Thứ hai, 22 Tháng 2 2021 16:58

Lễ hội Quỳnh Sơn. xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn

Lễ hội Quỳnh Sơn được tổ chức trong hai ngày 12 và 13 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, tại xãBắc Quỳnh (trước đây là xã Quỳnh Sơn), huyện Bắc Sơn. Nổi bật trong lễ hội là những bộ trang phục của dân tộc Tày, Nùng với những điệu hát then, hát lượn, hát ví… tô thêm nét văn hóa đặc sắc cho nơi đây.

 Lh Quỳnh Sơn BS

Lễ rước kiệu trong Lễ hội Quỳnh Sơn (Ảnh TL)

Trong lễ hội diễn ra lễ rước kiệu ông Dương Tự Minh – là thủ lĩnh của Phủ Phú Lương, đất Bắc Sơn xưa, thuộc huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Trong suốt 3 đời nhà Lý: Lý Nhân Tông (1072 – 1128), Lý Thần Tông (1128 – 1138) và Lý Anh Tông (1138 – 1175). Ông là người có công lớn trong cuộc chinh chiến chống quân xâm lược nhà Tống, giữ vững vùng biên cương rộng lớn phía Bắc của nước Đại Việt hồi đầu thế kỷ thứ XII. Đồng thời ông cũng có công lớn trong việc giúp đồng bào nhân dân các dân tộc miền núi trong đó có Tổng Quỳnh, truyền dạy cho dân làng khai phá đất đai, trồng ngô khoai, cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm, quay tơ dệt vải, dạy cho con gái biết thêu thùa, may vá, dạy cho con trai biết học chữ, biết săn thú bảo vệ mùa màng.

Tin cậy và ghi nhận công lao của ông, năm 1127 vua Lý Nhân Tông đã gả cho ông công chúa Diên Bình, đến năm 1144 vua Lý Nhân Tông lại gả công chúa Thiều Dung cho ông. Như vậy ông Quý Minh được hai lần phong Phò mã. Cuối đời ông trở về Điển Sơn (nay là núi Đuổn) và mất ở đây. Ông được nhà Lý phong sắc “UY VIÊN ĐÔN TÍNH CAO SƠN QUẢNG ĐỘ CHI THẦN”, các đời sau đều ghi hiệu ông là “CAO SƠN QUÝ MINH, QUÝ MINH ĐẠI VƯƠNG”.

Để tôn vinh và tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân các dân tộc phương Bắc gồm các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc đã lập đền thờ ông tại nhiều nơi. Nhân dân thuộc Tổng Quỳnh đã lập đền thờ ông tại Đẳng Rử thôn bên sườn núi đá nước nguồn, phía sau có Giếng Tiên (sau chuyển đến một địa điểm mới cách điểm cũ 400m về phía đông, đó là khu vực đất Đàng Lang) thuộc Quỳnh Sơn xã, Quỳnh Sơn Tổng, Phú Nhai huyện, Thái Nguyên Tỉnh, Phú Lương Phủ (nay là xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn).

Để tổ chức được lễ hội thành công, ban tổ chức lên kịch bản, sắp xếp con người và phân công cụ thể cho các thành viên từ rất sớm trước đó nhiều ngày.

Ngày 12 tháng Giêng:

Sáng sớm ngày 12 tháng Giêng (Âm lịch) làng bắt đầu khai hội. Sau khi đã chuẩn bị lễ vật xong hai ông chủ tế, 8 ông quan lễ (tiến tước) và các thầy Mo, thầy Pháp Sư sẽ tiến hành các tuần tế tại đình theo thứ tự: Lễ cúng Đức Vua, Lễ cúng Thổ Công (hai bên tả hữu), Lễ khoán an và Lễ tế nghinh thần.

Mở đầu nghi lễ ông Thầy Pháp Sư làm thủ tục đuổi ma, trừ tà đồng thời tâu sớ lên trên Thiên đình (Vua Cha, Ngọc Hoàng, Phật tổ Như Lai, Quan Âm Bồ Tát, các thần linh cai quản các phương...) mời các vị thánh thần trên thiên đình xuống với dân làng mở hội cầu mùa.

