Thứ tư, 03 Tháng 3 2021 17:27

Hội thồng Báo Slao xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn

Hội Thồng Báo Slao xã Quốc Khánh huyện Tràng Định còn có tên thường gọi là “Hội tình yêu” có xuất xứ từ lâu. Đến hẹn lại lên, ngày 21 tháng giêng âm lịch hàng năm, nhân dân xã Quốc Khánh và bà con trong vùng lại nô nức đi trẩy hội Thồng Báo Slao. Không gian tổ chức tại khu đồi Kéo Lếch, thôn Long Thịnh, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định,tỉnh Lạng Sơn do UBND xã Quốc Khánh chủ trì. Do nhiều lý do khách quan, chủ quan lễ hội trước năm 2005 bị giãn đoạn chưa được tổ chức thường xuyên hàng năm; đến năm 2005, với nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của quê hương các cấp, ngành liên quan trong xã, huyện đã cho khôi phục và duy trì lễ hội tổ chức hàng năm cho đến nay. Chủ thể của lễ hội là cộng đồng người Nùng, Tày xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

 Bao Slao Trang Dinh

Hội thồng Báo Slao xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định (Ảnh TL)

Nguồn gốc của lễ hội này theo người dân lưu truyền kể lại : “chuyện kể từ rất lâu có đôi trai gái người dân tộc Nùng yêu nhau nhưng do quá nghèo nên tình yêu họ gặp nhiều trắc trở. Những lần hẹn gặp nhau tại các phiên chợ, họ thường trao cho nhau những câu hát Sli, hát Lượn giao duyên ngọt ngào, để rồi từ đó họ quyết định đến với nhau. Yêu nhau đã lâu, gia đình chàng trai đến cầu hôn cô gái nhưng không được mẹ cô gái chấp nhận, phẫn uất vì hoàn cảnh gia đình mà con trai mình bị khước từ hôn ước, mẹ chàng trai đã tự vẫn. Chàng buồn rầu và cảm thấy rằng mình là nguyên nhân gây nên tất cả, không lời từ biệt chàng đã nhảy xuống vực tự vẫn. Cô gái lâu không gặp được người mình yêu nên đã quyết định đi tìm chàng đi mãi đi mãi nhưng không tìm thấy chàng trai đâu, nàng quyết định đến nơi mà họ vẫn thường gặp nhau. Khi đến, cô hay tin người mình yêu đã mất, cô cũng quyết định đi theo chàng với hi vọng sẽ tìm thấy hạnh phúc ở dưới suối vàng, và ngày đó cũng chính là ngày 21 tháng Giêng”. Câu chuyện cảm động của chàng trai cô gái người Nùng đã để lại một truyền thuyết cảm động trong lòng đồng bào dân tộc nơi đây. Chính vì vậy, cứ vào dịp 21 tháng Giêng, hội tình yêu được tổ chức để tưởng nhớ đôi trai gái chung tình và cũng là để tìm đến nhau, trao nhau tình yêu hay ôn lại chuyện tình đã qua.Các đôi trai gái tại các xã, huyện của Lạng Sơn và Cao Bằng vẫn đến đây hò hát và trao nhau những câu hát sli, hát lượn giao duyên đối đáp nhau rất tình tứ và các trò chơi dân gian như kéo co, tung còn, nhẩy bao bố… được diễn ra trong suốt cả ngày.

Mở đầu lễ hội là nghi thức cúng lễ thổ địa, sơn thần và các vị thần nông về dự lễ hội và phù trợ cho nhân dân mạnh khỏe, mùa màng bội thu.Trong nghi thức cầu mùa, các đồ thờ cúng được chuẩn bị chu đáo gồm một mâm cỗ Tam sinh: 1 thủ lợn, gà trống, vịt, rượu, hương hoa và hai mâm cả xôi, bánh, đồ mã...đặt ở vị trí làm lễ, trong bãi hội đồi Kéo Lếch. Thầy mo của bản sẽ thay mặt dân làng khấn thần linh, thành hoàng, thổ địa. Lời khấn cầu thể hiện nghi lễ tâm linh, tập trung vào việc báo cáo thành hoàng, thần Nông đã cho họ một vụ mùa bội thu và xin dâng cúng những thành quả từ sản phẩm nông nghiệp đã làm ra, đồng thời xin thần phù hộ cho một năm mới làm ăn tốt hơn. Sau khi khấn xong, thầy mo cầm một ít hạt thóc cúi lạy ngay trước bàn thờ bằng những động tác và lời thỉnh cầu tha thiết. Đó là nghi lễ hội xuống đồng.

