Thứ hai, 25 Tháng 7 2022 01:17

ĐỀN KỲ CÙNG

 

Di tích đền Kỳ Cùng nằm trên địa bàn phường Vĩnh Trại, Thành phố Lạng Sơn. Đền tọa lạc trên khu đất có địa thế đẹp, thoáng đãng, mặt trước đền nhìn về hướng Nam, phía trước là dòng sông Kỳ Cùng chảy quanh co uốn lượn. Đền Kỳ Cùng nằm liền phía trên Bến đá Kỳ Cùng, là nơi được danh nhân Ngô Thì Sĩ, Đốc trấn Lạng Sơn thế kỷ thứ XVIII vinh danh là một trong tám cảnh đẹp nổi tiếng của Xứ Lạng. Đây cũng là nơi dừng chân, sửa soạn, làm lễ cáo yết tại đền của các đoàn Sứ bộ hai nước Việt Nam và Trung Quốc trong hành trình bang giao từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIX.

IMG 9309

Ảnh: Đền Kỳ Cùng

Đền Kỳ Cùng được xây dựng vào thế kỷ XVIII (theo Nguyễn Nghiễm – năm Cảnh Hưng thứ 9/1758 thì tại thời điểm này ở trấn thành Lạng Sơn đã có 17 đền, miếu được xây dựng trong đó có Đền Kỳ Cùng). (Trong sách Đại Nam nhất thống chí - Quốc sử quán triều Nguyễn, quyển 24, tập 4, phần Lạng Sơn cho biết: Đền Kỳ Cùng thờ Thần Giao Long linh thiêng nhất nhì trong tỉnh).  Trước đây đền có kiến trúc nhỏ kiểu chữ Đinh (J), được lập nơi bến nước để thờ cúng thần sông, từ khi xây dựng đến nay, đền đã trải qua các đợt trùng tu, tôn tạo, trong đó đợt trùng tu gần nhất vào năm 2018. Đền thờ chính Quan lớn Tuần Tranh (Quan lớn Đệ Ngũ trong hàng Ngũ vị Tôn Ông - Thần cai quản sông nước Hậu cung của đền). Tích sử của đền gắn với Đền Lảnh Giang ở Chí Linh, tỉnh Hải Dương (thờ Quan lớn Tuần Tranh).

Với Tiền tế 7 gian, Hậu cung 3 gian, nối bằng một gian dọc (ống muống) theo kiểu kiến trúc truyền thống. Đền không làm nghinh môn, nghinh môn ở đây được gắn liền với không gian chính gồm 5 cửa xây vòm cuốn (tương ứng với 5 gian giữa của chính điện) với các trụ xây gạch, bờ gờ soi chỉ, phía trên được đắp nổi các hồi văn, ở mặt ngoài các cột có đắp nổi bốn đôi câu đối bằng xi măng, nền sơn màu vàng, gắn chữ nổi được làm bằng sứ màu xanh lam. Hai gian ngoài cùng mỗi gian có một cửa tròn phía trước, có hoa văn hình chữ "Thọ". Liền phía trước, hai gian bên tả, hữu của đền đặt đôi ngựa đá, chầu hướng vào phía cửa đền. Phía trên hai gian tả, hữu của đền được xây dựng với kiến trúc tháp chuông gồm bốn cột, hai tầng, tám mái, đầu đao cong vút, bằng vật liệu bê tông cốt thép, sơn giả gỗ, lợp ngói mũi hài màu đỏ. Tầng thứ nhất của gác chuông gác trống không xây xung quanh; bên phải là nơi treo chuông, bên trái treo trống. Tầng hai cao khoảng 2,5m, có tường quây kín xung quanh, mặt trước và mặt sau của hai lầu đều có ba chữ Hán cổ. Bên phải: mặt trước là Chính quang thiên, mặt sau là Linh phúc địa; bên trái: mặt trước là Sơn Kỳ Vĩ, mặt sau là Thủy Tú Thanh. Trên tám mái của hai tầng, mỗi tầng có 4 đầu đao, mỗi đầu đao được đắp nổi đôi rồng và mây cuộn vào nhau, chầu vào phía tâm lầu. Toàn bộ kiến trúc lầu tháp cộng với 5 cửa vòm như đã mô tả ở trên, tạo thành một nghinh môn. Phía trên cùng của nghinh môn có đôi rồng chầu bức hoành phi, được đắp nổi theo kiểu cuốn thư, trên đó là tên hiệu của đền “Kỳ Cùng đại Vương”. Phần mái đền được lợp ngói mũi hài màu đỏ, xuôi theo kiểu nhà hai mái, hồi tường bít đốc, trên các bờ giải của đền đều được đắp và trang trí hoa văn theo kiểu hồi văn vuông. Trên bờ nóc có đắp nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt, mặt nguyệt nằm trong đao lửa xanh, dưới đao lửa là mặt hổ phù. Hai điểm tiếp giáp của bờ nóc với hai đầu hồi đắp nổi hình hai đầu rồng có đuôi xoắn hình vân mây, cùng chầu vào trong mặt nguyệt. Phần mái của Hậu cung được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống, gồm hai tầng tám mái, phần tường tầng hai bổ cột và thưng ván gỗ xung quanh. Tám mái hậu cung được thiết kế theo kiểu đầu đao cong mềm mại, mái lợp ngói mũi hài màu đỏ, xung quanh mái gắn diềm gỗ có hoa văn cách điệu. Bốn mái đao tầng một và bốn mái đao tầng hai, trên mỗi mái có đắp nổi đôi rồng, tất cả đều chầu hướng lên đỉnh nóc cung cấm. Trên bờ nóc đắp nổi đôi rồng, chầu vào mặt nguyệt nằm trong đao lửa xanh, dưới đao lửa là mặt hổ phù.
           Đền có hai cổng: Cổng chính ở phía Tây và cổng phụ ở phía Bắc. Cổng chính gồm một cửa chính và hai cửa phụ hai bên, cánh cổng làm bằng nhôm đúc, có hoa văn theo lối cổ. Hai bên cửa chính là hai cột trụ vuông, trên đỉnh mỗi cột đắp nổi 4 chim công, quay đầu ra 4 hướng. Hai cửa phụ, mỗi cửa mặt trước và mặt sau có hai chữ Hán cổ, cửa bên ngoài là “Tả môn, Hữu môn”, cửa bên trong là “Quốc thái, Dân an”, trên mỗi cửa phụ có mái ra hai bên, lợp ngói mũi hài màu đỏ, trên mái đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt nằm trong đao lửa xanh, dưới đao lửa là mặt hổ phù. Liền với hai bên cửa phụ là hai tấm bia đá được lắp đặt cố định trên tường. Phía ngoài và trong cổng chính mỗi phía có 4 đôi câu đối được đắp nổi trực tiếp lên các cột trụ của cổng. Ngoài ra phía trong cửa chính có đôi voi đá đứng chầu. Phía Tây và phía Bắc xung quanh đền được xây tường bao quanh, mặt còn lại quay ra phía bờ sông theo hướng Nam. Trên cổng phụ có bức đại tự bằng tiếng Việt, màu vàng: Đền Kỳ Cùng - thờ Quan lớn Tuần Tranh, trên cổng có đắp nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt nằm trong đao lửa xanh, dưới đao lửa là măt hổ phù. Liền góc phải phía ngoài sân đền, cách 50m sát bờ sông là Bến đá Kỳ Cùng, dọc hai bên lối xuống bến đá có ba đôi rồng chầu, đôi dài nhất hơn 8m.