Sau đó hai ông chủ hội và 8 ông quan lễ (tiến tước) sẽ vào vị trí để chuẩn bị thực hiện các phần nghi lễ khác nhau. Sau khi đã trải qua nghi lễ cúng Đức vua và lễ cúng thổ công sẽ chuyển sang 2 nghi lễ rất quan trọng của lễ hội Quỳnh Sơn là lễ khoán an và lễ tế nghinh thần. Nội dung 2 phần lễ này cụ thể như sau:

* Lễ kin mang khoán an (gọi tắt là Lễ khoán an):

Mở đầu hai ông chủ hội sẽ vào Đình cúng và xin âm dương, sau khi xin được âm dương một người có chức quyền cao trong xã hoặc một người cao tuổi có uy tín trong làng, xã lên đứng trước bàn ăn thề đọc những lời ăn thề viết trên giấy đỏ (có nội dung kèm theo). Sau khi đọc xong dâng tờ giấy lên Đức Vua. Sau đó 1 người cắt tiết con gà giỏ vài giọt vào bát rượu. Tiếp đó lần lượt mọi người có mặt trong buổi lễ lên uống máu ăn thề và thắp một nén hương. Sau khi mọi người ăn thề xong người đọc lời ăn thề vào trong Đình lấy tờ giấy đỏ ra đốt (hóa) cùng với mâm vàng để sẵn. Đốt (hóa) xong tuyên bố kết thúc lễ kin mang khoán an.

* Lễ nghinh thần:

Nôi dung quy trình của phần tế này được thực hiện theo khẩu hiệu hô của hai thông xướng (tả - hữu, hoặc đông xướng – tây xướng). Hai ông thông xướng được lựa chọn trong 8 ông quan lễ. Bên tả hô, bên hữu đáp lại, hai ông chủ tế và 6 quan văn là người thực hiện.

* Lễ rước kiệu (quy trình đám rước):

Sau khi thực hiện xong lễ nghinh thần mọi người tất cả mọi người chuẩn bị lễ vật (đặt cỗ thủ lợn lên kiệu thay cho cỗ xôi gà lúc đầu và buộc chằng lại) để rước ra xứ đồng Nà Tấn làm lễ cúng Thần Nông). Thứ tự đám rước được quy định cụ thể

Đoàn rước kiệu đi với tốc độ bình thường không quá nhanh cũng không quá chậm. Rước từ đền làng đến cánh đồng bên kia đường. Tại cánh đồng, dừng kiệu ở vị trí đã lựa chọn và chuẩn bị sẵn lán đặt kiệu.

Khi đoàn rước kiệu đến nơi có khẩu hiệu dừng kiệu, các cháu học sinh đoàn cờ tướng sẽ theo sự chỉ đạo của bà tướng cờ tản ra thành hình vuông tạo thành hàng rào rộng bảo vệ xung quanh khu vực dừng kiệu. Lúc này kiệu được khênh vào rạp dựng sẵn, hai ông Hội lên trước kiệu thực hiện bài tế Yên vị.

Sau phần tế yên vị là phần cúng thần nông và làm lễ hạ điền. Sau khi đọc xong bài cúng ông hội cầm thẻ âm dương sẽ thực hiện nhiệm vụ xin âm dương, được sự đồng ý của thần linh sẽ tiến hành đốt (hóa) hương vàng và hô khẩu hiệu cho 6 thôn bắt đầu cày. Việc cày sẽ được thực hiện tại một đám ruộng đã được bố trí trước với 6 chiếc máy cày tượng trưng cho 6 thôn.

Ngày 13 tháng Giêng:

Đến ngày 13 tháng giêng, khoảng 4h chiều tiến hành rước kiệu về Đình. Trước tiên hai ông Chủ hội cúng với bài cúng Hồi cung xin rước thần về đền (có bài cúng riêng) sau đó thay mâm cỗ xôi thủ lợn bằng mâm cỗ xôi gà đặt lên kiệu. Thực hiện xin quẻ âm dương, được sự đồng ý của thần linh sẽ rước kiệu về đền. Nghi lễ rước về được tiến hành theo các quy trình thứ tự như khi rước đi.

Khi đến Đền đội hình rước kiệu vẫn giữ nguyên, kiệu được đưa cất trong Đình, lễ vật đặt lên ban thờ tiếp theo ông chủ tế sẽ thực hiện màn tế Hồi cung (giống với nghi lễ khi chuẩn bị rước đi, có nội dung thông xướng và chúc văn kèm theo). Bài tế thực hiện xong sẽ đốt (hóa) hương vàng và chủ tế đốt (hóa) bài văn tế báo hiệu kết thúc màn tế. Lúc này các nghi lễ trong đám rước đã hoàn thành đội hình rước kiệu tự giải tán.

          Bên cạnh phần lễ, phần hội với nhiều trò chơi dân gian, theo tín ngưỡng dân gian, những trò chơi, trò diễn trong lễ hội cầu mùa cũng là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực - cầu mong cho vạn vật sinh sôi, nảy nở; thể hiện sự giao hòa của âm - dương, trời - đất; mối quan hệ hữu cơ của các yếu tố "Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa"… 

Trước khi trò chơi đánh cờ tiên diễn ra, đội cờ sẽ làm lễ kéo quân diễn hành, 2 bên quân cờ đều có 02 ông đạp đất đi đầu, tiếp theo là 02 tướng cờ, trống, chiêng và 32 quân cờ. Sau khi kéo quân xong thì tướng cờ và quân cờ vào vị trí ổn định.

