Print this page
Thứ hai, 18 Tháng 2 2019 02:55

Lễ Hội Chùa Tam Thanh

Chùa Tam Thanh nằm trong động Tam Thanh, đây là một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của Xứ Lạng. Di tích chùa Tam Thanh, là một địa điểm tham quan thu hút khách du lịch thập phương. Trải qua sự thăng trầm của thời gian và lịch sử, di tích Tam Thanh nay vẫn giữ được nhiều dáng vẻ ban đầu, hấp dẫn du khách gần xa bằng vẻ đẹp tự nhiên vốn có của di tích. Chùa Tam Thanh gắn liền với danh thắng tượng đá nàng Tô Thị, đã đi vào câu ca dao muôn thuở. Tượng đá Nàng Tô thị đứng chếch trên sườn núi trước mặt là một biểu tượng của lòng chung thủy sắt son của người phụ nữ ngàn xưa. Di tích Tam Thanh, ngoài ý nghĩa là một danh thắng, nó còn là một di tích tôn giáo tín ngưỡng (thờ Phật, Mẫu). Cùng với danh thắng Nhị Thanh, thành nhà Mạc, tượng đá nàng Tô thị, chùa Tam Giáo…Hang động chùa Tam Thanh xứng đáng là một trong những thắng cảnh của thị xã Lạng Sơn như danh nhân Ngô Thời Sĩ đã từng ca ngợi trong bài thơ “Trần doanh bát cảnh ”. Nằm trong một môi trường có bề day lịch sử và thẫm đẫm văn hóa dân gian truyền thống của một đô thị miền núi phía Bắc biên giới nước ta, lễ hội chùa Tam Thanh đã được hình thành và phát triển như một nét đẹp văn hóa đặc sắc của địa phương. Theo thông lệ hàng năm cứ đên ngày rằm tháng giêng hàng năm, dân chúng Lạng Sơn lại mở hội chùa Tam Thanh.

 

Vào ngày hội sáng sớm các cụ già tập hợp trước Tam Bảo tụng kinh gõ mõ cầu đức Phật phù hộ cho dân chúng một năm mới bình an khỏe mạnh, cầu cho ngày hội được vui vẻ…lúc này các đội sư tử phường Tam Thanh lên chùa múa lễ, mọi người dân cùng theo sau sư tử lên thắp hương lễ Phật, thánh, Mẫu trong chùa. Lễ vật dâng cúng trên ngôi Tam bảo, Thánh tăng, Đức ông là những lễ chay: Hương, hoa , oản. Còn ở ban thờ Thánh Mẫu ngoài đồ chay còn dâng lễ mặn, nhiều năm đồ lễ mặn có từ 5 – 7 con lợn quay. Đội sư tử Phường sau khi múa lễ trên chùa liền ra cổng múa đón chào các đội sư tử ở các làng, xã bên cạnh đến chúc mừng và vui chơi trong hội.

Khoảng 8 giờ sáng ban tế nữ quan bắt đầu thực hiện nghi lễ tế thánh trong lễ hội. Quy trình tế lễ gồm các tuần dâng hương, hoa trà, tửu đọc chúc văn, hóa vàng…Trình tự tế giống như tế ở các đình đền chùa khác. Vì thực tế cá nghi lễ này cũng được tham khảo và lấy từ những quy định nghi lễ tế cổ xưa của bộ lễ, hoặc trong sách “Việt Nam phong tục ” của Phan Kế Bính. Thời gian diễn ra buổi lễ khoảng một giờ. Sau đó đến các con hương ở chùa vào gõ mõ tụng kinh niệm phật làm tăng thêm sự trang trọng, linh thiêng trong ngày lễ hội.

Về phần hội, đây là những hoạt động phong phú về trò chơi và diễn xướng…Lễ hội Tam Thanh được tổ chức các trò chơi như đấu cờ người , thi múa võ, ném còn, chơi trò cua cá…và các làn điệu sli, then, lượn, quan họ, chèo hòa cùng những tiếng đàn then, đàn nhị…tạo nên một không khí ngày hội sôi động, hào hứng.

Lễ hội Tam Thanh tổ chức hàng năm được mọi người tìm đến để cầu mong những điều may mắn, tìm đến vui chới giải trí, gặp gỡ bạn bè. Lễ hội Tam Thanh cũng là dịp giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa các dân tộc, vùng miền.

Vượt qua ranh giới địa phương, lễ hội chùa Tam Thanh đã trở thành nơi thu hút đông đảo khách thập phương. Để nghe câu ca dao thủa xưa về miền đất Xứ Lạng:

“Đồng Đăng qua phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

Ai lên Xứ Lạng cùng anh

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em ”.

Một số hình ảnh lễ hội :

 

IMG 3356

IMG 3399

IMG 3424

IMG 3452

IMG 3436

IMG 3602

Ảnh: Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Bài : Dulichlangson.com.vn

Last modified on Thứ hai, 18 Tháng 2 2019 02:55