Thứ năm, 28 Tháng 7 2022 01:18

THÀNH CỔ LẠNG SƠN

Thành cổ hay còn gọi là Đoàn Thành nằm trên địa bàn phường Chi Lăng, Thành phố Lạng Sơn, thuộc loại hình di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Di tích này có những nét kiến trúc độc đáo riêng mà ít nơi khác có được và đến nay vẫn  giữ được khá nguyên trạng và được bảo quản tương đối tốt.

FIL2513

Cổng phía Nam Thành cổ Lạng Sơn    

Qua nghiên cứu các tài liệu lịch sử, Thành cổ Lạng Sơn được xây dựng từ rất lâu đời, tuy nhiên chưa có tư liệu nào ghi rõ cụ thể về năm xây dựng thành.
Trong các tài liệu của Trung Quốc viết về thời nhà Tống, nhà Minh có ghi chép khá nhiều về vùng đất của nước Đại Việt. Khi đó, Trương Phụ (một vị tướng thời nhà Minh – Trung Quốc) sau khi đánh chiếm nước ta và đặt ách đô hộ đã tiến hành củng cố tổ chức bộ máy chính trị ở địa hạt. Tương truyền rằng trong thời gian này y đã cho đắp thành Khâu Ôn (có lẽ vì việc này mà có ý kiến cho rằng thành Lạng Sơn là do Trương Phụ xây). Về việc xây dựng Đoàn Thành còn có truyền thuyết khác cho rằng Thành là do hai ông Tiên xuống giúp xây dựng, có lẽ vì vậy  Thành cổ còn có tên gọi khác là “Thành Tiên xây”. Truyền thuyết này đã đi vào lời ca, tiếng hát và trở thành niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn. Theo Đại Nam nhất thống chí: “... Năm Hồng Đức thứ 26, nhà Lê (1495) thành đã được tu bổ lại…”. Căn cứ vào một số tư liệu đã nêu trên, có thể dự đoán rằng Thành cổ Lạng Sơn được xây dựng vào thời nhà Lý hoặc nhà Trần vào khoảng thế kỷ XII, XIII.

Thành cổ Lạng Sơn là một di tích kiến trúc quân sự có vai trò quan trọng trong việc trấn giữ, phòng thủ nơi cửa ngõ biên cương của Tổ quốc. Thành được xây dựng trên địa thế đất rộng và bằng phẳng, bao quát một không gian rộng lớn của thành phố Lạng Sơn (trước đây gọi là Thành Lạng). Xung quanh thành có núi bao bọc và có sông Kỳ Cùng chảy qua, các núi đó còn gọi là núi Hồi Đoàn (phía Bắc), phía Nam có núi Công Mẫu giáp với Lạng Sơn, cho nên có lẽ tên “Đoàn Thành” gốc từ đây. Kiến trúc của Đoàn Thành cũng giống như bao thành cổ khác là có tường cao, hào sâu… (hào ở đây chính là dòng sông Kỳ Cùng uốn mình lượn quanh). Xung quanh là các đồn ải được bố trí ở các xã, các châu xa gần, tất cả có 19 đồn, 3 điếm và 26 cửa ải. Đây là một vị trí quân sự đắc địa rất thuận tiện cho việc triển khai trong tấn công, phòng thủ và ứng cứu khi cần thiết.

thanh co 4 1450940639

Tường thành được xây bằng gạch vồ, cao 4 m

Tường thành được xây bằng “gạch vồ”, là một loại gạch cổ có kích thước lớn 0,15 x 0,17 x 0,40m,  tường cao 4m  dựng đứng rất khó xâm nhập tấn công từ ngoài vào, nói là vậy nhưng đã một thời "... Đoàn Thành - tên gọi khác của Thành cổ - ba lần bị thất thủ, dân bảy châu bị hãm vào cảnh lầm than..." (Bài khải xin thêm quân của Ngô Thì Sĩ (1726- 1780);Tường thành phía Tây và phía Nam bên trong được đắp đất cao lên đến mặt thành, ở chân thành được  đắp đất rộng 10m , trên mặt thành đắp đất rộng 3m, rất thuận lợi cho số đông binh lính cùng tham gia chiến đấu. Chiều cao tường đất bên trong bằng chiều cao tường xây phía ngoài tạo thành một hình thang vuông vững chãi, có đường huyền thoải dốc rất thuận tiện cho việc triển khai binh lính lên mặt thành, ở góc Tây Nam nơi giao nhau của tường thành phía Tây và phía Nam có một ngọn núi đất nhỏ tên là Tổ Sơn. Tường thành phía Đông và phía Bắc bên trong không đắp đất nhưng trên mặt tường thành lại trổ các lỗ châu mai (lỗ châu mai đứng có kích thước mặt ngoài 0,1m x 0,5m  và kích thước mặt trong 0,3m x 0,6m) cách nhau 2m, cách  mặt đất 1,35m; Trên đỉnh tường thành gạch được xây chìa ra hai bên, mỗi bên 0,1m  để tạo thành mái bảo vệ tường thành bền vững. Thành cổ hiện còn lại hai cổng (một cổng ở phía Tây và một cổng ở phía Nam), cổng rộng 4m, chân đế được xây bằng đá đẽo kích thước lớn 0,21 x 0,40 x 0,55m, phía trên xây cuốn vòm cao 5m  bằng gạch vồ, nhìn cổng thành chúng ta rất dễ nhận biết là cổng thành được thiết kế xây dựng theo kiểu kiến trúc Van Ban (Vô Băng) của Pháp.