Tiếp đó giám khảo công bố những quy định cùng các điều cấm theo tục lệ đánh cờ hội.

Số lượng cờ, quân cờ chia đều cho hai bên, mỗi bên 16 quân. Trong mỗi bên có một tướng (trong trang phục áo dài đỏ). Luật chơi cờ người cũng giống như cờ tướng nhưng quân cờ là người thật và bàn cờ là sân rộng, đủ đường đi nước bước cho 32 quân cờ, mỗi người đóng vai một quân cờ (tướng, sỹ, tượng, xe, pháo, mã, tốt). Khi bước vào cuộc đấu, khi muốn đi quân nào thì gõ một tiếng trống hoặc ra ký hiệu báo cho người phục vụ, người phục vụ đến bên quân cờ truyền đạt để quân cờ đứng lên đi tới vị trí được lựa chọn và xác định. Trong ngày hội, cuộc đấu cờ thường có sức hấp dẫn với các du khách, đặc biệt là các du khách lớn tuổi. Quá trình chơi có những ván rất căng thẳng kéo dài hàng tiếng đồng hồ mới kết thúc.

Đây là một môn thể thao trí tuệ thể hiện tích cách, khả năng tư duy, tầm nhìn và trình độ của mỗi người, nó rèn luyện cho con người khả năng nhìn xa, trông rộng tính cẩn thận và kiên trì, nhẫn nại…qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa của du khách đến tham dự hội.

Múa Tán đàn là điệu múa thể hiện tính chất phác, cần cù của người lao động trong cuộc chiến đấu chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, trời đất và ác quỷ để tạo ra sự trường tồn của cuộc sống con người và cầu mong sự linh thiêng, ứng nghiệm của trời đất giúp cho con người lấy cái thiện để thắng cái ác, lấy cần cù để thắng thiên nhiên nhằm tạo lập một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thái bình, thịnh trị.

Trò chơi múa rối được thực hiện dưới sự chỉ huy của ông trùm rối dẫn lời và sự điều khiển của 03 người. Khi ông trùm rối dẫn lời xong thì 3 người phụ trách điều khiển rối sẽ vừa đọc hoặc hát các lời ca ngợi cung kính Đức Vua, thể hiện các lời ca chúc mừng, trước là mừng Vua, sau là mừng làng, mừng xóm, mừng nông, mừng công, mừng thương…mừng cho dân làng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thái bình, thịnh trị vừa điều khiển con rối có những cử chỉ, hành động phù hợp với nội dung lời dẫn.

Sau khi trò múa rối kết thúc 02 người lên sân khấu vừa múa, vừa hát các bài ca ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi sự vui tươi náo nhiệt của ngày hội…Đây là hoạt động văn hóa hết sức độc đáo trong lễ hội Quỳnh Sơn, những ngày hội làng, làng vẫn tổ chức múa rối để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và cảm nhận văn hóa của nhân dân địa phương. Những lời ca, lời dẫn được vang lên từ không gian hội vừa du dương, vừa sâu lắng, đi vào lòng người như mời gọi mọi người đến chung vui. Trong không khí vui tươi náo nhiệt của ngày hội làng, lời ca, lời chúc lan tỏa trong không gian làng xóm như lan truyền không gian văn hóa hội đến mọi nơi.

Những lời ca, tiếng hát mang tính tự biên, tự diễn với nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi con người, ca ngợi công lao của Thành Hoàng làng – vị thần bảo hộ của cộng đồng…qua đó tỏ lòng thành kính, tin tưởng tuyệt đối vào vị Thành Hoàng, cùng một ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mưa thuận, gió hòa.

Ngoài các trò chơi, trò diễn trên tại lễ hội Quỳnh Sơn còn diễn ra nhiều hoạt động phong phú và đa dạng với nhiều loại hình như: Kéo co; Đánh đu; Tung còn; Bóng chuyền (Mới được tổ chức thêm từ năm 2005); Hát ví – Hát lượn; Hát then; Múa chầu; Hát nhà tơ; Hội vật…

          Lễ hội không chỉ là điểm đến của du khách trong tỉnh mà ngày càng thu hút khách thập phương, thật sự trở thành một điểm đến trong hành trình du lịch tâm linh nơi cửa ngõ phía Bắc nước ta mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Lạng Sơn./.

                                                 Nguyễn Thu Huyền 

Last modified on Thứ ba, 08 Tháng 2 2022 16:25

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 0

Tất cả 2838878

Videos

Liên kết website