi tang. Chính giữa mặt trống là hình ngôi sao 13 cánh tượng trưng cho mặt trời. Các cánh sao nhỏ và mảnh nằm gọn trong đường tròn giới hạn. Xen giữa các cánh sao là văn lông công hình tim với biểu tượng sinh nam thực khí gắn với ý nghĩa phồn thực. Tiếp đó, các vành hoa văn được bố trí theo kiểu đồng tâm từ trong ra ngoài như sau:

- Vành 1,4,8,11 là văn hình răng lược.

- Vành 2,3,9,10 là vòng tròn kép có chấm giữa.

- Vành thứ 5 là các đường gấp khúc cắt nhau tạo thành hình trám.

- Vành 6 là hình người trang sức lông chim nhưng mang tính cách điệu cao - biến thành hình văn cờ.

- Vành 7: gồm 4 họa tiết hình trâm chia vành này thành 4 phần bằng nhau, mỗi phần có 2 con chim nhỏ dài, thân hình xương cá đuôi xoè rộng bay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Người ta thường gọi đó là chim Lạc để gắn nó với hình ảnh nước Lạc Việt xa xưa...

Có thể thấy bố cục trang trí hoa văn trên mặt trống Na Dương rất hài hoà, tinh tế đồng thời mang tính biểu tượng cao. Những hình người và vật biểu tượng xoay tròn quanh tâm trống đã diễn tả một cách tài tình quan niệm của người xưa về vũ trụ: Đó là hình ảnh Trái đất (tượng trưng bằng người, vật) quay quanh mặt trời (tượng trưng bằng ngôi sao 13 cánh). Cuộc sống của người nông dân gắn liền với đất, với nước nên hơn ai hết họ luôn cầu mong cho mưa thuận gió hoà, vạn vật sinh sống nảy nở. Để thể hiện khát vọng lành mạnh đó, chủ nhân văn hoá Đông Sơn đã sáng tạo trên mặt trống 4 khối tượng cóc bố trí từng cặp đối xứng qua tâm trống, cách đều nhau. Các khối tượng cóc đều được tạc ở tư thế động: người nhổm cao, đầu hướng lên trời trong tư thế gọi nước, cầu cho mưa gió thuận hoà, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Hình ảnh trang trí trên mặt trống đã thể hiện rất rõ tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng cầu mùa và thờ thần Mặt trời của cư dân nông nghiệp cổ.

Phần tang và phần thân trống Na Dương trang trí đơn giản, hầu hết là sự lặp lại những hoa văn đơn giản trên mặt trống (văn răng lược và vòng tròn kép có chấm giữa), song tuỳ từng phần mà có bố cục hợp lý: ở tang trống là những băng hoa văn ngang xen kẽ nhau, ở thân trống hoa văn được sắp xếp theo cột dọc. Tất cả gồm 6 cột hoa văn (mỗi cột gồm 4 hàng văn răng lược và vòng tròn kép có chấm giữa xen kẽ nhau) bố trí theo chiều thẳng đứng, cách đều nhau. Phần cuối thân trống là 4 băng hoa văn nằm ngang như tang trống.

Thân và chân trống Na Dương được phân cách bởi một đường chỉ lớn nhô hẳn lên chứng tỏ sự phân biệt rõ rệt giữa các phần của trống. Chân trống có hình nón cụt với độ choãi vừa phải không tạo nên nét gãy đột ngột. Sự mềm mại của nó càng tăng bởi các băng hoa văn ngang trang trí ở đây: băng 1 là văn răng lược, băng 2 là những hình tam giác cân lồng có đỉnh quay xuống dưới, xen giữa các đỉnh là những chấm tròn kép.

Trống Na Dương có hai đôi quai kép bố trí đối nhau trên thân trống. Quai trống có dạng hình chữ C, trang trí văn thừng tết tạo vẻ duyên dáng, hoàn chỉnh cho dáng trống. Trống được đúc bằng khuôn ba mang (2 mang thân và 1 mang mặt) - Đây vốn là kỹ thuật đúc rất phổ biến của thời kỳ đó, dấu vết mang khuôn còn rất rõ ở hai đường chỉ khá to dọc theo thân trống.

Như các trống Đông Sơn khác, trống Na Dương là sản phẩm ra đời xuất phát từ nhu cầu văn hoá tinh thần của cư dân Lạc Việt. Trống có rất nhiều công dụng: dùng để thờ cúng, là nhạc khí dùng trong lễ hội truyền thống, nghi thức tế lễ... Một vấn đề đặt ra về nguồn gốc của trống Na Dương: Trống Na Dương có phải là sản phẩm của nghề đúc đồng ở ngay tại Lạng Sơn hay không? Cho tới nay, mặc dù đã có rất nhiều phát hiện quan trọng về thời đại đồng thau ở Lạng Sơn như việc phát hiện những chiếc rìu xoè cân, trống loại II Heger ở Bắc Sơn, Cao Lộc... Song vẫn chưa có bằng chứng cụ thể để kết luận sự hiện diện của các trung tâm đúc đồng ở đây. Rất có thể trống Na Dương là do giao lưu mà có. Có thể, trống xuất hiện ở Lạng Sơn ngay từ thời đó hoặc sau này, khi những người giàu có hoặc quyền lực mua trống về đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần của gia tộc hay của cộng đồng. Bởi trống được phát hiện một cách ngẫu nhiên, không có các di vật kèm theo nên đến nay vẫn chưa thể xác định một cách chính xác nguồn gốc của trống.

td005

    Trống Na Dương tại nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh. 

Trống Na Dương là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, kết tinh của trí tuệ và bàn tay khéo léo của cha ông ta, là niềm tự hào của di sản văn hoá dân tộc. Đây cũng là tư liệu quý giúp cho việc nghiên cứu đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội Việt Nam thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Ngày nay, trống Na Dương cùng với trống Đông Sơn khác ở Việt Nam được coi là biểu tượng của cội nguồn văn hóa dân tộc, là tượng trưng cho kỷ nguyên dựng nước và giữ nước vô cùng rực rỡ của dân tộc Việt Nam buổi sơ khai. Chính vì vậy, Bảo tàng Lạng Sơn đã chọn trống Na Dương làm hiện vật trung tâm cho phần trưng bày về thời kỳ lịch sử dựng nước đầu tiên ở Lạng Sơn. Hình ảnh chiếc trống đồng với hình mặt trời lung linh tỏa sáng được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng như một niềm tự hào, một lời khẳng định thiêng liêng về bản sắc văn hóa, cội nguồn dân tộc ở vùng đất biên cương Tổ Quốc.

 

                                                                        Bài và ảnh: Chu Quế Ngân

 

                                                                                                 (Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn)

Last modified on Thứ ba, 14 Tháng 5 2013 15:39

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 108

Tất cả 2838752

Videos

Liên kết website