Đoàn Thành không chỉ nằm trên địa thế hiểm trở, nơi đây còn được xem là mảnh đất linh thiêng. Trong cuốn Thị xã Lạng Sơn xưa và nay: “Nơi này trước đây là một ngã tư đường, một cửa khẩu quan trọng. Các triều đình của ngàn năm dựng nước, các trấn thủ, an phủ sứ hay tuần vũ, bố chính được coi sóc Xứ Lạng
không thể thay đổi được vị trí của sở lỵ này”. Theo truyền thuyết dân gian thì đây còn là nơi hội ngộ của công chúa Liễu Hạnh (Thánh Mẫu) và Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan; nơi Văn miếu Lạng Sơn (Trung tâm Nho học) đã tồn tại và phát triển. Như vậy, có thể nói nơi này quả là một vùng đất thiêng. 

Thành cổ là một trung tâm quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của Lạng Sơn trong thời kỳ phong kiến. Trong cuốn Lạng Sơn Đoàn Thành đồ của Nguyễn Nghiễm (1707-1775) viết vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) Nguyễn Nghiễm với cương vị Tể tướng của triều đình đã được cử lên Lạng Sơn kiểm tra trấn Lạng Sơn theo dõi việc bảo vệ thành lũy và việc sửa sang Đoàn Thành (trấn thành Lạng Sơn). Cuốn sách dày 59 trang nói về trấn Lạng Sơn viết rằng: “Về mặt quân sự, Đoàn Thành với số quân trung bình 818 người chia ra làm nhiều đội như đội Tín vũ, đội Tả chi, đội Thiệu Vũ, đội Vũ Trấn và thuộc cơ Hùng Tiệp. Tổng số các loại súng trong thành là 24 khẩu…Về tổ chức bộ máy hành chính Đoàn Thành gồm có thư ký, cai án, chi bạn thuộc trấn, ty Tả Hữu thừa, ty Thông ngôn… gồm khoảng vài chục người. Về mặt kinh tế - xã hội, dân số ở Đoàn Thành - Lạng Sơn lúc này là 7.625 suất, trong đó người dân tộc là 5.363 suất, người Kinh là 2.262 suất (không kể quan chức, binh lính và gia đình của họ không phải đóng thuế và đi lính, cũng không kể đến số người Hoa sang trú ngụ). Số ruộng đất trồng cấy vụ thu là 6.500 mẫu, 2 sào, 7 thước. Ruộng công chỉ có 2 mẫu, 2 sào, còn tất cả là ruộng tư…”.

Bên cạnh đó Thành cổ còn thể hiện rõ vai trò, vị trí quan trọng trong vấn đề bang giao với các triều đại phong kiến phương Bắc. Đây là nơi qua lại cửa ngõ biên giới, nơi giao bang giữa hai quốc gia qua các thời kỳ. Thời kỳ phong kiến, các đoàn Sứ thần cũng như đoàn Sứ bộ của hai nước (Đại Việt - Trung Hoa) trong thời gian bang giao cũng như việc thông tin giữa hai triều đại đương thời đều
được tổ chức đón tiếp tại Đoàn thành.

Thành cổ có 4 cổng chính ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và tương ứng với 4 cổng này là 4 ngôi Đền thiêng được gọi là: Đông Môn từ , Tây Môn từ, Nam Môn từ, Bắc Môn từ (nay gọi là: Đền Cửa Đông, Đền Cửa Tây, Đền Cửa Nam, Đền Cửa Bắc) đó là bốn vị thần trấn yểm bốn phía của Đoàn Thành. Các nhà khoa học đã công nhận đây là Tứ trấn thành cổ Lạng Sơn linh thiêng độc đáo.

Thành cổ Lạng Sơn được xây dựng theo lối kiến trúc quân sự khá quy mô và kiên cố, đã trải qua tiến trình lịch sử lâu dài và qua các vương triều phong kiến Việt Nam (từ thời Lê - Hồng Đức thế kỷ XV cho đến cuối thời Nguyễn đầu thế kỷ XX), Đoàn Thành là nơi cơ quan đầu não của trấn lị (trước đây) và tỉnh lị (sau này), nơi nắm giữ vương quyền trên mảnh đất Xứ Lạng, nơi ghi dấu những sự kiện đi sứ của các đoàn sứ bộ trong quá trình bang giao giữa hai nước Việt - Trung) và bến “Kỳ Cùng thạch độ” cũng đã ghi lại được những sự kiện lịch sử này.

Với tất cả  ý nghĩa và tầm quan trọng nói trên, di tích Thành cổ Lạng Sơn đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1999.

                                                       Tổng hợp: Vy Thị Bích Hạnh

Last modified on Thứ năm, 28 Tháng 7 2022 03:12
More in this category: « DI TÍCH LÂN ÁNG

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 60

Tất cả 2838828

Videos

Liên kết website