Trước kia đền có 2 sắc phong, đều do triều Nguyễn phong tặng. Sắc phong thứ nhất do triều vua Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong, đã bị thất lạc, nội dung của nó cũng không được ghi chép lại. Sắc phong thứ hai còn giữ được đến nay là do triều vua Khải Định năm thứ 9 (1924) phong tặng.

Sau khi đền được trùng tu, tôn tạo năm 2018, đồ thờ tự trong đền về cơ bản được chỉnh trang, sơn son thếp vàng lại, trên cơ sở các yếu tố gốc của đồ thờ tự trước đây, phù hợp với lối kiến trúc và kích thước mới của đền, tạo nên một không gian hài hòa, truyền thống và linh thiêng của ngôi đền. Hiện vật có niên đại cổ nhất tại di tích là bức đại tự “Long cung hiển thánh” (hiển thánh ở Long cung) được treo tại Cung cấm, nơi thờ tượng Quan lớn Tuần Tranh. Bức đại tự này được triều Lê Cảnh Hưng ban tặng vào ngày 26 tháng 7 năm thứ 44 (1783).

Hệ thống tượng thờ của đền gồm có 46 tượng, trong đó 19 tượng được bài trí tại các ban thờ trong Chính điện và Cung cấm, 27 tượng được bài trí tại các am thờ, cung thờ bên ngoài trước cửa đền; tượng Quan lớn Tuần Tranh được đặt trong Cung cấm.

Các ngày lễ trọng trong năm của Đền Kỳ Cùng gồm: Lễ Thượng nguyên ngày 3 tháng Chạp; tiệc Mẫu ngày 3 tháng Hai âm lịch; lễ Nhập hạ, Tiệc nhà Trần ngày 3 tháng Tư âm lịch; lễ Ra hè ngày 3 tháng Bảy, lễ Tất niên ngày 24
tháng Chạp. Đền Kỳ Cùng có hội mở từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng hằng năm với đền Tả Phủ. Ngày 22 đền Tả Phủ rước kiệu xuống mời Quan Tuần Tranh đền Kỳ Cùng lên chơi và đến ngày 27 thì lại rước Ngài trở lại đền Kỳ Cùng.
Trong lễ hội có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, đặc biệt là Lễ rước Thần.


          IMG 6201

Ảnh: Lễ hội Đền Kỳ Cùng

Lễ hội Đền Kì Cùng trong dịp đầu năm là một trong những ngày hội văn hoá đặc sắc của xứ Lạng. Đây là dịp để nhân dân các dân tộc xứ Lạng gặp gỡ tụ hội vui chơi, ca hát, thực hiện những nghi lễ cầu cúng, mong đạt được những ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp may mắn cho một năm mới no đủ, hạnh phúc. Qua lễ hội này, những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc nhất của Xứ Lạng sẽ được thể hiện một cách sống động. Ngày 8/6/2015 Lễ hội Đền Kỳ Cùng – Tả Phủ đã được công nhận văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số: 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 8 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Di tích đền Kỳ Cùng  đã được xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định số: 57-VH/QĐ ngày 18/01/1993 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

                                                  Tổng hợp: Vy Thị Bích Hạnh

More in this category: « ĐỀN VUA LÊ DI TÍCH LÂN ÁNG »

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 51

Tất cả 2839197

Videos

Liên kết website