Đi kèm với các nghi lễ cầu mùa, ở lễ hội Tình yêu còn có các hình thức hát giao duyên, đối đáp Sli, Lượn, các trò dân gian cầu mong những điều tốt lành đến với mình trong cuộc sống như các trò: tung còn, cày ruộng, múa sư tử.

Hát giao duyên đối đáp Sli, lượn: Đây là nội dung chính đặc sắc và hấp dẫn nhất làm nên nét đặc trưng văn hóa, nhân văn trong lễ hội tình yêu. Hình thức hát này tập trung nhất là trong ngày chính hội 21 tháng Giêng tại khu đồi Kéo Lếch.

Hát Sli: Là hát theo lối văn vần, thể thơ thất ngôn, tuy là ứng khẩu nhưng nghệ thuật ngôn từ trau chuốt, nội dung phong phú, thỉnh thoảng có xen kẽ tiếng tiếng Việt. Mỗi bên bạn hát thường có 2 người cùng hát, một người hát giọng cao, một người hát giọng thấp như hát bè, sau cuộc hát họ có thể tách thành từng đôi để tâm sự, tìm hiểu nhau nếu hai bên bạn hát đều ưng lòng nhau.

Qua các bài Sli, lượn, người nghe có thể hiểu được tình cảm cao đẹp, thơ mộng với những mơ ước, tâm tình của người dân và chân thật được gửi gắm qua tình cảm đôi lứa. Đồng thời cũng miêu tả những mối tình say đắm, vượt qua nhiều khó khăn, trắc trở để đạt được mục đích.

Trò múa sư tử: Đó là các đội sư tử mèo, báo đông, khỉ ...của người Tày, Nùngtrong xã Quốc Khánh và các xã lân cận khác như Hùng Sơn, Đại Đồng. Khi vào hội, các sư tử bắt đầu múa chung để người xem thưởng thức sự tài giỏi, khéo léo của mình trong các động tác kỹ thuật. Các động múa nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, có lúc khoan thai, dịu dàng, nhưng cũng có lúc dồn dập, mạnh mẽ theo tiếng nhạc. Khi vào cuộc người múa sư tử có thể luôn thay nhau để duy trì không khí nhịp nhàng và sức dẻo dai của mình đến cuối hội.

Trò ném còn: Đây là một trong những trò chơi sôi nổi, hấp dẫn và phổ biến nhất trong lễ hội. Nó không chỉ là trò giải trí đơn thuần mà là một hình thức giao duyên mang màu sắc, nghi lễ, tín ngưỡng phồn thực với ước vọng cầu chúc một năm mới no đủ, bội thu mùa màng, trai gái gần gũi, mọi vật sinh sôi nảy nở. Đối tượng tham gia ném còn đông nhất là các nam nữ thanh niên đến dự hội. Cuộc chơi kéo dài cho đến khi quả còn được ném xuyên qua Pỏng còn. Như thế là đã thành công viên mãn, với quan niệm âm dương đã giao hòa, mọi vật sẽ được sinh sôi.Sau khi kết thúc trò chơi này, thầy Mo dùng dao rạch quả còn lấy những hạt giống thiêng trong quả còn ban phát cho mọi người dự hội.

