Thứ bảy, 20 Tháng 2 2021 15:42

Lễ hội Chu Túc, xã Chu Túc, xã An Sơn (trước đây thuộc xã Chu Túc), huyện Văn Quan

          Lễ hội Lồng Thồng Chu Túc, xã An Sơn (trước đây thuộc xã Chu Túc), huyện Văn Quan đã có từ lâu đời, được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống với quy mô, phạm vi các gia đình và dòng họ Hà tại địa phương đứng ra tổ chức, nội dung lễ hội là dâng lễ vật lên các vị thần để cầu mùa màng bội thu, quốc thái dân an, vạn vật sinh sôi phát triển và tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian truyền thống.

Không gian tổ chức lễ hội diễn ra tại hai địa điểm chính là đ

ình làng và sân thể thao, thuộc thôn Nà Tèn, xã An Sơn

Lh Chu Túc VQ 1

Nhân dân đến tham gia lễ hội Chu Túc

 

Phần lễ: Diễn ra tại đình làng, là nơi thờ Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương và Thành hoàng làng họ Hà (Theo truyền thuyết, ông thủy tổ gia tộc họ Hà đã có công khai phá vùng đất này vào khoảng những năm 1428-1430, sau khi ông mất, nhân dân địa phương đã lập đình để thờ ông và tôn ông làm Thành Hoàng làng).

Để tổ chức được lễ hội đảm bảo trang trọng, tôn nghiêm, nhân dân địa phương đã họp bàn thống nhất trước ngày chính hội khoảng một tháng. Qua đó các hộ gia đình trong làng sẽ cùng đóng góp để chuẩn bị một mâm lễ chung (mâm lễ chính), Lễ vật gồm các thứ: 01 con gà thiến to béo, 1 mâm xôi 3 màu (trắng, đỏ, tím), 02 cặp bánh chưng vuông, 01 đĩa bánh dày, 2 bát khẩu sli, bánh khảo, chè lam... Ngoài mâm lễ chính của làng, các hộ gia đình còn chuẩn bị cho gia đình mình một mâm cỗ riêng để cúng Thành Hoàng làng.

Đến giờ khai hội, đại diện ban tổ chức đánh 3 hồi trống báo hiệu giờ tốt đã đến, các mâm cỗ được nhân dân mang ra cúng tại đình, mâm lễ chung của làng được đặt ở ban thờ thần Thành Hoàng làng, bên dưới là các mâm cỗ của các gia đình sẽ được xếp thành 2 hàng, bày đối diện nhau. Tiếp đến là màn múa lễ bái của đoàn sư tử quanh các mâm lễ cúng. Cùng lúc này, Pú Mo trong trang phục áo màu xanh, đầu đội khăn xếp bắt đầu thắp hương và làm lễ, sau khi Pú Mo thắp hương mâm lễ chính, lần lượt các trưởng họ thắp hương lên mâm cỗ của gia đình mình.

 Lh Chu Túc VQ 2

               Đại diện Ban tổ chức đánh trống khai hội

Sau lời khấn, Pú Mo rót rượu mời các thần: Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương, vị Thành Hoàng họ Hà, thần Nông và thần Thổ Địa... cầu cho nhân dân luôn mạnh khỏa khỏe, nhân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu,...

 

 Lh Chu Túc VQ 3

Sư tử múa chào mừng lễ hội

          Phần hội: Được tổ chức ngay sau phần lễ, bao gồm những trò chơi dân gian như: Kéo co, đẩy gậy, đấu vật, múa sư tử, hát sli, lượn... thu hút đông đảo nhân dân cùng tham gia.

.

Múa sư tử: nhân lực trong đội múa sư tử thông thường là 7 -12 người độ tuổi từ 18 đến 25 (Trong mỗi đội có một người trung niên từ 35 đến 40 tuổi). Đội phân công múa sư tử chịu trách nhiệm chuẩn bị đầu sư tử, chiêng, trống, thanh la, chũm chọe, mặt nạ ông địa, các vũ khí và trang phục, đạo cụ kèm theo của trò diễn.

Đẩy gậy: Sân thi đấu môn đẩy gậy không có gì phức tạp, chỉ cần vẽ một vòng tròn đồng tâm khoảng 5 mét, với một chiếc gậy có chiều dài 2 mét được sơn màu trắng, đỏ hai đầu để phân biệt; đầu và thân gậy phải được bào nhẵn và có đường kính bằng nhau. Sau khi các vận động viên đã hoàn tất thủ tục chuẩn bị thi đấu, trọng tài chính dùng khẩu lệnh “cầm gậy”, các vận động viên mới được phép cầm gậy theo quy định của luật. Khi các vận động viên đã ở tư thế sẵn sàng, đúng luật, hô dự lệnh “chuẩn bị”, sau đó thổi một hồi còi phát lệnh cho hiệp đấu bắt đầu, đồng thời buông tay cầm gậy ra. Theo quy định luật chơi, bên nào chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Mỗi cuộc thi đẩy gậy thường diễn ra trong 2 - 3 hiệp, nếu thắng 2 hiệp liên tiếp thì vận động viên đó là người giành chiến thắng. Khi kết thúc trận đấu, trọng tài chính và 2 vận động viên mặt hướng về Ban Tổ chức trọng tài chính hai tay cầm tay 2 vận động viên, giơ tay vận động viên thắng cuộc lên cao, sau đó các vận động viên rời sân.

 Lh Chu Túc VQ 4

                             Trò chơi đẩy gậy diễn ra trong lễ hội.

Kéo co: khoảng 8-10 người 1 đội chơi; đây kéo co được chia đôi đánh dấu bằng 1 dây lụa đỏ ở giữa; kẻ 3 vạch, buộc 3 dây đỏ để bắt đầu chơi dây sẽ ko lệch về bên nào.

Ném còn: Quả "còn" hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao, trên đỉnh có “vòng còn” hình tròn (khung còn), khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Cả mặt giấy là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt qua vòng còn trên đỉnh cột là thắng cuộc.

          Tuy mới được phục dựng những năm gần đây nhưng lễ hội Lồng thồng Chu Túc đã thu hút sự quan tâm, tham gia, ủng hộ của đông đảo nhân dân địa phương và nhân dân các vùng lân cận. Lễ hội chính là nơi người dân nơi đây gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, cầu cho đời sống gia đình mình có một năm mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, mọi việc hanh thông. Đồng thời, lễ hội cũng chính là dịp để người dân tụ họp, giao lưu văn hóa tinh thần.

 

                                           Nguyễn Thu Huyền

Last modified on Thứ ba, 08 Tháng 2 2022 16:25

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 36

Tất cả 2839303

Videos

Liên kết website