Ngày hội có nhiều nhiều ý nghĩa:Cố kết cộng đồng, là cơ hội để biểu dương sức mạnh cộng đồng, là dịp để dân làng quy tụ xung quanh vị thành hoàng làng với mục đích cuối cùng là củng cố ý thức cộng đồng, nâng cao khả năng kết cấu cộng đồng và cầu mùa đầu năm. Ngày hội còn là dịp biểu thi sức mạnh của cộng đồng. Trong dịp lễ hội mọi người đều thể hiện sự giao lưu, đoàn kết gắn bó nhau hơn …Giải trí hưởng thụ văn hóa, là cơ hội giải tỏa tâm lý của mọi người, là cơ hội để trình bày, trình diễn tinh hoa văn hóa của làng. Người ta đến với hội ngoài nhu cầu tâm linh thì còn đến để vui chơi, chơi thỏa thích, chơi thoải mái. Họ đến với hội trong tinh thần cộng cảm, hồ hởi, sảng khoái và hoàn toàn tự nguyện. Tuyên truyền, giáo dục, quảng bá, giới thiệu về văn hóa địa phương, nhắc nhở mọi thành viên của làng ý thức về cội nguồn, về đồng loại, về cái đẹp, về cách đối nhân xử thế giữa con người với con người, con người với xã hội và con người với thiên nhiên…hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Cân bằng đời sống tâm linh, hội diễn ra là để tưởng nhớ công lao của vị Thành hoàng làng đối với dân làng, là cơ hội để dân làng tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với vị thần bảo hộ cho cộng đồng. Mở hội dân làng hi vọng rằng ước nguyện của toàn thể cộng đồng về một cuộc sống no đủ, giàu có, sung túc và binh an được trở thành hiện thực. Bảo lưu, trao truyền truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc: Thông qua những lần mở hội các nghi thức, nghi lễ, các trò chơi dân gian có cơ hội được tái hiện, các tích về vị thần Thành hoàng làng, về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán lại tiếp tục được khai mở… Do vậy dự hội làng người ta nhớ tới tổ tiên của làng, thực hiện một lề lối ứng xử tôn quý nhau.

Hội Thồng Báo Slao với những tiết mục văn nghệ, làn điệu Sli, lượn và các trò chơi dân gian như chọi chim, kéo co, tung còn, nhẩy bao bố... được diễn ra trong suốt cả ngày. Sắc áo chàm của các phụ nữ trung tuổi, các nam thanh, nữ tú tạo nên vẻ đẹp, nét riêng hấp dẫn của ngày hội.Sắc áo chàm của các phụ nữ trung tuổi, các nam thanh, nữ tú tạo nên vẻ đẹp, nét riêng hấp dẫn của ngày hội. Nhiều người đã lên chức bà nội, bà ngoại, nay lại được xúng xính trong các bộ quần áonâu chàm của dân tộc Tày, Nùng được may từ thời đi làm dâu đến với hội như một niềm tự hào. Hội không chỉ thu hút người ở trong xã mà còn có sự tham gia của rất đông đồng bào các xã, huyện lân cận. Khác với ngày xưa, những năm gần đây Hội thồng Báo Slao còn là ngày hội để mọi người cùng tập trung giao lưu với những món ăn, đồ uống mang đậm màu sắc văn hoá ẩm thực vùng miền. Từng nhóm bạn bè, người thân cùng nhau dựng trại trên núi, trên các sườn đồi quanh khu vực lễ hội để quay gà, vịt, lợn và thưởng thức những món đặc sản địa phương và những câu hát giao duyên được trai gái hát suốt ngày hội. Hội Thồng báo slao mấy năm trở lại đây không chỉ thu hút đồng bào các dân tộc trong khu vực tham gia mà còn trở thành nơi giao lưu văn hóa cho cư dân biên giới của Việt Nam là dịp để bạn bè, người thân, các cặp trai- gái có dịp gặp gỡ, tâm tình, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong lao động, sản xuất và cuộc sống...Như một nét đẹp riêng có,  Hội tình yêu vùng biên ải đã trở thành một đặc sản văn hóa của xã Quốc Khánh nói riêng và của huyện Tràng Định nói chung.

Ngày nay tổ chức hội Thồng Báo Slao xã Quốc Khánh huyện Tràng Định là hướng tới bảo lưu trao truyền một cách có hệ thống, thống nhất các nội dung, giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của lễ hội cho thế hệ sau nhằm bảo tồn phát huy hiệu quả thuần phong mỹ tục tốt đẹp của địa phương trong việc giáo dục hình thành nhân cách con người, hướng con người đến giá trị chân – thiện – mỹ… để cùng nhau xây dựng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội ngày càng phát triển./.

                                     Vi Thị Quỳnh Ngọc

 

Last modified on Thứ ba, 08 Tháng 2 2022 16:21

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 4

Tất cả 2837184

Videos

Liên kết website